KẾT LUẬN CỦA UBTVQH VỀ BÁO CÁO KẾT QUẢ GIÁM SÁT CHUYÊN ĐỀ VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ TIẾP CÔNG DÂN VÀ GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO

06/10/2022

Tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021". Ngày 29/9, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành Thông báo kết luận số 1496/TB-TTKQH về nội dung này.

UBTVQH THÔNG QUA NGHỊ QUYẾT VỀ TIẾP TỤC TĂNG CƯỜNG HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ TIẾP CÔNG DÂN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Toàn cảnh Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Vừa qua, tại Phiên họp thứ 15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với kết quả giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021". Trên cơ sở ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 29/9, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã ban hành Thông báo kết luận số 1496/TB-TTKQH về nội dung này.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu dương, đánh giá cao tinh thần nỗ lực, quyết tâm và những đổi mới trong tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát, tinh thần trách nhiệm của Ban Dân nguyện trong việc chủ trì nội dung chuyên đề giám sát và vai trò của các thành viên Đoàn giám sát để hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch và yêu cầu đặt ra; đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, Kiểm toán nhà nước, Liên Đoàn luật sư Việt Nam, các chuyên gia để tiến hành giám sát, hoàn thiện báo cáo giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành các nội dung của Báo cáo giám sát chuyên đề và Dự thảo Nghị quyết giám sát, những vấn đề chính trong báo cáo giám sát cơ bản đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất về quan điểm, nhận thức, thực trạng, kiến nghị, đề xuất giữa Đoàn giám sát với các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát. Đề nghị Đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội để hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát bổ sung nội dung vào Báo cáo chung để làm rõ thêm về bối cảnh, tình hình trong giai đoạn tiến hành giám sát; nêu rõ hơn vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác điều hòa, phối hợp, triển khai các hoạt động giám sát, về quy mô, sự tham gia của các cơ quan có liên quan; Rà soát lại hệ thống phụ lục, nhất là phần số liệu cụ thể, kết quả tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu trong giai đoạn giám sát đảm bảo chính xác.

Bên cạnh đó, Đoàn giám sát cần xác định cụ thể lộ trình việc thực hiện kiến nghị đối với các vụ việc cụ thể mà Đoàn giám sát đã xem xét và nêu trong báo cáo; việc thực hiện rà soát đối với các vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài thuộc trách nhiệm rà soát của các cơ quan Trung ương (35 vụ việc phức tạp kéo dài thuộc danh sách kiểm tra của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập theo Quyết định 1849/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ; 58 vụ việc rà soát theo Kế hoạch số 1910/KH-TTCP ngày 29/11/2021 của Thanh tra Chính phủ); các vụ việc rà soát thuộc trách nhiệm chủ động rà soát của các địa phương theo Kế hoạch 363/KH-TTCP của Thanh tra Chính phủ để định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chỉnh lý dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, xác định thời hạn thực hiện và báo cáo kết quả đối với các kiến nghị, yêu cầu nêu trong Nghị quyết.

Theo Thông báo kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Đoàn giám sát phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cơ quan liên quan để thống nhất một số nội dung, lộ trình cụ thể về việc thực hiện kiến nghị của Đoàn giám sát. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc và nội dung cơ bản của dự thảo “Nghị quyết tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Thường trực Đoàn giám sát, Ban Dân nguyện phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến vào Báo cáo giám sát, dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản để hoàn thiện, ký Báo cáo kết quả giám sát theo quy định và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành Nghị quyết giám sát trong tháng 9/2022.

Hồ Hương

Các bài viết khác