BẦU CỬ ĐBQH KHOÁ XV: LÀM RÕ MỨC ĐỘ ĐÁP ỨNG TỪNG TIÊU CHUẨN ĐẠI BIỂU

06/03/2021

Chất lượng đại biểu Quốc hội đạt được tối ưu khi các đại biểu đạt được cả 5 tiêu chuẩn ở cấp độ cao nhất, là những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm lớn lao, luôn luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc...

 

Chất lượng đại biểu Quốc hội đạt được tối ưu khi các đại biểu đạt được cả 5 tiêu chuẩn ở cấp độ cao nhất, là những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ, trí tuệ, tinh thần trách nhiệm lớn lao, luôn luôn tận tâm, nhiệt huyết với công việc. Những đại biểu như thế khi được Quốc hội bầu, phê chuẩn nắm giữ các chức danh trong bộ máy nhà nước sẽ hành động quyết liệt, sẽ làm cho bộ máy hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao.

Vận dụng hợp lý khung tiêu chuẩn chức danh về mặt chính trị

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV tới đây, trong khoảng 66 triệu người ở độ tuổi ứng cử (21 tuổi trở lên), lựa chọn lấy 500 người vào cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là việc không đơn giản. Bởi trong số 500 đại biểu Quốc hội được bầu, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, Quốc hội sẽ bầu các chức danh lãnh đạo chủ chốt của bộ máy nhà nước.

Hầu hết thành viên trong bộ máy nhà nước ở Trung ương đều phải là đại biểu Quốc hội như: Chủ tịch Nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các Chủ tịch/Phó Chủ tịch, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Hội đồng Dân tộc; Chủ nhiệm/ các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực, Ủy viên chuyên trách và các Ủy viên khác của Ủy ban của Quốc hội... Trong nhiều khóa, các chức danh Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và đa số Bộ trưởng cũng là đại biểu Quốc hội. Do đó, bảo đảm tối ưu hóa chất lượng đại biểu Quốc hội còn là bảo đảm để Quốc hội bầu chọn, phê chuẩn được một bộ máy nhà nước nhiệm kỳ mới hoạt động hiệu lực và hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, trong Quốc hội có nhiều đại biểu là đảng viên. Do đó, cần tham khảo và vận dụng hợp lý khung tiêu chuẩn chức danh về mặt chính trị để bảo đảm lựa chọn được những đại biểu tiêu biểu nhất. Đó là những người “mẫu mực về phẩm chất đạo đức; cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt. Không tham nhũng, lãng phí, cơ hội, vụ lợi; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, tệ quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, cửa quyền và lợi ích nhóm; tuyệt đối không trục lợi và cũng không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” (1).

Để lựa chọn được những ứng cử viên đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn như vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức bầu cử cần áp dụng đồng bộ, đầy đủ hệ thống các biện pháp cụ thể mà các Chỉ thị, văn bản của Bộ Chính trị, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương... đã ban hành; mặt khác, phải có thông tin đầy đủ, cụ thể của các ứng cử viên để cử tri thuận đường lựa chọn.

Phát hiện sớm, loại bỏ ngay người không đáp ứng tiêu chuẩn

Ở một vài cuộc bầu cử trước, không ít cử tri phản ánh chưa biết nhiều về các ứng cử viên, bởi trong lý lịch trích ngang của ứng cử viên (cung cấp cho cử tri) chỉ có các thông tin họ tên, tuổi, quê quán, trú quán, trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, quá trình học tập và công tác... Khi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, ứng cử viên cũng chỉ trình bày Chương trình hành động của mình nếu trúng cử...

Như vậy, qua thực tế các cuộc bầu cử, cử tri mong muốn được biết cụ thể, thực chất “con người bên trong” của ứng cử viên. Ví dụ, tiêu chuẩn 1 "trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp... Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” thì điều cử tri muốn biết là: ứng cử viên đã và đang làm gì để tỏ rõ lòng "trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp". Nếu ứng cử viên là đảng viên thì cử tri còn muốn biết rõ có suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không? Và ứng cử viên có quốc tịch khác không? Có một thực tế là, những người có tài mà thiếu đức thì thường lại khéo léo, tinh vi trong việc che đậy thiếu sót, khuyết điểm. Ví dụ, thực tế đã từng có ứng cử viên không khai mình có hai quốc tịch nên đã bị Hội đồng Bầu cử quốc gia không công nhận trúng cử. Vì vậy phải minh bạch, phải làm sáng rõ các tiêu chuẩn, mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội của từng ứng cử viên. 

