RÀ SOÁT, HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH VỀ QUYỀN GIÁM SÁT CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN BẢO ĐẢM PHÙ HỢP, KHẢ THI

31/07/2024

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7; xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật lần này là quy định về quyền chủ động giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, theo ý kiến một số thành viên HĐKH của UBTVQH, chuyên gia cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo việc quy định phù hợp và khả thi…

TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO VỊ THẾ, KHẲNG ĐỊNH VAI TRÒ VÀ HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 06 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 01 điều so với Luật Công đoàn 2012 đã được Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7. Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, hoàn thiện dự thảo Luật, chuẩn bị báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội xem xét thông qua.

Một trong những điểm mới thu hút sự quan tâm góp ý của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) lần này là quy định về quyền chủ động giám sát và phản biện xã hội của Công đoàn Việt Nam. Theo đó, Điều 16 dự thảo Luật quy định về quyền giám sát của Công đoàn: “Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn”. Đồng thời xác định “Giám sát của công đoàn mang tính xã hội, được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm phát huy dân chủ, công khai, minh bạch; xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của đoàn viên công đoàn, người lao động; không làm cản trở hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được giám sát”; 

Ngoài ra, Điều 17 dự thảo Luật quy định về phản biện xã hội của công đoàn. Cụ thể, “Công đoàn chủ trì phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và của người lao động”.

TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên PCN Ủy ban xã hội của Quốc hội, thành viên HĐKH của UBTVQH 

Cơ bản đồng tình với quy định tại dự thảo luật, TS. Bùi Sỹ Lợi, thành viên HĐKH của UBTVQH cho rằng, giám sát của công đoàn là hoạt động giám sát mang tính xã hội, khác với hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân là hoạt động giám sát mang tính quyền lực nhà nước . Trong các giai đoạn lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và phát huy hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Nội dung này cũng đảm bảo sự thống nhất, phù hợp với chủ trương của Đảng và hệ thống pháp luật Việt Nam. Việc trao quyền chủ động giám sát mang tính xã hội cho công đoàn đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thuận lợi trong tiếp cận các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước; góp phần phát hiện sớm vi phạm tại đơn vị sử dụng lao động, thực hiện tốt vai trò của tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động trong quan hệ lao động. 

Ths. Đặng Đình Luyến, nguyên PCN Ủy ban Pháp luật 

Nêu quan điểm về nội dung này, Ths. Đặng Đình Luyến, nguyên PCN Ủy ban Pháp luật cho rằng, quy định tại khoản 1, Điều 16 tại dự thảo “1. Công đoàn thực hiện giám sát hoặc tham gia, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc các cấp và cơ quan nhà nước có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức công đoàn.” là chưa phù hợp với quy định tại Điều 10 của Hiến pháp 2013: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính  trị - xã hội…. tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”.

Theo Ths. Đặng Đình Luyến, căn cứ theo quy định của Hiến pháp thì Công đoàn không tự thực hiện giám sát, mà chỉ tham gia phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác để giám sát… và phạm vi, đối tượng giám sát là “hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động”, chứ không có thẩm quyền giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng,… Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu sửa lại khoản 1 Điều 16 của dự thảo Luật để phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013 là Công đoàn chỉ có quyền tham gia giám sát, và phạm vi, đối tượng giám sát như quy định trong Hiến pháp.

 Đậu Anh Tuấn, thành viên HĐKH của UBTVQH 

Cùng quan điểm, TS. Đậu Anh Tuấn, thành viên HĐKH của UBTVQH cho rằng, quy định tại dự thảo luật mở rộng hơn so với Điều 10 của Hiến pháp 2013. Bởi vì, Điều 10, Hiến pháp 2013 chỉ quy định, Công đoàn tham gia kiểm tra, giám sát cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động còn việc tổ chức đoàn giám sát, thực hiện việc giám sát không quy định. Vì vậy, cần có sự rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng đối với quy định này tại dự thảo, đảm bảo thống nhất với Hiến pháp.

“Khi quy định như dự thảo luật có thể làm thay đổi quan hệ cân bằng trong quan hệ lao động đang ổn định. Về tác động dài hạn, có thể làm giảm sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư vào Việt Nam… Do đó, cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ tác động nhiều chiều của quy định khi ban hành”, TS. Đậu Anh Tuấn bày tỏ băn khoăn.

 PGS. TS Lê Minh Thông, thành viên HĐKH của UBTVQH

Về nội dung này, PGS. TS Lê Minh Thông, thành viên HĐKH của UBTVQH đề nghị, công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, có quyền giám sát. Tuy nhiên, lưu ý cách thể hiện trong dự thảo luật cần rõ ràng, cụ thể, theo hướng: Nghiên cứu quy định thành 02 khoản riêng biệt, gồm: (1) giám sát xã hội, nội dung này liên quan đến việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước;…; (2) tham gia giám sát với tư cách là thành phần không phải là chủ thể.

Trước đó, góp ý vào quy định này tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến ĐBQH bày tỏ thống nhất với việc bổ sung; đồng thời cho rằng, quy định như dự thảo phù hợp và thống nhất với các quy định của Đảng, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở... vừa phù hợp với thực tiễn hoạt động công đoàn trong tình hình mới. Qua tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012, công đoàn địa phương và nhiều ngành kiến nghị quy định chính thức trong Luật quyền chủ động giám sát của tổ chức công đoàn để thuận lợi cho việc tiếp cận và tổ chức giám sát tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước khi có dấu hiệu, nguy cơ vi phạm quyền lợi của người lao động..../.

Lê Anh