CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SAU TÁC ĐỘNG CỦA ĐẠI DỊCH COVID-19

13/04/2022

Sáng ngày 13/4, tại Hà Nội, Ban Công tác đại biểu tổ chức Hội nghị Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị còn có các đại biểu Quốc hội, chuyên gia về kinh tế.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh cho biết, thực hiện Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về công tác bồi dưỡng đại biểu Quốc hội, Ban Công tác đại biểu tổ chức hội nghị “Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19.

Hội nghị được tổ chức với mục đích hỗ trợ các đại biểu nắm được kiến thức cơ bản và xác định được những vấn đề quan trọng trong chính sách hỗ trợ kinh tế hiện nay, liệu các chính sách vừa qua đã đủ và hiệu quả chưa, có cần tiếp tục can thiệp những chính sách nào không, tập trung vào lĩnh vực nào... để góp phần bảo đảm vai trò, năng lực của đại biểu Quốc hội trong việc tham mưu chính sách và có thể vận dụng vào quá trình hoạt động đại biểu của mình.
 


Toàn cảnh Hội nghị Cơ chế, chính sách phục hồi và phát triển kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. 

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh khẳng định: Trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu với những biến thể mới, cản trở đà phục hồi của khu nền kinh tế thế giới. Ở trong nước, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng cả ở trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn đến tất cả các khía cạnh của đời sống, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế. Cùng với đó, những biến động của tình hình thế giới gần đây đã tác động không không nhỏ tới nền, kinh tế thế giới và Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, nếu không có các chính sách, giải pháp quyết liệt, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2025 có thể thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Nền kinh tế sẽ đối mặt với không ít rủi ro, thách thức về kiểm soát gia tăng lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, lao động việc làm, an sinh xã hội,...

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: Thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong việc huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 trao quyền chủ động mạnh mẽ cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được quyết định và tổ chức thực hiện một số giải pháp cấp bách đặc biệt, đặc thù để ứng phó kịp thời với dịch COVID-19. Đây là một quyết nghị chưa có tiền lệ trong lịch sử lập pháp của Quốc hội, được dư luận cả nước đồng tình, đánh giá cao; khẳng định Quốc hội luôn chủ động, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, sớm trở lại trạng thái bình thường mới để không “lỡ nhịp” xu thế phục hồi và phát triển của thế giới.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các chuyên gia kinh tế chia sẻ một số kiến thức cơ bản về cơ chế, chính sách phục hồi kinh tế đang được Nhà nước triển khai; cụ thể hơn về chính sách tiền tệ để thích ứng linh hoạt, kịp thời nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.


Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị.

Trong sáng ngày 13/4, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đã được nghe TS. Cấn Văn Lực-Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia đã có những chia sẻ về chuyên đề: “Kinh tế thế giới và Việt Nam trong năm 2021-2022 và chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam”.

Các nội dung của chuyên đề tập trung vào các nội dung: Chính sách kinh tế vĩ mô, kinh tế thế giới năm 2021-2022, kinh tế Việt Nam năm 2021-2022, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022-2023 của Việt Nam.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh đến việc dịch bệnh COVID-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế-xã hội. Mặt khác, tình hình thế giới có nhiều biến động, chiến sự giữa Nga –Ukraine cũng đã tác động gián tiếp đến nền kinh tế của nhiều nước, khiến giá dầu tăng cao kéo theo nhiều sản phẩm, hàng hóa tăng theo. Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cần tập trung kiểm soát lạm phát, giảm bội chi ngân sách, có chính sách tiền tệ linh hoạt để thích ứng với những thách thức, sự biến động phát sinh để phục hồi nền kinh tế cũng như hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cũng cần có những giải pháp hữu hiệu để đảm bảo an sinh xã hội, chính sách giải quyết việc làm, hỗ trợ người dân chịu tác động của dịch bệnh COVID-19.


Tiến sĩ Cấn Văn Lực-Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia.

Để thực hiện các giải pháp trên, Việt Nam cần thực hiện tốt Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội cũng như các Nghị quyết khác. Ngoài ra, Quốc hội cũng cần có chính sách giám sát việc triển khai các gói hỗ trợ, chính sách tài khóa, tiền tệ một cách hiệu quả.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi thêm với Tiến sĩ Cấn Văn Lực về dự trữ ngoại hối để giải quyết những vấn đề cấp bách, phát sinh đối với nền kinh tế-xã hội; cách sử dụng, kiểm soát hiệu quả cũng như giải quyết nguồn nợ công; chính sách tài khóa phù hợp để phục hồi nền kinh tế...

Chiều cùng ngày, Hội nghị tiếp tục được tổ chức với phần trình bày của Tiến sĩ Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với chuyên đề: “Chính sách tiền tệ của Việt Nam nhằm phục hồi và phát triển kinh tế xã hội”./.

Bích Lan - Minh Thành

Các bài viết khác