Theo chuyên gia Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội, một trong những vấn đề đã được đề cập đến trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020(BVMT) và đang được quan tâm đó là bảo đảm an ninh nguồn nước, tuần hoàn tái sử dụng nước, thông qua cách tiếp cận về kinh tế tuần hoàn. Tuần hoàn tài nguyên đã qua sử dụng nói chung và tài nguyên nước (TNN) nói riêng được khuyến khích trong Luật BVMT năm 2020. Tuy nhiên, lĩnh vực tuần hoàn TNN chưa được đề cập sâu trong các Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cho đến hiện tại. Với nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng như hiện nay, việc định hướng tìm nguồn nước thay thế là rất cần thiết. Nước thải được coi là một nguồn nước cấp khả thi, ổn định, có thể đáp ứng được nhu cầu dùng nước hiện tại và tương lai.
![](https://vov2.vov.vn/sites/default/files/media_thumb/v2_1003_11h00_dien_dan_vov2_pl_15h30.mp3.png)
Chuyên gia Hoàng Thị Thu Hương, Viện Khoa học và Công nghệ Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội
Việc chuyển đổi mô hình quản lý TNN theo hướng tuần hoàn nhằm bổ sung nguồn cung cấp nước ổn định, giải quyết các vấn đề về môi trường góp phần đảm bảo việc phát triển kinh tế và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên là cần thiết. Với tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh như hiện nay thì tái sử dụng nước thải công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh nguồn nước, tái sử dụng nước cũng mang lại nhiều lợi ích và được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, để tái sử dụng nước thải công nghiệp cần có công nghệ được áp dụng đúng cách nhằm ngăn ngừa những tác động không mong muốn đến môi trường. Hiện nay, việc thống kê, kiểm kê, quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải gần như chưa được triển khai trong bất kỳ ngành nghề, lĩnh vực, địa phương nào ở nước ta.
Việc quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải cũng chưa được phân công, phân cấp một cách rõ ràng, cụ thể. Ở cấp vĩ mô, vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý cũng chưa được chú trọng, quan tâm một cách thích đáng; trong các quy hoạch về TNN, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông, cũng như quy hoạch về khai thác, sử dụng nước của các ngành kinh tế hầu như không đề cập đến vấn đề tái sử dụng nước thải sau xử lý. Ở cấp vi mô, vấn đề tái sử dụng nước thải đối với các dự án đầu tư chưa được nhìn nhận, xem xét ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế hoặc thẩm định dự án.
Mặc dù trong thời gian qua, ở Việt Nam việc tái sử dụng nước thải sau khi xử lý đã được quan tâm và khuyến khích trong các văn bản Luật, Nghị định. Tuy nhiên, các quy định pháp luật hiện hành về tái sử dụng nước thải về cơ bản vẫn dừng ở nguyên tắc chung, chưa có các quy định, hướng dẫn cụ thể làm cơ sở cho các tổ chức, cá nhân dễ dàng thực hiện việc tái sử dụng nước thải và các cơ quan quản lý địa phương quản lý hoạt động tái sử dụng nước thải trên thực tế.
Trong Điều 24 của Nghị định số 80/2014/ NĐ-CP có quy định về việc quản lý và tái sử dụng nước thải sau xử lý phải đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được quy định cho việc sử dụng nước vào các mục đích khác nhau, không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường. Nghị định này cũng yêu cầu Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng nước thải sau xử lý.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các văn bản ban hành chính thức quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sử dụng nước thải sau xử lý là một khó khăn cho các hoạt động tái sử dụng nước thải về cơ sở pháp lý. Tại Việt Nam, các bộ tiêu chuẩn liên quan tới vấn đề tái sử dụng nước sau xử lý đã dần được hình thành và quan tâm từ năm 2017 về Hướng dẫn sử dụng nước thải đã xử lý cho các dự án tưới. Từ thời điểm ấy đến giờ, đã có thêm nhiều bộ tiêu chuẩn về hướng dẫn tái sử dụng nước thải khác ra đời, giúp đưa vấn đề tái sử dụng nước thải dễ tiếp cận hơn tới nhiều đối tượng.
