Toàn cảnh Phiên họp thứ 57 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên họp. Dự Phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, các đồng chí là Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Tham dự phiên họp còn có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền Thông.
Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Về dự kiến chương trình kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, có 7 nội dung liên quan đến vấn đề này.
Thứ nhất, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến chương trình đã được bổ sung nội dung về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) khi thanh toán khoản bù giá trong bao tiêu sản phẩm Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo cam kết của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thứ hai, căn cứ quy định của Luật Đầu tư công (Điều 47) và Luật Quản lý nợ công (Điều 10), đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp này cùng các kế hoạch tài chính 5 năm và đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Thứ ba, Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025: Chính phủ đã gửi tài liệu và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân công các cơ quan thẩm tra, nhưng chưa kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 6 này. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, đây là những nội dung rất cần được Quốc hội sớm thông qua. Trên cơ sở ý kiến đại diện của các cơ quan thẩm tra, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp (dự kiến chương trình đã thể hiện nội dung này).
Chính phủ cũng đề nghị bổ sung Báo cáo về việc thực hiện (hoặc Đề án) xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, do không có hồ sơ tài liệu kèm theo đề nghị bổ sung nội dung này nên chưa có căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Chính phủ đề nghị chuyển nội dung về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021-2025 sang kỳ họp cuối năm 2021. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Chính phủ giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do lùi thời điểm trình làm căn cứ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, báo cáo Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.
Thứ tư, tiếp thu đề nghị của Tòa án nhân dân tối cao về bổ sung nội dung phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao trình Quốc hội xem xét, quyết định để kịp thời kiện toàn nhân sự Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Thứ năm, dự kiến chương trình kỳ họp được xây dựng theo hướng không tiến hành công tác tổ chức, nhân sự liền mạch từ đầu đến cuối mà bố trí xen kẽ với các nội dung khác để vừa thực hiện đúng thẩm quyền, quy trình, thủ tục, vừa tiết kiệm thời gian.
Bố trí phát thanh, truyền hình trực tiếp các phiên họp: khai mạc, bế mạc; thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Thứ sáu, dự kiến tổng thời gian kỳ họp là 11,5 ngày làm việc. Trong đó, công tác nhân sự gồm 5 ngày; việc xem xét các báo cáo và một số nội dung khác có 4,5 ngày; công việc trù bị có 0,5 ngày; lễ khai mạc, bế mạc gồm 1 ngày; chương trình dự phòng có 0,5 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị vào chiều ngày 19/7; khai mạc vào ngày 20/7 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 03/8/2021.
Thứ bảy, với đặc thù về nội dung kỳ họp, Quốc hội cần họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo để bảo đảm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp, nhất là có phương án, kế hoạch cụ thể cho phòng, chống dịch theo tình hình thực tế.
Về chuẩn bị nội dung, tài liệu, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã tích cực, chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị các nội dung kỳ họp. Trong đó, các nội dung về: dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, giám sát của Quốc hội năm 2022; đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021; phê chuẩn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp này.
Các nội dung về tổ chức bộ máy, nhân sự; các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri,... dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên tháng 7/2021. Tuy nhiên, tính đến ngày 09/6/2021, mới có hồ sơ tài liệu của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025 và 02 chương trình mục tiêu quốc gia gửi đến cơ quan thẩm tra. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo các cơ quan hữu quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các nội dung kỳ họp, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để kịp gửi tài liệu đến các vị đại biểu Quốc hội.
Về các điều kiện bảo đảm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội đã tăng cường công tác chỉ đạo, chủ động, phối hợp với cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, cải tiến công tác chuẩn bị, phục vụ về thông tin, tài liệu, tuyên truyền, báo chí, bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh... nhằm phục vụ tốt nhất cho kỳ họp. Trong đó, tập trung vào 6 công việc chính.
Thứ nhất, chuẩn bị huy hiệu và thẻ đại biểu Quốc hội, phòng làm việc và các trang thiết bị cần thiết khác (cặp tài liệu, Laptop, iPad,…); nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, cài đặt và rà quét an ninh các phần mềm trên thiết bị di động phục vụ đại biểu.
Thứ hai, biên soạn sách hướng dẫn đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến tổ chức, hoạt động của Quốc hội, kỹ năng hoạt động đại biểu, sử dụng các dịch vụ, thiết bị kỹ thuật, công nghệ phục vụ hoạt động của Quốc hội,…
Thứ ba, tổ chức hoạt động cung cấp thông tin theo nhiều hình thức, trong đó chú trọng dịch vụ trực tuyến thông qua các phần mềm thư viện điện tử, thư viện số, email hoặc điện thoại; tăng cường thông tin, tài liệu tham khảo, cơ sở dữ liệu, tài liệu số phục vụ đại biểu Quốc hội.
Thứ tư, xây dựng kế hoạch thông tin, tuyên truyền, tạo điều kiện để các cơ quan thông tấn, báo chí tác nghiệp, chuyển tải kịp thời, đầy đủ diễn biến kỳ họp đến cử tri và Nhân dân; tổ chức họp báo đưa tin về kỳ họp, trong đó có họp báo sau khi Chủ tịch Quốc hội mới được bầu tuyên thệ nhậm chức.
Thứ năm, tổ chức lực lượng làm thư ký tổng hợp có năng lực, trình độ, chuyên nghiệp, trước mắt tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng công chức để nâng cao hơn nữa năng lực tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội.
Thứ sáu, Văn phòng Quốc hội xây dựng các phương án cụ thể và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh thực tế, như: giới hạn số lượng người ra vào Nhà Quốc hội; tổ chức xét nghiệm, tiêm vắc xin, phun khử khuẩn, thực hiện 5K...
Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo. Căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này, dự kiến chương trình kỳ họp sẽ được chỉnh lý và gửi xin ý kiến các vị trúng cử đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần cuối tại phiên họp tháng 7-2021./.