BÁO CÁO CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG NĂM 2020: CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CHÍNH

27/04/2021

Thực hiện quy định tại Điều 134 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về trách nhiệm báo cáo công tác bảo vệ môi trường hàng năm, tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đã có báo cáo gửi đến Quốc hội về công tác bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó đề cập đến một số vấn đề môi trường đang nổi lên hiện nay.

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV

Theo báo cáo của Chính phủ, từ diễn biến, hiện trạng chất lượng môi trường, các áp lực và tác động lên môi trường, nổi lên một số vấn đề môi trường chính

Một là, chất lượng không khí trong các đô thị lớn diễn biến phức tạp, ô nhiễm bụi gia tăng cả về không gian và thời gian

Tình trạng ô nhiễm môi trường không khí trong thời gian qua tại một số địa phương có xu hướng gia tăng, chủ yếu tập trung vào ô nhiễm bụi, đặc biệt là bụi mịn PM2.5. Từ đầu năm 2020, tại khu vực miền Nam, trong đó có Tp.Hồ Chí Minh, môi trường không khí đã bị tác động do bụi lơ lửng tổng số và tiếng ồn, gây ra bởi hoạt động sản xuất và giao thông trong vùng. Tại khu vực miền Bắc, trong đó có Thủ đô Hà Nội, trong tháng 7 và tháng 11 năm 2020 có một số ngày chất lượng không khí có diễn biến xấu đi, do những biến động bất thường của yếu tố thời tiết, khí hậu. Một số khu vực trong nội thành Hà Nội, chất lượng không khí đã ở mức kém và xấu, giá trị PM2.5 đã vượt QCVN, có thể ảnh hưởng đáng kể tới sức khỏe của con người, đặc biệt là nhóm người nhạy cảm.

Những nguyên nhân chính phát sinh bụi, khí thải gây tác động, ô nhiễm môi trường không khí được xác định là do: (1) Số lượng lớn phương tiện cơ giới tham gia giao thông, trong đó có nhiều xe mô tô, xe gắn máy cũ lưu thông trong thành phố; (2) Chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn làm phát sinh bụi tại các công trường xây dựng và phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải,…; (3) Còn tồn tại nhiều khu công nghiệp, các cơ sở công nghiệp quy mô lớn đang hoạt động và gây phát sinh nguồn khí thải lớn; (4) Tác động của hoạt động đốt rác thải ngoài trời không đúng quy định tại một số địa phương; (5) Việc sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt vẫn còn tồn tại; (6) Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa, có hiện tượng nghịch nhiệt; ngoài ra, bụi mịn, khí thải còn có nguồn gốc phát sinh từ xa, khu vực tỉnh, thành phố khác hoặc quốc gia khác (ô nhiễm liên vùng, ô nhiễm xuyên biên giới).

Hai là, ô nhiễm nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và vùng lân cận, nhất là trên các hồ, sông, kênh, rạch vẫn diễn biến phức tạp, chưa có nhiều cải thiện

Sự gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa đang gây sức ép rất lớn đến môi trường nước và sử dụng tài nguyên nước. Hầu hết các đô thị đều tập trung ven các sông lớn, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, quá tải dẫn đến ô nhiễm, suy giảm chất lượng nước các dòng sông chảy qua, đặc biệt là sông chảy qua Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh. Nước thải sinh hoạt chưa được xử lý, xả thẳng ra môi trường là nguyên nhân chính gây ô nhiễm nguồn nước mặt trong các đô thị, khu dân cư và các vùng lân cận.

Theo thống kê, năm 2020, môi trường phải tiếp nhận hơn 3.650 triệu m3 nước thải sinh hoạt, hơn 144 triệu m3 nước thải chăn nuôi (từ 3 đối tượng vật nuôi chính là trâu, bò, lợn), hơn 1.524,85 triệu m3 nước thải nuôi trồng thủy sản; chưa kể lượng lớn nước thải từ các làng nghề, các vùng phụ cận chưa được xử lý thải ra môi trường. Lượng nước thải y tế phát sinh hàng ngày cũng khá lớn, vẫn còn khoảng 10% nước thải y tế chưa được thu gom xử lý.

Cả nước hiện có 49 nhà máy xử lý nước thải đô thị tập trung đã đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế 1.181.380 m3/ngày đêm; hệ thống thoát nước trên toàn quốc đạt 60% nhưng tổng lượng nước thải được thu gom, xử lý tại các đô thị rất thấp, chỉ đạt khoảng 13%, trong đó tỷ lệ đô thị loại IV trở lên có hệ thống xử lý nước thải tập trung mới đạt khoảng 21,35%. Ở nông thôn, thực tế hầu hết các khu dân cư chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.

Ba là, rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn chưa được phân loại, thu gom, xử lý hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh, cảnh quan đô thị, nông thôn ở nhiều địa phương trên cả nước

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị trung bình cả nước là 93,7%, nông thôn là 83%. Như vậy, còn 6,3% khối lượng CTRSH đô thị và 17% khối lượng CTRSH nông thôn không được thu gom và bị thải bỏ ra môi trường xung quanh. Ngoài ra, tại các đô thị, nhiều trạm trung chuyển, một số điểm tập kết còn có hiện tượng tồn đọng CTRSH kéo dài, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Một trong những vấn đề bức xúc của các đô thị hiện nay trong công tác thu gom CTRSH là thiếu các điểm tập kết và trạm trung chuyển rác. Hầu hết các địa phương tại khu vực nông thôn còn thiếu thiết bị thu gom và phương tiện vận chuyển CTRSH chuyên dụng. Các bãi rác tự phát đã hình thành ở rất nhiều nơi, làm cho tình trạng CTRSH nông thôn trở thành vấn đề nan giải khó quản lý.

