Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Điểm chú ý của dự án luật này là làm rõ trách nhiệm cụ thể của người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, nhằm góp phần giảm bớt thất thoát, lãng phí trong đầu tư công.
Dự án luật cũng đã bổ sung quy định về hình thức quản lý mới về ủy thác đầu tư dự án, đánh giá kết thúc và đánh giá tác động dự án để từng bước khắc phục hạn chế trong quản lý đầu tư hiện nay.
Bên cạnh đó, dự án luật đã bổ sung các quy định về đảm bảo chi phí duy tu, bảo dưỡng cho các công trình sau khi nghiệm thu, bàn giao, dẫn đến chương trình nhanh chóng xuống cấp.
Cho ý kiến vào nội dung này, các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết, mục tiêu của dự án luật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát lại nội dung, điều khoản trong dự án luật này cho thống nhất với hệ thống luật hiện hành, nhất là luật xây dựng, luật ngân sách, luật đấu thầu.
Các đại biểu cũng đề nghị, Dự án luật cần phải làm rõ về từ ngữ cho rõ nghĩa, dễ hiểu như đâu là dự án Nhóm A, Nhóm B… mà Quốc hội phê chuẩn. Đặc biệt, phê duyệt dự án đầu tư công phải dựa trên cơ sở kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương trong tầm nhìn trung hạn và dài hạn để làm căn cứ quyết định đầu tư.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết của việc ban hành Dự án Luật Đầu tư công. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, dự án luật cần khắc phục những hạn chế, tồn tại của các luật khác liên quan tới đầu tư công, xem xét lại phạm vi điều chỉnh và phải bảo đảm tính khả thi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tiếp tục chỉnh sửa dự án luật để khi trình ra Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tới nhận được sự tán thành cao./.