Chiều 25/3, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của: Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước.
.jpg)
Đại biểu Quốc hội tại Tổ 18.
Dưới sự điều hành của trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, tổ 18 gồm đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Khánh Hòa, Kon Tum tập trung thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của một số cơ quan thuộc Quốc hội. Đa số các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận với những các báo cáo của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đưa ra những đề xuất để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới ngày càng hiệu quả, thiết thực với cuộc sống của nhân dân hơn.
Đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao những thành tựu của Quốc hội khóa trong nhiệm kỳ XIV đã có những bước tiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng sự phát triển của đất nước. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã cùng với Chính phủ thực hiện tốt công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19 được cộng đồng thế giới ghi nhận.
Trong công tác lập pháp, Quốc hội đã có nhiều tiến bộ với khối lượng lớn các luật được chỉnh sửa, tiếp thu và hoàn thiện. Tuy nhiên, công tác làm luật còn chồng chéo, mâu thuẫn với nhau, ví dụ như Luật Đất đai, Luật Xây dựng còn nhiều điều chồng chéo với nhau. Hiện vẫn còn tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư. Để công tác lập pháp thực sự đạt hiệu quả cao, đại biểu Lê Xuân Thân đề nghị, công tác làm luật cần phải thiết kế thống nhất, tránh sự trùng lắp. Muốn thực hiện tốt được việc làm này thì các cơ quan của Quốc hội cần có sự phối hợp với các cơ quan của Chính phủ trong rà soát chặt chẽ các luật.
.jpg)
Đại biểu Nguyễn Khắc Định – Đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa (phải) phát biểu ý kiến.
Đề cập đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Khắc Định – Đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao những thành tựu của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều đổi mới trong cách thức làm luật. Quan hệ giữa Quốc hội với Chính phủ trong cách thức làm luật có nhiều đổi mới về xây dựng chương trình xuất phát từ đề xuất thực tế của các Bộ ngành, cuộc sống của đời sống thực tiễn. Các Ủy ban của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành trong việc thẩm tra, giám sát việc biên soạn, ban hành các luật.
Theo đại biểu Nguyễn Khắc Định, quan hệ giữa Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc phản biện, giám sát, xây dựng hệ thống pháp luật. Dưới sự điều hành của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội đều có sự thay đổi trong việc tiếp cận chương trình luật, phối hợp với nhau trong cách thức thảo luận, làm luật. Tuy nhiên, trong quá trình biên soạn luật vẫn còn tình trạng có điều luật này chồng chéo với điều lệ này của luật kia nên áp dụng vào trong cuộc sống còn chưa được như mong muốn. Để khắc phục bất cập này, trong thời gian tới, cần đưa những vấn đề phát sinh trong cuộc sống vào xây dựng pháp luật.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa đánh giá cao những thành tích của Quốc hội trong thời gian qua. Điều đó được thể hiện rõ trong các báo cáo của Quốc hội trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, hoạt động của Quốc hội trong nhiệm kỳ tới cần có sự đổi mới để đạt hiệu quả, chất lượng hơn. Theo đó, mỗi kỳ họp của Quốc hội nên rút ngắn gọn hơn, phải có sự cải tiến để đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều hơn nữa.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, hoạt động của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua đã có sự kiến tạo, có sự cải cách hành chính. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm còn chưa đạt được như mong muốn, khiếu kiện trong nhân dân vẫn còn kéo dài. Vì vậy, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ cần nhận diện những sơ hở trong chính sách về đất đai, giải phóng mặt bằng để kịp thời khắc phục những tiêu cực. Vấn đề văn hóa giáo dục có nhiều tiến bộ nhưng theo ý kiến của nhiều cử tri, mỗi lần cải cách, đổi mới chương trình giáo dục thì vẫn còn những vấn đề cần phải lưu ý, tránh gây lo lắng trong nhân dân. Đối với công tác phòng chống tham nhũng cần có những giải pháp mạnh mẽ để tạo dựng được niềm tin trong nhân dân.

Đại biểu Phạm Trí Thức – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (trái).
Đóng góp ý kiến về những vấn đề trên, đại biểu Phạm Trí Thức – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng giá đất đai cần có sự kiểm soát kỹ lưỡng hơn, tránh gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực từ việc mua bán đất hay khiếu kiện từ đất đai. Về lĩnh vực giáo dục, theo đại biểu Phạm Trí Thức, hiện nay, việc giáo dục vẫn là truyền đạt kiến thức cho học sinh chứ chưa truyền cảm hứng để học sinh coi học tập là sự say mê thật sự, học tập là để cống hiến cho đất nước. Vì vậy, trong cải cách giáo dục cần chú trọng hơn đến vấn đề này hơn.
Nêu ý kiến đóng góp để Quốc hội hoạt động ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn, đại biểu Tô Văn Tám – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum cho rằng: Các phiên chất vấn, tranh luận được cử tri rất quan tâm nên cần được các tư lệnh ngành phân tích, làm rõ hơn. Nhiều giám sát chuyên hiện nay, một số cơ quan của Quốc hội vẫn phải chờ báo cáo của giám sát Chính phủ nên chưa thực sự khách quan. Vì vậy, để các luật được áp dụng vào thực tiễn hiêu quả, tránh phải chỉnh sửa nhiều lần, các cơ quan của Quốc hội nên có những đoàn giám sát độc lập, có những phản biện khoa học, thiết thực.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội; các Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội vào ngày 26/3/2021. Còn ngày 29/3/2021, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chủ tịch nước, Chính phủ./.