Theo báo cáo của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tại buổi làm việc, trong năm 2013 đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý hình sự, 28 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, bốn trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý về hành vi có dấu hiệu tham nhũng. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính14.710,8 tỷ đồng, kiến nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền chỉ đạo tổ chức kiểm điểm, xem xét trách nhiệm để xử lý theo quy định của pháp luật đối với 27 cá nhân; chuyển hồ sơ sáu vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật sang cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra.
Trong những tháng đầu năm 2013, ngành Thanh tra phát hiện 73 vụ, 80 đối tượng có hành vi liên quan tham nhũng với số tiền 117 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 115 tỷ đồng. Lực lượng Cảnh sát điều tra đã thụ lý 371 vụ án, 847 bị can phạm tội tham nhũng. Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 278 vụ, 485 bị cáo về các tội danh tham nhũng, trong đó tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 41,2%...
Trong phần thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH. Trong năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp, sự giám sát của QH, HÐND, MTTQ Việt Nam, công tác PCTN đã được triển khai khá đồng bộ trên các mặt về hoàn thiện thể chế, chính sách, củng cố bộ máy, tổ chức thực hiện pháp luật. Trong một số lĩnh vực, địa phương, kết quả đạt được cao hơn so những năm trước, về cơ bản đã đạt được chỉ tiêu mà Nghị quyết 37/NQ-QH ngày 23-11-2012 của QH đã đề ra. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần từng bước kiềm chế tham nhũng ở một số lĩnh vực...
Nhiều ý kiến của thành viên Ủy ban Thường vụ QH thẳng thắn chỉ rõ: Năm qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Việc hoàn thiện thể chế chậm và vẫn còn bất cập, công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với thực trạng tham nhũng đã và đang gây bức xúc trong xã hội. Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Trong báo cáo của Chính phủ đã phản ánh, đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác PCTN, nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân đồng thời đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, một số đại biểu QH cho rằng,báo cáo của Chính phủ còn chung chung, chưa đánh giá, phân tích sâu sắc, thấu đáo nguyên nhân của những việc chưa làm được, nhất là những hạn chế, yếu kém. Báo cáo chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác PCTN. Hoặc chỉ rõ, chỉ đúng những địa chỉ cụ thể đơn vị, tổ chức, trách nhiệm cá nhân những nơi để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng.
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng ở trung ương vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Ðiều tra còn thấp; việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần. Một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật; việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỷ lệ cao. Nhiều hành vi có liên quan tới tham nhũng chỉ bị xử lý kỷ luật hành chính, qua xem xét một số vụ việc thì thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung đánh giá tình hình công tác PCTN của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN. Trong báo cáo, Chính phủchưa thể hiện rõ, cụ thể việc Chính phủ tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN đạt kết quả thế nào.
Phát biểu ý kiến thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần có báo cáobổ sung đánh giá tình hình công tác PCTN của các cơ quan báo chí, MTTQ Việt Nam, các tổ chức quốc tế. Chủ tịch QH nêu vấn đề cần làm rõ có hay không tình trạng bao che, bỏ sót tội phạm tham nhũng làm rõ trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu.
Một số đại biểu đề nghị thống kê số lượng tin báo tố giác hành vi tham nhũng gửi đến các cơ quan tư pháp T.Ư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư Ðảng, Kiểm toán Nhà nước và tình hình xử lý, giải quyết những đơn thư tố giác này. Ban Chỉ đạo PCTN T.Ư cần duy trì thường xuyên việc công bố thông tin giải quyết các vụ án lớn, tránh gây hiểu nhầm, tâm lý hoài nghi trong dư luận xã hội.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước trình bày Tờ trình kế hoạch kiểm toán năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo thẩm tra.
Buổi chiều, các thành viên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng. Trong báo cáo thẩm tra, Ủy ban Pháp luật của QH tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng với các lý do như đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Công chứng hiện hành. Hơn nữa, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với các luật khác như Luật Ðất đai, Bộ luật Dân sự, Luật Nhà ở...