Hay là tiêu chuẩn 2 “... có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác”. Cử tri rất muốn biết từng hành vi cụ thể của ứng cử viên trong tiêu chuẩn này. Ứng cử viên có cam đoan và chứng minh được mình hoàn toàn trong sạch, không tham nhũng, bản thân và gia đình không liên quan gì đến tham nhũng không? Trong lúc này, đây là những vấn đề hết sức quan trọng; phải phát hiện sớm, loại bỏ ngay từ khâu lựa chọn nhân sự cụ thể giới thiệu ứng cử. 

Các tiêu chuẩn 3, 4 và 5 cũng như vậy. Cử tri cũng rất muốn biết tường tận uy tín, sự tín nhiệm và quan hệ của ứng cử viên với Nhân dân như thế nào.

Nói tóm lại, thông qua các tiêu chuẩn của đại biểu dân cử, cử tri muốn nắm bắt, hiểu biết được một cách sâu sắc, cụ thể, tường tận những quy định thuộc tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội mà ứng cử viên đã thể hiện trong thực tế cuộc sống để yên tâm lựa chọn chính xác trước khi quyết định, khắc phục tình trạng ở một số đơn vị bầu cử, cử tri vẫn phải dựa vào các thông tin về vị trí, chức vụ, trình độ học vấn của ứng cử viên để quyết định bỏ phiếu cho ai. 

Nguyện vọng, mong muốn thấu hiểu ứng cử viên của cử tri nhằm lựa chọn cho được những người nổi trội nhất là hoàn toàn chính xác và chính đáng. Hiện nay theo quy định trong tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, cử tri đã được biết hai tài liệu về ửng cử viên, đó là tiểu sử tóm tắt (lý lịch trích ngang) và Chương trình hành động. Những thông tin mà cử tri muốn biết rõ hơn về ứng cử viên thực chất cũng đã có trong 4 loại văn bản của ứng cử viên gồm: Đơn ứng cử; Sơ yếu lý lịch; Tiểu sử tóm tắt và Bản kê khai tài sản. Khi ứng cử viên được giới thiệu về ứng cử ở địa phương, được phân chia về các đơn vị bầu cử thì các nội dung này đã được các cấp có thẩm quyền xác nhận, được bảo đảm. Vấn đề là, cử tri phải được thông báo về các kết luận, kết quả xác nhận đó.

Vì thế, cần thêm một tài liệu nữa thông báo trong các buổi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, đó là văn bản đánh giá cụ thể mức độ đạt được các tiêu chuẩn luật định đối với ứng cử viên mà các cấp có thẩm quyền bên trên đã xác nhận. Trong đó có phần tự nhận xét, đánh giá của bản thân ứng cử viên; xác nhận của nơi giới thiệu người làm ứng cử viên, có nhận xét của nơi làm việc về quan hệ với quần chúng lao động, nhận xét của nơi cư trú về quan hệ với Nhân dân, ở cả hai nơi về mức độ uy tín, tín nhiệm; đánh giá của cơ quan có thẩm quyền về sự trung thực trong kê khai tài sản và về kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể (nếu có). Đây vừa là giải pháp giúp cử tri lựa chọn đúng người xứng tầm, vừa là giải pháp tiếp tục phát huy dân chủ, công khai đầy đủ thông tin về ứng cử viên và thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân - cử tri.

Thực hiện có hiệu quả các giải pháp đó, nhất định cử tri sẽ lựa chọn được những người xứng đáng nhất làm đại biểu cho mình tại Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV. 

___________                                                  

(1) Quy định số 214, ngày 2.1.2020 về Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCHTƯ, BCT, BBT quản lý. 

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)

Các bài viết khác