NÂNG CAO HIỆU LỰC HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN GẮN VỚI THÍ ĐIỂM TỔ CHỨC MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN ĐÔ THỊ TẠI HÀ NỘI

21/02/2022

Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 khu vực phía Bắc do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động, HĐND các cấp TP.Hà Nội đặc biệt chú trọng việc phát huy vai trò của đội ngũ đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố và tăng cường hoạt động giám sát của HĐND tại các địa phương không tổ chức HĐND phường.

Nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 28/11/2019 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị  với nhiều quy định mới, đặc thù về tổ chức bộ máy và hoạt động của chính quyền các cấp. Theo đó, thành phố Hà Nội thí điểm không tổ chức HĐND ở các phường; một số nhiệm vụ trước đây thuộc thẩm quyền của HĐND phường, nay là thẩm quyền và nhiệm vụ của HĐND quận, thị xã. Đồng thời, ngày 08/4/2021, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 160/2021/QH14 về thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội; số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách được bố trí tối đa 19 người, là số lượng đại biểu chuyên trách cao nhất từ trước đến nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Tại Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 khu vực phía Bắc

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà, việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động của HĐND nhưng cũng đòi hỏi HĐND Thành phố cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các hoạt động, trong đó có hoạt động giám sát.

Để nâng cao chất lượng hoạt động nói chung, hoạt động giám sát nói riêng khi triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026, Đảng đoàn, Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại thành phố Hà Nội”.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, HĐND Thành phố đã nhanh chóng thích ứng linh hoạt, hoạt động giám sát được thực hiện bài bản, đúng quy định của pháp luật, đồng thời có nhiều đổi mới để phù hợp với việc triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố.

Cụ thể: Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND xây dựng kế hoạch giám sát ngay từ đầu năm, trong đó xác định rõ nội dung giám sát chuyên đề, nội dung chất vấn, nội dung giải trình; thời gian thực hiện; đối tượng giám sát... Lựa chọn đúng và trúng nội dung giám sát - là những vấn đề dân sinh bức xúc hoặc những tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực quản lý nhà nước được đông đảo dư luận cử tri nhân dân quan tâm, những vấn đề phát hiện qua hoạt động giám sát, khảo sát của các Ban, đặc biệt qua các kênh thông tin báo chí, dư luận xã hội và kết luận, chỉ đạo của Thường trực, Thường vụ Thành ủy. Hình thức giám sát được thực hiện theo hướng linh hoạt và đa dạng, phù hợp với tình hình phòng chống dịch: tăng cường giám sát chuyên đề, kết hợp giám sát trực tiếp và giám sát qua báo cáo, giám sát thường kỳ và giám sát đột xuất, tổ chức giám sát theo từng nhóm đối tượng. Để tăng hiệu quả các cuộc giám sát, thành phần mời dự được mở rộng, gồm đại diện cơ quan cấp trên, các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giám sát. Quy trình giám sát đảm bảo theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.

Đặc biệt, trong điều kiện Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 97 của Quốc hội, Thường trực HĐND tiếp tục chỉ đạo thực hiện nhiều đổi mới nhằm nâng cao chất lượng và mở rộng hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố xuống tới cơ sở, nhất là ở các địa bàn không tổ chức HĐND phường như: đẩy mạnh phối hợp hoạt động giám sát giữa Đoàn ĐBQH Hà Nội và Thường trực HĐND Thành phố, giữa các Ban HĐND, giữa Tổ đại biểu và Thường trực HĐND quận, thị xã đối với các lĩnh vực có cùng đối tượng giám sát; đẩy mạnh việc tổ chức giám sát tới tận thôn, tổ dân phố, trực tiếp tới từng công trình, dự án cụ thể; kết luận của nhiều cuộc giám sát, khảo sát được sử dụng làm căn cứ để Thường trực HĐND tổ chức chất vấn, giải trình, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân (từ Chủ tịch UBND Thành phố, hoạt động của UBND Thành phố, cán bộ cấp Thành phố đến UBND huyện, xã, cán bộ, công chức huyện, xã và doanh nghiệp). Từ đó yêu cầu các cơ quan, chính quyền phải xác định những giải pháp, lộ trình khắc phục, xử lý tồn tại, hạn chế, vướng mắc.

Trong năm 2021, HĐND Thành phố đã tổ chức 03 Đoàn giám sát chuyên đề; Thường trực HĐND đã tổ chức 03 Đoàn giám sát; Các Ban HĐND Thành phố đã triển khai 12 cuộc giám sát, khảo sát các lĩnh vực được phụ trách. Đặc biệt ngay sau khi NQ về chính sách hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được ban hành, các Tổ đại biểu HĐND Thành phố phối hợp, tập trung giám sát ngay việc thực hiện Nghị quyết để đảm bảo Nghị quyết được áp dụng kịp thời, tích cực và hiệu quả. Thường trực HĐND đã giám sát công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, tiếp công dân trên địa bàn để nâng cao hiệu quả trả lời khiếu nại tố cáo, chỉ ra những bất cập, tồn tại và các ý kiến trả lời cử tri chưa rõ địa chỉ, chưa đúng nội dung và khắc phục tình trạng trả lời không rõ trách nhiệm.

