QUAN TÂM THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

05/11/2021

Chiều ngày 05/11, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo ''Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam – Một số tồn tại, hạn chế và những khuyến nghị''. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm tham dự Hội thảo.

 

Tham dự Hội thảo có Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng và các thành viên của hai cơ quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm cho biết, Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với dân số trên 14 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Đồng bào các DTTS cư trú thành cộng đồng ở 5.266 đơn vị hành chính cấp xã, 548 huyện, 51 tỉnh, thành phố. Địa bàn cư trú của các DTTS phần lớn là miền núi, chiếm 3/4 diện tích cả nước, chủ yếu tập trung ở vùng miền núi, trung du phía Bắc, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và khu vực Nam Bộ. Đây là những địa bàn có vị trí chiến lược, quan trọng về chính trị, an ninh - quốc phòng và tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Nhưng cũng là vùng có địa hình tự nhiên phức tạp, độ dốc cao, chia cắt, cơ sở hạ tầng khó khăn, nơi tập trung các xã nghèo, huyện nghèo và người nghèo của cả nước.


Toàn cảnh Hội thảo.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm khẳng định: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách cụ để giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất; Hoàn thành định canh định cư, bố trí sắp xếp dân cư, ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường… và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất ở vùng DTTS đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để tập trung giải quyết như: Việc gia tăng dân số ở các vùng đồng bào DTTS &MN tạo nên áp lực đối với đất đai trong canh tác truyền thống đối với đồng bào. Sự phát triển xã hội theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa, nông nghiệp hàng hóa, kéo theo sự bùng nổ của các dự án khai khoáng, năng lượng, phát triển giao thông, đô thị, tập trung đất đai trồng cây nguyên liệu, cây nông nghiệp hàng hóa,... cũng tạo nên sức ép vào quỹ đất. Tình trạng thiếu đất sản xuất, rừng đang bị lấn chiếm, tranh chấp diễn ra ở nhiều địa phương; đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Tại hội thảo này, các đại biểu, nhà quản lý, chuyên gia tập trung trao đổi, thảo luận làm rõ một số vấn đề sau:

Thứ nhất: Phân tích, đánh giá, làm rõ các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai và chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những thuận lợi, khó khăn, bất cập của cơ chế, chính sách về đất đai hiện nay đối với đồng bào DTTS. Chỉ ra một số vấn đề chồng chéo, bất cập giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật Lâm nghiệp năm 2017. Một số tồn tại, hạn chế trong văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức không gian và môi trường sống cho đồng bào DTTS ở Việt Nam.


Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Nie Kđăm phát biểu tại Hội thảo.

Thứ hai: Trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị có liên quan; trách nhiệm quản lý nhà nước, việc phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai và đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số của các bộ, ngành trung ương, các địa phương.

Thứ ba: Làm rõ thực trạng Chính sách giao đất rừng và rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số; những kết quả đã đạt được, tồn tại, hạn chế trong văn bản pháp luật có liên quan đến tổ chức không gian và môi trường sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế.

Thứ tư: Từ thực tiễn, đề xuất, kiến nghị, giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn tiếp theo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã đưa ra ý kiến đóng góp vào việc nhận diện những vấn đề cấp bách trong thực hiện Tái định cư do thu hồi đất ở vùng DTTS &MN; Giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào DTTS đảm bảo sinh kế bền vững; Chính sách giao đất rừng và rừng cho đồng bào DTTS....

Đề cập việc giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, đảm bảo quyền sinh kế cho đồng bào DTTS, ông Hoàng Xuân Lương-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng DTTS & MN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng: Các cơ quan cần xác định rõ hơn mục tiêu giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS không phải chỉ là có đất, mà là tạo sinh kế bền vững, nơi còn quỹ đất thì có chính sách đủ nguồn lực để thu hồi cấp cho đồng bào, ở những nơi không còn quỹ đât thì tập trung chuyển đổi nghề, miễn sao có thu nhập ổn đinh, tạo sinh kế bền vững. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai liên quan đến quyền tiếp cận đất đai của đồng bào DTTS: Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai về việc giao đất rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất cho đồng bào, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của Luật Lâm nghiệp; quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư tại vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như về mặt bằng sản xuất, kinh doanh (được miễn tiền thuê đất và thuế sử dụng đất với thời hạn quy định cụ thể tuỳ theo từng địa bàn); được miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp; được quỹ hỗ trợ đầu tư xem xét cho vay tín dụng trung hạn và dài hạn.


Ông Hoàng Xuân Lương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng DTTS & MN, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đóng góp ý kiến tại Hội thảo.

Thực hiện hiệu quả việc tạo quỹ đất phục vụ việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS thì các cơ quan cần rà soát lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp theo quy định, trong đó quan tâm việc bố trí ổn định các khu dân cư, khu sản xuất cho đồng bào, đảm bảo phát triển toàn diện cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; đẩy nhanh tiến độ rà soát thu hồi diện tích đất đai của các nông, lâm trường, công ty nông, lâm nghiệp trả lại cho địa phương; bố trí đủ vốn để tổ chức đo đạc, xác định cụ thể ranh giới, diện tích đất để giao đất sản xuất, cấp Giấy chứng nhân cho các hộ gia đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất; hỗ trợ khai hoang tạo quỹ đất sản xuất gồm: Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang, nương rẫy cho hộ đồng bào các dân tộc thiểu số chưa có hoặc thiếu đất sản xuất.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về đất đai cho đồng bào DTTS; hỗ trợ để đồng bào quản lý, sử dụng có hiệu quả quỹ đất sản xuất đã giao, có các giải pháp quản lý theo cộng đồng, không cho chuyển nhượng.


Ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn nêu quan điểm.

Đề xuất hoàn thiện, sửa đổi một số chính sách cho người tái định cư do bị thu hồi đất ở vùng DTTS & MN, ông Phan Văn Ngọc - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng nông thôn cho rằng: Các địa phương cần rà soát chính sách và bổ sung quy định hộ tái định cư không phải hộ nghèo nhưng có thiếu hụt ít nhất 01 chỉ số nghèo đa chiều (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt, nhà vệ sinh, tiếp cận thông tin) và thành viên hộ tái định cư là hộ nghèo đa chiều thiếu hụt các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản khác được thực hiện chính sách hỗ trợ như đối với thành viên hộ cận nghèo. Bên cạnh đó là bảo tồn duy trì văn hóa cộng đồng và hỗ trợ hội nhập cộng đồng vùng tái định cư: kế hoạch bảo tồn lễ hội, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa.

Mặt khác, các cơ quan cần hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường sống khu Tái định cư như: bổ sung chính sách về môi trường vào dự án tái định cư; chương trình giáo dục truyền thông cho cộng đồng tái định cư về môi trường; hỗ trợ tiếp cận nguồn nước sạch; ứng dụng công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học về việc thực hiện chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những ý kiến tâm huyết này cũng góp phần vào việc sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.


Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Qua trao đổi cho thấy, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến  đồng bào DTTS & MN và đã ban hành nhiều chính sách để nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện nhiều chính sách giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho người dân ở nơi đây. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách đất đai cho người dân vùng DTTS & MN còn một số bất cập liên quan đến Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học... nên cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Ban Tổ chức Hội thảo xin tiếp thu các ý kiến của các đại biểu và sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện các chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số để trình lên các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có giải pháp hữu hiệu hơn trong thời gian tới./.

Bích Lan - Nghĩa Đức

Các bài viết khác