Hiện tại tất cả các bộ tiêu chuẩn Việt Nam liên quan tới tái sử dụng nước đều chỉ đang tập trung vào mục tiêu tái sử dụng nước không uống, chưa có bất kỳ hướng dẫn nào cho việc tái sử dụng nước dùng trong sinh hoạt. Do đó, cần xây dựng thêm nhiều bộ quy chuẩn kỹ thuật nhằm đánh giá chất lượng nước sau xử lý để tái sử dụng nước cho các mục đích khác nhau. Đối với vấn đề tái sử dụng nước thải ở các doanh nghiệp, nhà máy và khu công nghiệp, việc xây dựng, ban hành một quy chuẩn, hướng dẫn chung cho đối tượng trên là rất khó khăn do tính chất đặc thù của các loại hình sản xuất kéo theo tính chất nước thải phát sinh từ các loại hình sản xuất là khác nhau và phức tạp. Nguyên nhân căn bản của hiện trạng này là do nước đã qua sử dụng hiện nay chưa được công nhận là một nguồn tài nguyên và chưa được đưa vào xem xét trong Luật TNN.
![](/content/tintuc/NewsMedia2020/buihung/300920230554-nc-16636658103561744488197.png)
Cùng bàn về vấn đề này, nhà nghiên cứu Đào Hoàng Hải, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, kinh nghiệm về xây dựng khung khổ, chính sách về kinh tế tuần hoàn TNN và tuần hoàn tái sử dụng nước của các quốc gia đều cho thấy vấn đề này không phải chỉ cần thiết với quốc gia khan hiếm nguồn nước mà còn với tất cả các quốc gia.
Thứ nhất, kinh tế tuần hoàn TNN và tái sử dụng nước được ban hành dưới dạng kế hoạch hành động thực tế theo các giai đoạn khác nhau, đồng thời lồng ghép trong nhiều văn bản khác về TNN và môi trường. Cách thức thực hiện hóa các quy định, ưu đãi thực tế là rất cần thiết.
Thứ hai, việc tuần hoàn tái sử dụng nước cần được xem xét trên cả phạm vi vi mô và vĩ mô. Trên phạm vi vĩ mô, cần lồng ghép nội dung này vào các quy hoạch cũng như kế hoạch hành động. Ở cấp vi mô, các chủ đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân cần tính đến xem xét khả năng, lập kế hoạch và lựa chọn phương án tuần hoàn tái sử dụng nước ngay từ giai đoạn đầu khi thiết kế dự án.
Thứ ba, nhiều tiêu chuẩn quốc tế về nước thải sau xử lý, nước tuần hoàn theo các cấp khác nhau, lĩnh vực sử dụng khác nhau đã được ban hành. Bên cạnh việc vận dụng các tiêu chuẩn này khi xây dựng tiêu chuẩn ở Việt Nam, còn cần quan tâm đến vấn đề giám sát, công bố thông tin về sử dụng nước đối với các bên liên quan: Nhà quản lý, người đầu tư, người sử dụng nước đã qua xử lý, người sử dụng sản phẩm/ dịch vụ sử dụng nước thải đã qua xử lý hoặc nước tuần hoàn.
Thứ tư, việc sử dụng nước thải qua xử lý, nước tuần hoàn phải được giám sát chặt chẽ, đảm bảo các yêu cầu về sức khỏe và môi trường.
Thứ năm, khu vực tư nhân là đối tượng thích hợp vận hành nhà máy xử lý nước thải (đầu tư theo hình thức công tư, có sự hỗ trợ tài chính từ Nhà nước/tổ chức quốc tế, tự bỏ tiền). Nhà máy xử lý có thể bán lại nước thải đã qua xử lý cho thành phố hoặc khu vực công nghiệp một cách trực tiếp. Chính quyền thành phố cũng có thể đứng trung gian, vừa là đơn vị đặt hàng cho nhà máy xử lý, vừa là đơn vị bán nước thải đã qua xử lý cho khu vực công nghiệp và khu vực nông nghiệp.
Tái sử dụng nước thải mang lại lợi ích không những cho các hoạt động kinh tế của doanh nghiệp mà còn có tác động tốt đến môi trường. Tuy nhiên, các giải pháp tuần hoàn tái sử dụng nước, đặc biệt là trong công nghiệp cần phải được thực hiện đúng cách và có kiểm soát. Cần triển khai và hướng dẫn cụ thể để doanh nghiệp tăng cường tái sử dụng nước thải sau xử lý. Các thủ tục kỹ thuật, chính sách và pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về lợi ích của việc tái sử dụng nước thải sau xử lý. Do đó, cần có các chính sách hợp lý khuyến khích hoặc bắt buộc sử dụng nước tái sinh cho các đối tượng sử dụng nhiều nước. Trong bối cảnh an ninh nguồn nước ở Việt Nam đã bắt đầu bị đe dọa và Luật TNN cần được sửa đổi cho phù hợp, việc cân nhắc xem xét coi nước đã qua sử dụng là một nguồn tài nguyên là yêu cầu cần thiết trong việc khuyến khích tái sử dụng nước trong công nghiệpn