PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN CHỦ TRÌ PHIÊN HỌP THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI KỲ HỌP QUỐC HỘI

11/02/2022

Sáng 11/02, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì buổi làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội và Đề án sửa đổi quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc, công phu của các thành viên trong việc nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội. Đến nay, hồ sơ Đề án đã cơ bản hoàn thành, gồm: Dự thảo Báo cáo về việc xây dựng Đề án; Dự thảo Đề án; Dự thảo Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp Quốc hội.

Đánh giá cao các thành viên đã có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể, sâu sắc, chất lượng để tiếp tục hoàn thiện Đề án, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổ biên tập tiếp thu các ý kiến theo tinh thần đáp ứng yêu cầu đổi mới, rà soát tất cả các vấn đề, làm rõ phạm vi sửa đổi, tạo sự thuyết phục nhất định, đảm bảo các nội dung đề xuất, kiến nghị phải tương ứng với lý luận, thực trạng; việc sửa đổi phải tiến hành khẩn trương, bảo đảm mục đích, yêu cầu, tiến độ, chất lượng, nhiệm vụ được phân công.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cần tổ chức hội thảo, tọa đàm, tham vấn, các chuyên gia có kinh nghiệm, nhất là các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Quốc hội, một số đại biểu Quốc hội các khóa, các chuyên gia am hiểu sâu về hoạt động Quốc để bổ sung, tăng cường các đánh giá, nhận định và kiến nghị, góp phần nâng tầm Đề án nhằm bảo đảm chất lượng các kiến nghị để trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng tán thành với quan điểm, chỉ những vấn đề đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm, được đánh giá tác động kỹ lưỡng mới được sửa đổi, bổ sung trong Nội quy kỳ họp. Do đó, đối với những đổi mới khác với quy định hiện hành, chưa được kiểm nghiệm thì cần xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho thí điểm thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá thực tiễn thi hành, nếu đạt kết quả tốt mới kiến nghị quy định tại Nội quy và các luật, nghị quyết khác có liên quan. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Tổ biên tập hoàn chỉnh thêm dự thảo Đề án để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội về những định hướng lớn.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số nội dung

Đối với Dự thảo sửa đổi quy chế làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao Văn phòng Quốc hội đã khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn thi hành Quy chế hiện hành, rà soát quy định của các luật có liên quan, xây dựng Hồ sơ dự thảo Nghị quyết, tổ chức lấy ý kiến của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan, giải trình, tiếp thu ý kiến để chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ; Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tiến hành thẩm tra nghiêm túc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các thành viên cần tiếp tục làm việc trách nhiệm và tâm huyết, rà soát thật kỹ để hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Quy chế trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần quán triệt tinh thần “quyết tâm, quyết liệt, quyết làm”, không để chậm tiến độ thực hiện./.

Dương Dung