Nghiên cứu giải trình, tiếp thu nhiều ý kiến góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Toàn cảnh Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Tại phiên họp, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, ngày 01/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Báo cáo số 1037/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản gửi các đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Về chính sách của nhà nước về địa chất, khoáng sản (Điều 3): Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 4 để thống nhất với khoản 1 Điều 7 Luật Ngân sách nhà nước; quy định rõ tỷ lệ phần trăm được trích lại trong khoản thu từ khai thác khoáng sản, nguyên tắc trích nộp các khoản thu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc quy định chính sách của Nhà nước tại khoản 4 Điều 3 nhằm thể chế hoá quan điểm được nêu tại Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, nội dung khoản 4 đã được chỉnh lý và thể hiện như trong dự thảo Luật. Việc bố trí kinh phí sẽ được thực hiện theo dự toán ngân sách nhà nước, phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Về điều chỉnh quy hoạch khoáng sản (Điều 15): Một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo pháp luật về quy hoạch, có ý kiến khác đề nghị quy định cụ thể trong dự thảo Luật để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong thực tiễn và đặc thù của hoạt động điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo 02 phương án để xin ý kiến. Để giải quyết kịp thời việc điều chỉnh quy hoạch, tháo gỡ vướng mắc bất cập phát sinh trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất báo cáo xin ý kiến Quốc hội phương án cho phép.
Nghiên cứu điều chỉnh thời hạn khai thác khoáng sản không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm
Các ĐBQH tập trung thảo luận vào các nội dung: Chính sách của Nhà nước về địa chất, khoáng sản; Quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; Trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; Điều chỉnh quy hoạch khoáng sản; Số lượng giấy phép thăm dò khoáng sản được cấp cho một tổ chức; Quản lý khoáng sản nhóm IV; Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; Khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Đóng góp ý kiến thời hạn giấy phép khai thác khoáng sản, đại biểu Đỗ Thị Lan – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tại điểm a khoản 4 Điều 58 dự thảo Luật quy định, thời hạn khai thác bao gồm thời gian xây dựng cơ bản, thời gian khai thác được xác định theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản nhưng không quá 30 năm và có thể được gia hạn nhiều lần theo đề nghị của tổ chức, cá nhân có giấy phép khai thác khoáng sản, nhưng tổng thời gian gia hạn không quá 20 năm.
Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Điểm b, khoản 4 còn quy định trường hợp thời hạn khai thác quy định như trên đã hết, kể cả thời gian đã gia hạn, mà còn trữ lượng thì được đề nghị cấp lại giấy phép khai thác khoáng sản, thực hiện như đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản.
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan, quy định về thời hạn khai thác và gia hạn thời hạn khai thác như dự thảo Luật là chưa phù hợp với chủ trương của Trung ương và Tổng Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cải cách hành chính, tháo gỡ vướng mắc, giảm chi phí thời gian cho doanh nghiệp và chưa phù hợp với quy định về đầu tư. Bởi vì, theo Điều 44 Luật Đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư trong khu kinh tế không quá 70 năm, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư ngoài khu kinh tế không quá 50 năm.
Trên thực tế, nhiều dự án khai thác than đã và đang có thời gian thực hiện trên 40 năm (bao gồm cả thời gian cấp phép và thời gian gia hạn), nhiều doanh nghiệp đã phải mất rất nhiều thời gian cho việc lập hồ sơ đề nghị gia hạn thời gian khai thác than, mỗi lần gia hạn chỉ từ 2 đến 3 năm và lại vừa làm vừa chuẩn bị xin gia hạn thời gian khai thác, đề nghị gia hạn thời gian khai thác nhiều lần nên rất bất cập.
Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, quy định về thời gian cấp phép, gia hạn khai thác khoáng sản của dự thảo Luật đang giữ như Luật hiện hành, không được sửa đổi mặc dù đã có ý kiến của ĐBQH. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu quy định thời gian cấp phép khai thác khoáng sản theo trữ lượng khoáng sản và điều kiện địa chất khoáng sản của dự án, điều chỉnh thời hạn khai thác không quá 50 năm và thời gian gia hạn không quá 15 năm tại điểm a khoản 4 Điều 58 dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn và khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Để đảm bảo quyền lợi cho các tổ chức, cá nhân về cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản, chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về cách thức giải quyết đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ và đáp ứng đầy đủ các điều kiện gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản nhưng do các điều kiện khách quan như là đợi quy hoạch được phê duyệt, chờ cơ quan chức năng thẩm định hồ sơ mà cơ quan Nhà nước chưa xem xét, giải quyết nhằm để bảo đảm tiến độ cấp, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản.
Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung nội dung quy định là không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với lại khối lượng khoáng sản sử dụng tại các khu vực hoạt động khoáng sản. Vì khi sử dụng khoáng sản chỉ để xây dựng các công trình nội bộ trong giai đoạn xây dựng cơ bản, giai đoạn khai thác, cải tạo, phục hồi môi trường thì khối lượng khoáng sản vẫn còn tại các khu vực dự án, doanh nghiệp chưa tiêu thụ ra bên ngoài nên chưa phải nộp tiền khai thác.
Xem xét lại quy định phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của dự án đến tài nguyên
Theo quy định như khoản 2 dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản, tất cả các dự án, công trình chấp thuận đầu tư dự án trên khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đều phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông- Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, quy định trên là chưa phù hợp, vì thực tế có những dự án xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ lợi ích quốc gia, những công trình lợi ích công cộng nhỏ lẻ, quy mô rất nhỏ (như đã nêu ở trên) thì việc đánh giá là không cần thiết. Do đó, chỉ nên quy định đối với những công trình, dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội như điểm a khoản 1 và khai thác khoáng sản không thuộc đối tượng dự trữ như quy định tại điểm c khoản 1 dự thảo mới phải đánh giá mức độ ảnh hưởng. Vì những công trình, dự án và hoạt động này có khả năng tác động, ảnh hưởng đến lớn đến khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia.
Bên cạnh đó, nếu đánh giá về mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng và chất lượng cũng như các giải pháp bảo vệ khoáng sản, các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng về nguồn lực, thiết bị và các phương tiện kỹ thuật, kinh phí thực hiện; đồng thời, các công trình trên sẽ tăng tổng mức đầu tư rất cao, trong khi đó công trình thì rất nhỏ.
Với những phân tích nêu trên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2, Điều 35 thành: “Tổ chức, cá nhân thực hiện dự án đầu tư tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia phải đánh giá mức độ ảnh hưởng đến tài nguyên, trữ lượng, chất lượng; giải pháp bảo vệ khoáng sản thuộc khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia theo quy định tại khoản 3 Điều này, trừ các dự án, công trình quy định tại điểm b, điểm d khoản 1 Điều 35”.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Qua thảo luận các ĐBQH đánh giá cao việc chuẩn bị Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các ĐBQH cũng thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo Luật nhưng cũng tham gia nhiều ý kiến để hoàn thiện Luật nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật như: phạm vi điều chỉnh của Luật, giải thích từ ngữ, phân nhóm khoáng sản, quy hoạch khoáng sản, trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản, điều chỉnh quy hoạch khoáng sản...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Những ý kiến của các ĐBQH đã được ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua.
Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên thảo luận cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản
Các lãnh đạo Quốc hội tham dự Phiên thảo luận
Các ĐBQH tham dự Phiên thảo luận
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Lý Minh Đức - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Đại biểu Trần Thị Kim Nhung - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Cầm Hà Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh
Đại biểu Dương Văn Phước - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy làm rõ, giải trình một số ý kiến của các ĐBQH
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận Phiên thảo luận./.