ĐỀ XUẤT NGHIÊN CỨU XÂY DỰNG LUẬT BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

15/12/2022

Để nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều chuyên gia cho rằng, cần sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Biến đổi khí hậu làm căn cứ pháp lý cao nhất cho tổ chức mọi hoạt động ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam.

 

Ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành vấn đề cấp bách mang tính toàn cầu, đặc biệt được quan tâm trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19. Biến đổi khí hậu cũng đang có xu hướng diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động ngày càng trầm trọng trên phạm vi thế giới, đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực của mọi quốc gia trong việc đề ra các hành động khẩn trương và mạnh mẽ để tăng khả năng chống chịu và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), bảo vệ môi trường. Trong thời gian qua, Quốc hội Việt Nam luôn chú trọng việc xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, phát luật về ứng phó với BĐKH.


Các đại biểu tham dự Hội thảo về “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2021 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP-GIZ) tổ chức.

Về cơ bản, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ứng phó với BĐKH ở cấp trung ương đến nay đã được ban hành tương đối đầy đủ; Công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện ứng phó với BĐKH khá kịp thời, phù hợp với bối cảnh, quan điểm mới về BĐKH, đặc biệt là từ sau kết quả tại Hội nghị COP26. Việc tổ chức thực hiện quy định pháp luật về ứng phó với BĐKH khá nghiêm túc. Các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH mang lại hiệu quả nhất định, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH của cộng đồng. Đầu tư công cho BĐKH đã cung cấp nguồn lực đáng kể cho ứng phó với BĐKH, nhất là củng cố, phát triển cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH…

Tuy nhiên, nhiều địa phương còn lúng túng trong xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về BĐKH của địa phương. Một số địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo về ứng phó BĐKH cấp tỉnh nhưng hoạt động còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Cấp tỉnh, cấp Bộ, ngành và doanh nghiệp còn lúng túng trong thực hiện chính sách giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính, giám sát và đánh giá hoạt động ứng phó với BĐKH do chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Để nâng cao hiệu quả việc ban hành và thực hiện chính sách, pháp luật về ứng phó với BĐKH, tại Hội thảo về “Tình hình ban hành và thực hiện pháp luật ứng phó với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2021 do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (MCRP-GIZ) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Tuệ - nguyên Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu xây dựng Luật BĐKH. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật luật chuyên ngành, bảo đảm phù hợp với mục tiêu thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính và yêu cầu lồng ghép các hoạt động ứng phó với BĐKH. 

Ngoài ra, Việt Nam cần xây dựng và ban hành văn bản về hướng dẫn lồng ghép BĐKH vào quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển và hướng dẫn lồng ghép BĐKH vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh đó, cần xây dựng các văn bản hướng dẫn, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật trong các ngành nhằm thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và yêu cầu ứng phó với BĐKH; đồng thời rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy ứng phó với BĐKH.


Ông Nguyễn Văn Tuệ - nguyên Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

TS.Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu quan điểm: Việc ban hành luật về BĐKH của quốc gia phát triển và đang phát triển có sự khác nhau. Các quốc gia phát triển với cam kết quốc tế về cắt giảm phát thải khí nhà kính, việc ban hành Luật là điều cần thiết để đảm bảo hành lang pháp lý cho việc triển khai hành động nhằm đạt được mục tiêu và cam kết đã đề ra. Với các quốc gia đang phát triển, vấn đề cắt giảm khí nhà kính là không bắt buộc, nhưng với nhìn nhận BĐKH là cơ hội để chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp, nên nhiều quốc gia cũng đã sớm ban hành Luật. Sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và cho đến nay, hầu hết các quốc gia đã cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nên vấn đề xây dựng văn bản luật về BĐKH đã trở thành một xu thế tất yếu. Các thỏa thuận quốc tế được xem là văn bản luật quốc tế, ràng buộc các quốc gia tham gia thực hiện, với các ràng buộc quốc tế ngày càng khắt khe hơn trong việc đảm bảo cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Theo TS. Nguyễn Đăng Mậu, ở Việt Nam, hoạt động ứng phó với BĐKH là rất rộng, từ Chiến lược, kế hoạch đến Chương trình, dự án, từ Trung ương đến địa phương. Việc đánh giá tổng thể và đầy đủ các hoạt động ứng phó với BĐKH cần được triển khai một cách bài bản gồm: Đánh giá thực trạng thực hiện Chiến lược, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu và các cam kết quốc tế của Việt Nam; Đánh giá thực trạng thực hiện Chương trình, dự án ứng phó với BĐKH. Việc rà soát và đánh giá tổng hợp công tác ứng phó với BĐKH cần làm rõ được về kết quả, tồn tại, hạn chế và khoảng trống; đánh giá cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực và địa phương; Đề xuất được các giải pháp cho giai đoạn tiếp theo; đồng thời việc hoàn thiện thể chế cũng cần tiếp tục được nâng lên một bước.


TS.Nguyễn Đăng Mậu - Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Căn cứ thực trạng và yêu cầu trong thời gian tới, một số vấn đề hoàn thiện thế chế về BĐKH cần được quan tâm như sau: Sớm nghiên cứu, xây dựng Luật Biến đổi khí hậu làm căn cứ pháp lý cao nhất cho tổ chức mọi hoạt động ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Tốt nhất là hoàn thành vào năm 2025 để có cơ sở pháp lý cho thực hiện giai đoạn bắt đầu từ năm 2026. Xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư giảm phát thải trong các lĩnh vực; các chính sách thương mại và phát triển thúc đẩy phát triển bền vững; sản xuất và tiêu dùng hàng hóa bền vững, không làm mất rừng và suy thoái rừng; nông nghiệp bền vững, thúc đẩy an ninh lương thực và tránh gây hại cho môi trường.

Ngoài ra, Việt Nam cần hoàn thiện chính sách, thể chế cũng như tiếp tục nâng cao năng lực để quản lý tốt hơn và thực hiện các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, kiểm kê khí nhà kính. Theo đó, cần tăng cường năng lực theo dõi tiến trình thực hiện NDC theo quy định của Khung tăng cường minh bạch (ETF); Tiến tới xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định hoạt động giảm phát thải khí nhà kính quốc gia (MRV) theo ETF của Thoả thuận Paris để theo dõi quá trình thực hiện NDC hướng tới đáp ứng việc trao đổi những kết quả giảm nhẹ trên thị trường quốc tế.


Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy.

Với những ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban sẽ nghiên cứu, tiếp thu, tiếp tục bổ sung các căn cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để hoàn thiện báo cáo giám sát về biến đổi khí hậu trong thời gian tới; đồng thời tham mưu việc rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật, nhất là các luật, nghị quyết của Quốc hội và tăng cường giám sát của Quốc hội đối với các Bộ, ngành của Chính phủ trong việc triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước về ứng phó với BĐKH./.

Bích Lan