ĐỀ XUẤT SẢN XUẤT PHIM BẰNG NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC PHẢI CÓ ĐẤU THẦU

04/11/2021

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước phải có đấu thầu.

Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009. Sau 14 năm thực hiện, bên cạnh những đóng góp tích cực, hiệu quả cho sự phát triển điện ảnh Việt Nam, Luật Điện ảnh vẫn còn bộc lộ những thiếu sót, bất cập.

Qua thực tế, một số quy định của Luật Điện ảnh hiện hành không còn phù hợp với thực tế nên không khả thi trong quá trình triển khai như: Luật Điện ảnh chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả; quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài...


Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.

Với những bất cập trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Điện ảnh nhằm thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành, phù hợp với tình hình thực tiễn, thúc đẩy phát triển ngành điện ảnh; đồng thời nhất trí với tên gọi và phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Chính phủ trình lên Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.

Một trong những nội dung quan trọng nhận được sự quan tâm, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội là quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước. Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đưa ra 02 phương án. Theo đó, phương án 1 là sản xuất phim bằng nguồn ngân sách Nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Phương án 2 là giữ nguyên quy định của Luật Điện ảnh hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim).


 Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên nêu quan điểm về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Nêu quan điểm về vấn đề trên, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đồng ý với phương án 2 của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) là  giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu sản xuất phim để bảo đảm được yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ chính trị của Nhà nước cũng như yêu cầu của cơ chế thị trường. Tuy nhiên, có một bất cập phải lưu ý là nếu vẫn thực hiện theo Điều 21, 22, 23, 24, 25, 26 của Luật Đấu thầu thì sẽ không sản xuất phim được. Bởi vì phim là một hoạt động nghệ thuật, một tác phẩm nghệ thuật, không đơn thuần là một sản phẩm vật chất thông thường, nếu quan niệm xử lý như một hoạt động đấu thầu thông thường thì hoàn toàn không thể thực hiện được. Vì vậy, đề nghị trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) phải quy định rõ cách thức, nguyên tắc đấu thầu đối với các loại phim.

Đồng ý với phương án thứ 2 của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), đại biểu Đặng Xuân Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, cho rằng cần giữ nguyên quy định của Luật Điện ảnh hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). Đấu thầu sản xuất phim thực hiện theo Luật Đấu thầu (Điều 20, 21, 22, 23, 24, 25 và 26 đã quy định chi tiết các hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện, lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt và đàm phán giá) và Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 08/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết quy trình lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với dự án sản xuất phim.

Theo đại biểu Đặng Xuân Phương, việc giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu phim là hợp lý và trong hình thức đấu thầu vẫn có cơ chế chỉ định thầu trong các trường hợp đặc thù, mà Điện ảnh là lĩnh vực có tính đặc thù cao.  


Đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đóng góp ý kiến.

Liên quan đến đấu thầu sản xuất phim, đại biểu Trần Việt Anh – Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng, không thực hiện đấu thầu đối với sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị có mức đầu tư thấp, yêu cầu gấp về thời gian. Việc đấu thầu sản xuất phim có nội dung, nhiệm vụ chính trị phải hết sức thận trọng, có sự kiểm định, thẩm tra kỹ lưỡng.

Giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết về phim dùng ngân sách Nhà nước, có đến 110 đại biểu Quốc hội nhất trí với phương án có đấu thầu, tức là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng đối với phim phục vụ nhiệm vụ chính trị. Còn đấu thầu đối với phim có các nội dung khác. Trong khi đó, chỉ có 14 đại biểu nhất trí với phương án chỉ "giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng", không đấu thầu.

Mặc dù nhiều đại biểu Quốc hội ủng hộ đấu thầu phim nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lại cho rằng, thực hiện theo phương án này không dễ dàng. Bởi vì ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, trong khi thực hiện đấu thầu thì hầu như là không có đơn vị nào đấu thầu. Thêm vào đó, mỗi kịch bản phim là tác phẩm của cá nhân (nhà văn, biên kịch) tạo ra, là đứa con tinh thần và luôn gắn với một dự án, một đơn vị sản xuất, chứ không phải là hàng hóa thông thường nên không thể đấu thầu được.


Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Trên thực tế, Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định sản xuất phim bằng ngân sách thì phải thông qua hình thức đấu thầu nhưng không thể thực hiện. Lý do là Luật Điện ảnh và Nghị định hướng dẫn thi hành chưa xác định được những đặc thù của lĩnh vực điện ảnh và sự tương thích với các bộ luật liên quan như Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mong muốn Quốc hội xem xét để có những giải pháp hiệu quả hơn về vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết thêm, dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, giao nhiệm vụ cho cơ quan soạn thảo tham mưu với Chính phủ hoàn thiện từng bước và trình Quốc hội đóng góp ý kiến để Cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục tiếp thu, báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ 3./.

Bích Lan

Các bài viết khác