Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp thứ 55, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Hữu Quang cho biết, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách nhận được Tờ trình số 80/TTr-CP ngày 17/3/2021 của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung kinh phí mua bù vắc xin, hóa chất sát trùng và hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia. Qua xem xét, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách có ý kiến tán thành một số vấn đề như sau:
Về sự cần thiết và thẩm quyền quyết định bổ sung kinh phí mua bù hàng dự trữ quốc gia, theo Tờ trình của Chính phủ, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp xuất hàng dự trữ quốc gia. Cụ thể: Tổng số: 520.000 liều vắc xin lở mồm long móng nhị giá (Type O, A); 614.299 lít hóa chất sát trùng gia súc (bao gồm: 523.644 lít hóa chất Benkocid; 55.000 lít Han-Iodine 10%, 35.655 lít Vetvaco-Iodine); 884 tấn hóa chất sát trùng thủy sản (bao gồm: 840 tấn Chlorine 65% min; 44 tấn Sodium Chlorite 20%); 6.000 tấn hạt giống lúa; 100 tấn hạt giống ngô và 34,3 tấn hạt giống rau.
.jpg)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Hữu Quang trình bày báo cáo.
Đến nay, các địa phương đã tiếp nhận hết số lượng vắc xin, hóa chất sát trùng và hạt giống cây trồng nêu trên, đảm bảo phòng, chống dịch bệnh kịp thời và khôi phục sản xuất, góp phần ổn định cuộc sống cho nhân dân. Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách cho rằng, trong bối cảnh hay xảy ra các diễn biến bất thường của thiên tai, bão lũ, dịch bệnh ở nhiều địa phương trên cả nước, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất nông nghiệp; đồng thời, để đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dự trữ quốc gia phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, việc bố trí vốn để mua bù hàng dự trữ quốc gia đã xuất cấp là cần thiết và đúng quy định của pháp luật .
Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 12 và khoản 1 Điều 13 của Luật Dự trữ quốc gia thì việc Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc bổ sung kinh phí mua bù hàng dự trữ quốc gia là đúng thẩm quyền.

Toàn cảnh phiên họp
Về nguồn vốn, căn cứ Tờ trình số 80/TTr-CP ngày 17/3/2021, Chính phủ đề nghị bổ sung số vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bù các mặt hàng vắc xin, hóa chất sát trùng đã xuất cấp từ ngày 01/5/2019 đến ngày 30/4/2020; mua bù lượng hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 và mua bổ sung 2.310 tấn hạt giống lúa đưa vào dự trữ quốc gia. Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách có ý kiến như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương được Quốc hội quyết định là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trong việc quyết định cụ thể cho những nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán. Do đó, nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc trích từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021 để bổ sung kinh phí mua bù các mặt hàng vắc xin, hóa chất sát trùng đã xuất cấp từ ngày 01/5/2019 đến ngày 30/4/2020; mua bù lượng hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 và mua bổ sung 2.310 tấn hạt giống lúa đưa vào dự trữ quốc gia. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về việc thay đổi cơ cấu loại mặt hàng và số lượng bổ sung hạt giống lúa cao hơn so với số xuất cấp.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Hữu Quang nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến thẩm tra, Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí mua bù các mặt hàng vắc xin, hóa chất sát trùng đã xuất cấp từ ngày 01/5/2019 đến ngày 30/4/2020; mua bù lượng hạt giống cây trồng dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 31/12/2018 và mua bổ sung 2.310 tấn hạt giống lúa đưa vào dự trữ quốc gia. Ủy ban Tài chính và Ngân sách trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định./.