Các đoàn giám sát Thành phố đều có sự tham gia của các Ban HĐND, đại diện sở, ngành, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, các Ban Đảng của Thành ủy và được thực hiện với các hình thức phù hợp trong điều kiện đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, tạo sự đa dạng, tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm và chuyên môn. Quá trình theo dõi việc giải quyết các kết luận giám sát, tái giám sát tiếp tục được chú trọng; có văn bản đôn đốc, nhắc nhở đơn vị nếu chậm giải quyết các kiến nghị sau giám sát hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND Thành phố.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà trình bày tham luận tại Hội nghị

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, giải trình cũng được Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội hết sức quan tâm. Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 3 HĐND Thành phố là phiên chất vấn trực tiếp đầu tiên của nhiệm kỳ đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, nghiêm túc, trách nhiệm với tổng số 28 lượt đại biểu phát biểu chất vấn, tranh luận; 16 lượt đại diện UBND Thành phố, Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện tham gia trả lời chất vấn. Trong đó, đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố đã trực tiếp trả lời chất vấn và báo cáo, tiếp thu, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu HĐND Thành phố quan tâm. Điều hành của Chủ tọa trong phiên chất vấn đã được cử tri đánh giá là bản lĩnh, linh hoạt khoa học, hiệu quả tạo điều kiện để đại biểu và người trả lời chất vấn trao đổi, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, cam kết thời gian, tiến độ để hoàn thành công việc. Kết luận phiên chất vấn, chủ tọa đề nghị UBND Thành phố, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc thực hiện những lời hứa, cam kết trước HĐND, cử tri và đây cũng là thước đo năng lực, uy tín và sự tín nhiệm của cán bộ.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà chia sẻ, trong kết quả hoạt động giám sát của HĐND TP.Hà Nội có dấu ấn và vai trò của đội ngũ đại biểu chuyên trách. Nhiệm kỳ 2021-2026, thực hiện Nghị quyết 160 của Quốc hội, đội ngũ 19 đại biểu chuyên trách HĐND Thành phố đảm bảo về số lượng và chất lượng là điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các hoạt động nói chung và hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND Thành phố. Để phát huy vai trò của các đại biểu chuyên trách, trong Kế hoạch hoạt động của các Ban đều có sự phân công cụ thể các nội dung tới từng đại biểu chuyên trách, đảm bảo mỗi đầu việc đều có người chủ trì chịu trách nhiệm, người phối hợp, thời gian và tiến độ thực hiện. Là thành phần nòng cốt trong các cuộc giám sát, làm việc tại cơ sở, trước và trong các cuộc giám sát, các đại biểu chuyên trách đều nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nội dung giám sát, thu thập các thông tin cần thiết. Vì vậy các nhận định, đánh giá, các câu hỏi giám sát của đại biểu chuyên trách đều cụ thể, khách quan, chỉ rõ được những hạn chế, tồn tại trong việc thực hiện nhiệm vụ của đối tượng giám sát, từ đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho đơn vị.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu chuyên trách đã thể hiện rõ năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh của người đại biểu nhân dân; đặt câu hỏi ngắn gọn, cụ thể và tranh luận đến cùng vấn đề. 2/3 số câu hỏi chất vấn, tái chất vấn trên nghị trường đến từ các đại biểu chuyên trách. Bên cạnh đó, để giúp đại biểu có thêm cái nhìn khách quan từ cơ sở, Thường trực HĐND Thành phố phân công các đại biểu chuyên trách theo dõi, tham dự các kỳ họp, các phiên giải trình của HĐND quận, huyện, thị xã; tham dự đầy đủ các cuộc TXCT và tiếp công dân theo lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP.Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà khẳng định các đại biểu chuyên trách có vai trò rất lớn và đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát của HĐND thành phố Hà Nội. Số lượng đại biểu chuyên trách được bố trí như hiện nay, cùng với việc phân công, bố trí từng đại biểu chuyên trách theo dõi từng nhóm nội dung với từng lĩnh vực cụ thể đã giúp hoạt động giám sát bảo đảm sâu, rộng, cụ thể, chuyên nghiệp hơn, theo đến tận cùng vấn đề.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Để hoạt động giám sát của HĐND thực sự phát huy hiệu quả hơn nữa, thể hiện được tính đặc thù của mô hình chính quyền đô thị, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội kiến nghị, đề xuất 3 nội dung sau: 

Một là, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể về cơ chế giám sát, cũng như quy định rõ các hình thức giám sát của HĐND Thành phố, HĐND quận, thị xã với UBND phường khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị; quy định cụ thể về thẩm quyền, nhiệm vụ đối với cơ quan giám sát để có thể phát huy vai trò giám sát, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Hai là, đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo ban hành các quy định về chế tài sau giám sát, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được giám sát trong việc thực hiện các kết luận giám sát của HĐND Thành phố, quận, huyện, thị xã đặc biệt là trong việc giám sát hoạt động của UBND, Chủ tịch UBND phường tại các quận, thị xã; để đảm bảo Chủ tịch UBND phường thực hiện theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao; tránh trường hợp chủ quan, lơ là trong hoạt động khi không có HĐND phường giám sát.

Ba là, cùng với việc tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách cấp Thành phố cũng cần quy định tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND quận, thị xã để đảm bảo hiệu quả hoạt động của HĐND. Nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND thành phố Hà Nội tiếp tục đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm, chỉ đạo để bố trí tối đa số lượng đại biểu chuyên trách HĐND quận, huyện, thị xã theo quy định của Luật. Thực tế chỉ ra, việc tăng thêm đại biểu chuyên trách giúp cho hoạt động của HĐND các cấp được sâu hơn, rộng hơn và chất lượng được nâng cao hơn./.

Bảo Yến

Các bài viết khác