Phát huy đầy đủ chức năng để Bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động

16/09/2024

Việc sửa đổi Luật Việc làm là cần thiết để đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững, hội nhập đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Trong đó, cần chú trọng sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Cần phát huy đầy đủ chức năng của Bảo hiểm thất nghiệp

Vừa qua, Thường trực Ủy ban Xã hội đã tổ chức phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Trong lần sửa đổi luật lần này, việc hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động là một chính sách quan trọng đang được cân nhắc kỹ lưỡng.

Đánh giá thực tiễn thi hành Luật Việc làm hiện hành, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp tại Luật Việc làm hiện hành chưa bao phủ đối tượng là người lao động làm công hưởng lương và có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, như người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng. Về hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề, quy định tại Luật Việc làm hiện hành và các văn bản hướng dẫn về điều kiện hưởng quá chặt chẽ, hiếm khi xảy ra, do đó, người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.

Thường trực Ủy ban Xã hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Mặt khác, một số quy định tại Luật Việc làm về mức đóng, mức hưởng đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định không còn phù hợp chủ trương bỏ mức lương cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW; loại trừ các trường hợp bị sa thải, bị xử lý kỷ luật vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề là chưa đúng với bản chất của bảo hiểm thất nghiệp.

Do đó, Luật cần được sửa đổi, bổ sung các quy định này để điều chỉnh chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động duy trì việc làm, phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm bảo hiểm thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động. Cụ thể, việc sửa đổi luật hướng đến mục tiêu gia tăng số người trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp có nhu cầu đều được hỗ trợ đào tạo; được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; đẩy mạnh hỗ trợ người sử dụng lao động nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp; đẩy mạnh hỗ trợ hỗ trợ người thất nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Để mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, dự thảo Luật bổ sung đối tượng người lao động giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng trở lên thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp; bổ sung đối tượng người có giao kết hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên nhưng làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024; bổ sung đối tượng người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, bổ sung quy định về việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Điều 81).

Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề cho người lao động

Nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động, đảm bảo tính khả thi trong thực tế; Bổ sung chế độ hỗ trợ người sử dụng lao động khi sử dụng người lao động là người khuyết tật.

Các đại biểu dự họp

Hướng tới mục tiêu tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm và hỗ trợ học nghề, khắc phục tình trạng người lao động chỉ nhận trợ cấp thất nghiệp, dự thảo Luật bổ sung quy định về kinh phí thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm được lấy từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo giá tư vấn, giới thiệu việc làm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định (Điều 104). Bổ sung quy định phạm vi hỗ trợ học nghề bao gồm các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề; bổ sung quy định hỗ trợ tiền ăn đối với người lao động trong thời gian tham gia đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề mà không hưởng trợ cấp thất nghiệp (Điều 106).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề (bổ sung trường hợp không được hưởng trợ cấp thất nghiệp/hỗ trợ học nghề). Bổ sung quy định về chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm thất nghiệp theo hướng sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ về bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội 2024 (Điều 119).

Cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về mức đóng theo hướng: người lao động đóng “tối đa” bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng “tối đa” bằng 1% quỹ tiền lương tháng của người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm  và giao Chính phủ quy định cụ thể mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động (Điều 83). Bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động căn cứ kết dư Quỹ trước các “cú sốc” như: khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh (Điều 80).

Phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội

Đánh giá kỹ lưỡng tác động của những sự điều chỉnh này, cơ quan soạn thảo cho rằng, về mặt kinh tế, người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 01 tháng đến dưới 03 tháng, người lao động làm việc không trọn thời gian, người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có hưởng lương và tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm.  Tất cả người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đều được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí; được tham gia các khoá đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề.

Luật Việc làm cần phát huy đầy đủ các chức năng của bảo hiểm thất nghiệp trong quản trị thị trường lao động (Ảnh minh họa)

Về mặt xã hội, đối với Nhà nước, việc sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp hướng đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp, góp phần giảm thất nghiệp, ổn định, phát triển thị trường lao động, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường lưới an sinh xã hội, đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Đối với người sử dụng lao động, những quy định mới này sẽ góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động của người sử dụng lao động, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc. Kịp thời hỗ trợ người sử dụng lao động khi thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế hoặc trường hợp thực hiện cam kết chuyển đổi năng lượng, góp phần duy trì việc làm cho người lao động và duy trì sản xuất.

Đối với người lao động, dự thảo Luật giúp duy trì, bảo đảm việc làm cho người lao động, phòng ngừa thất nghiệp. Ngoài ra, người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp khi mất việc làm; tăng cơ hội chuyển đổi việc làm; nâng cao trình độ kỹ năng nghề, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới phù hợp.

Hồ Hương

Các bài viết khác