Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tiếp xúc cử tri ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Huỳnh Thị Ánh Sương đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV cũng như hoạt động của Đoàn tại kỳ họp.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến dự thảo Luật Nhà giáo; chế độ chính sách dành cho đội ngũ giáo viên; vấn đề dạy thêm – học thêm; phân luồng học sinh; mức lương tối thiểu; chế độ dành cho nhân viên cấp dưỡng, bảo vệ trong nhà trường…
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri
Cụ thể, đối với dự thảo Luật Nhà giáo, cử tri đặt vấn đề: theo quy định tại mục 1, khoản b, Điều 16 dự thảo Luật Nhà giáo quy đinh việc tuyển dụng nhà giáo thông qua xét tuyển hoặc thi tuyển, trong đó phải có thực hành sư phạm là chưa phù hợp với Nghị định số 115/2020/NĐ CP, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Vì theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP, nếu xét tuyển viên chức thi vòng 2, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng lựa chọn một trong ba hình thức thi: Vấn đáp hoặc thực hành hoặc viết.
Như vậy nếu phải thực hành thì các hình thức vấn đáp và viết là không được áp dụng. Do đó nên điều chỉnh cụm từ trên là: “…. lựa chọn một trong ba hình thức thi: Vấn đáp hoặc thực hành hoặc viết (ưu tiên hình thức thực hành sư phạm chứ không bắt buộc)”.
Tại khoản 3 Điều 16 về đối tượng được đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng nhà giáo cần quy định rõ cụm từ đặc cách là như thế nào (điều kiện đặc cách thì có phải thi hoặc sát hạch không?); Tại mục b khoản 4 Điều 16: Chính sách thu hút nhà giáo trong tuyển dụng quy định: “Thực hiện thông qua tiếp nhận để trở thành nhà giáo", cử tri đề nghị quy định rõ tiếp nhận có thi không, cần điều kiện gì (văn bằng, thời gian công tác…) để tiếp nhận.
Cử tri ngành giáo dục Quảng Ngãi kiến nghị nhiều nội dung quan trọng
Tại mục b, khoản 2 và khoản 3 Điều 23 quy định các trường hợp không được thuyên chuyển: “Công tác chưa đủ 3 năm tính từ thời điểm được tuyển dụng và bổ nhiệm chức danh nhà giáo trừ trường hợp tự nguyện, tình nguyện thuyên chuyển công tác về cơ sở giáo dục ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo”.
Tuy nhiên, quy định phải đủ 3 năm trở lên kể từ khi tuyển dụng mới được thuyên chuyển là chưa phù hợp với Luật Viên chức và thực tế. Vì hàng năm cơ quan quản lý phải tuyển dụng giáo viên thay thế cho người nghỉ hưu, nghỉ việc, thuyên chuyển công tác…
Nhưng nếu tuyển số giáo viên mới thay thế cho những giáo viên trên thuộc vùng thuận lợi, đồng bằng vì nghiễm nhiên số giáo viên công tác tại miền núi, vùng sâu không có cơ hội (sau 3 năm, cơ sở giáo dục có nhu cầu không còn vị trí việc làm vì đã tuyển giáo viên mới). Do đó, cử tri đề nghị chỉ quy định 12 tháng (trong thời gian tập sự) theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP, Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
Tại khoản 1 Điều 24 quy định Nhà giáo dạy liên trường, liên cấp trong cơ sở giáo dục công lập: “Dạy liên trường, liên cấp là việc nhà giáo được cơ quan quản lý giáo dục phân công giảng dạy đồng thời từ 2 cấp học trong cơ sở giáo dục có nhiều cấp học hoặc trình độ đào tạo; từ 2 cơ sở giáo dục trở lên cùng cấp học hoặc khác cấp học”. Theo cử tri, quy định dạy liên cấp như vậy là chưa phù hợp quy định đối với các môn cơ bản (trừ môn năng khiếu).
Lý do là vì đều tốt nghiệp cử nhân nhưng khi tuyển dụng giáo viên các bậc học, cấp học đề khác nhau và mã chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm cũng khác nhau. Giáo viên tiểu học không thể dạy cấp THCS hoặc cấp THPT và ngược lại. Vì vậy, cử tri đề nghị chỉ quy định dạy liên trường theo đơn vị hành chính phân cấp quản lý theo môn dạy, cấp dạy.
ĐBQH, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi Vũ Thị Liên Hương đã trao đổi, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Trong đó, có những vấn đề thuộc thẩm quyền của ngành giáo dục tỉnh đã được giải đáp cụ thể về phương án xử lý cũng kết luận các nội dung kiến nghị liên quan; đối với các vấn đề không thuộc thẩm quyền sẽ được chuyển cho cơ quan Trung ương xem xét, giải quyết.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy phát biểu
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy thông tin về việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, dự kiến sẽ chuyển lĩnh vực dạy nghề về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý để tạo sự liên thông trong đào tạo, quản lý. Hiện nay, tỉnh đã có kế hoạch triển khai thực hiện sắp xếp từng sở, ban, ngành đến đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trong giai đoạn 2026-2030. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi mong muốn các thầy cô giáo ủng hộ chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.
Ghi nhận những đóng góp của đội ngũ giáo viên trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng chia sẻ những khó khăn của các thầy cô giáo. Đối với các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành giáo dục sẽ được Văn phòng tổng hợp để chuyển đến các cơ quan chuyên môn liên quan xem xét, xử lý.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thông tin đến các thầy, cô giáo về những đổi mới của Quốc hội từ việc xây dựng pháp luật đến giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Trong những “điểm nghẽn thể chế”, có nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Quốc hội và Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ kịp thời.