Hiện nay, chôn lấp vẫn là phương pháp được áp dụng phổ biến tại Việt Nam (khoảng 70% khối lượng CTRSH được thu gom được xử lý bằng phương pháp chôn lấp) với khối lượng khoảng 35.000 tấn/ngày nhưng chỉ có khoảng 20% trong số các bãi chôn lấp là bãi chôn lấp hợp vệ sinh, còn lại là các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh hoặc các bãi tập kết chất thải cấp xã. Phần lớn các bãi chôn lấp tiếp nhận CTRSH chưa được phân loại tại nguồn, có thành phần hữu cơ cao nên tính ổn định thấp, chiếm dụng diện tích đất lớn, gây ô nhiễm môi trường do mùi hôi, khí thải, nước rỉ rác, nhiều trường hợp gây ra sự cố phải xử lý phức tạp và tốn kém. Hoạt động tái chế CTRSH còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, thiết bị, máy móc cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Bốn là, vấn đề ô nhiễm nhựa, đặc biệt là ô nhiễm nhựa đại dương đang là vấn đề báo động, đã đang và sẽ gây thiệt hại to lớn cho môi trường sinh thái ở nước ta

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho thấy hai thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh thải ra môi trường khoảng 08 tấn nhựa và túi ni lông/ngày. Lượng chất thải nhựa và túi ni-lông của cả nước chiếm khoảng 8-12% trong CTRSH. Nếu trung bình khoảng 10% lượng chất thải nhựa và túi ni-lông không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi ni-lông thải bỏ xấp xỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm, đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí dẫn tới thảm họa ô nhiễm trắng. Theo Bộ TN&MT, việc tiêu thụ, sử dụng nhựa bình quân trên đầu người tại Việt Nam tăng tương đối nhanh từ 1990 – 2019 là 3,8 – 41,3 kg/người. Tại các đô thị của Việt Nam, tổng khối lượng các túi nhựa sử dụng là 10,48-52,4 tấn/ngày; chỉ khoảng 17% số túi này được tái sử dụng, số còn lại là loại dùng một lần và thải bỏ ra ngoài môi trường.

Nguồn rác thải nhựa tại Việt Nam được thu gom để xử lý hoặc tái chế vẫn còn rất ít (chỉ khoảng 20%). Hoạt động tái chế nhựa tại Việt Nam còn rất sơ khai, một số cơ sở ngành nhựa đã thực hiện tái chế phế liệu thì quy mô còn nhỏ, hiệu quả tái chế thấp.

Năm là, Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái trọng yếu đang trở thành vấn đề môi trường bức xúc

Hệ sinh thái rừng tự nhiên là hệ sinh thái chịu thiệt hại nặng nề nhất trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê qua các năm, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta mất đi 2.430ha rừng tự nhiên; trong khi đó diện tích rừng sản xuất lại tăng lên so với trước đây. Lý do chính khiến diện tích rừng tự nhiên bị giảm sút là do việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thác quá mức, đặc biệt là tại 2 khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các hệ sinh thái rạn san hô, đất ngập nước cũng có dấu hiệu suy giảm do tác động của các hoạt động kinh tế - xã hội. Độ phủ hệ sinh thái rạn san hô suy giảm mạnh do các yếu tố môi trường như ô nhiễm dầu, đánh bắt huỷ diệt, bão. Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên khác ở Việt Nam như rừng ngập mặn, cỏ biển, vùng gian triều, rừng tràm, hồ tự nhiên… có xu hướng suy giảm diện tích do các hoạt động chuyển đổi diện tích rừng sang sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, quai đê lấn biển, xói lở bờ biển. Hệ sinh thái đô thị, khu dân cư tập trung, đặc biệt là diện tích cây xanh hết sức hạn chế và còn thiếu nhiều so với quy định; có đô thị chỉ đạt khoảng 0,5m2/người, nhiều đô thị lớn chỉ đạt khoảng 2m2/người -  3m2/người,  so với quy định là 7m2/người khu vực nội thành và ngoại thành phải đạt khoảng 12m2/người. Số loài và số cá thể các loài hoang dã của Việt Nam đang trên đà suy giảm, nhiều loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng.

Những vấn đề môi trường như trên đòi hỏi các giải pháp giải quyết các vấn đề môi trường đặt ra hiện nay, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Do đó cần quan tâm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; tăng cường tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực về bảo vệ môi trường; tăng cường nguồn lực, đặc biệt từ nguồn xã hội hóa, nguồn hợp tác quốc tế cho công tác bảo vệ môi trường

Rà soát, kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường; chủ động giám sát các đối tượng, dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường; quản lý chất thải rắn, trọng tâm là quản lý tốt chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nhựa; tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường; tăng cường bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, thúc đẩy các mô hình, điển hình về bảo vệ môi trường./.

Bảo Yến