Dự buổi gặp mặt có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Thúy Chinh; đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch; lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, cho biết Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tập hợp những hội viên tâm huyết góp phần cùng Nhà nước bảo vệ, phát triển di sản văn hóa của dân tộc. Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trải quả 4 kỳ đại hội, ngày càng lớn mạnh, đánh dấu bước trưởng thành trong công tác bảo tồn giá trị di sản Việt Nam. Với phương châm đoàn kết, năng động sáng tạo. Hiện Hôi Di sản Văn hóa Việt Nam có hơn 10 nghìn hội viên sinh hoạt tại các tổ chức hội trong cả nước. Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, nhưng bằng ý thức, trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam có nhiều bước tiến toàn diện, vững chắc trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp nhiều ý kiến, chương trình, dự án về bảo vệ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam; vị thế, tiếng nói của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ngày càng được nâng cao, được Đảng, Nhà nước ghi nhận và đánh giá cao.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Thay mặt Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến công tác bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam, bởi đây là cốt lõi, là bản sắc của dân tộc, là cơ sở xây dựng phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. Nhân dịp này, PGS.TS Đỗ Văn Trụ cũng đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa bằng các cơ chế chính sách cụ thể, nhằm động viên, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, trong đó có Hội Di sản Văn hóa Việt Nam vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị, di sản văn hóa của dân tộc.
Cũng tại buổi gặp mặt, đại diện hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam bày tỏ vinh dự, tự hào được gặp mặt lãnh đạo Quốc hội, đến thăm Tòa nhà Quốc hội. Hội viên Hội Di sản Văn hóa cũng cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực góp sức vào việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam và lan tỏa tình yêu di sản văn hóa cho thế hệ trẻ. Các ý kiến phát biểu tại buổi gặp mặt cũng đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật cụ thể hơn, phù hợp với tình hình hiện nay. Bởi Luật Di sản văn hóa được ban hành từ năm 2001 đã xuất hiện nhiều bất cập cần sửa đổi bổ sung, trong đó chú trọng vai trò, trách nhiệm của cả cộng đồng trong gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam phát biểu tại buổi gặp mặt.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng vui mừng đón tiếp Đoàn Đại biểu của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đến thăm Quốc hội, thăm Tòa nhà Quốc hội. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng gửi đến Đoàn lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, chúc Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm Ngày di sản văn hóa Việt Nam 23/11 thành công tốt đẹp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các hội viên trong Đoàn Hội Di sản Văn hóa Việt Nam là nhà giáo; cùng các thầy giáo, cô giáo trên khắp mọi miền của Tổ quốc nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vừa là trách nhiệm của Nhà nước, vừa là trách nhiệm của tất cả các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Hội Di sản văn hóa Việt Nam ra đời ngày 23/4/2004 là bằng chứng sinh động về vai trò của xã hội, của cộng đồng trong sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với tư cách là tổ chức xã hội nghề nghiệp của công dân và tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hóa hoặc có tâm huyết với di sản văn hóa, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự đảm bảo về kinh phí, không có sự tài trợ của Nhà nước, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện, bền vững, đã xây dựng được sự đoàn kết, nhất trí từ Trung ương Hội đến các tổ chức cơ sở, luôn năng động, sáng tạo khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới tư duy và phương pháp hoạt dộng, khơi dậy sức mạnh của cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, với yêu cầu của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới, là hội nhập ngày càng sâu rộng trong quan hệ quốc tế, chúng ta càng phải giữ vững độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác để phát triển. Kiên định con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân ta đã lựa chọn: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, trong đó, đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế, gắn với thực hiện các chính sách xã hội, chăm lo đến con người Việt Nam, xây dựng văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, càng phải quan tâm đến nâng cao dân trí, gắn xây dựng, phát triển kinh tế với các lĩnh vực văn hóa - xã hội, phát huy thật tốt truyền thống, cốt cách con người Việt Nam, bản sắc văn hóa các dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, mà trách nhiệm đó là của cả hệ thống chính trị. Rất cần có sự đóng góp của các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà giáo các nhà quản lý văn hóa, các nghệ sĩ, kể cả các nghệ nhân, thành viên của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại buổi gặp mặt Đoàn Đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, uy tín của Hội nhằm tập hợp, vận động các thành viên, nhất là các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các nhà dân tộc học, tiếp tục tổng kết các chuyên đề, cùng tham mưu cho Đảng, Nhà nước chính sách về: sưu tầm, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam; biểu dương các tấm gương tiêu biểu từ cộng đồng các dân tộc trong cả nước, tôn vinh các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các nội dung tái hiện ngày hội Đại đoàn kết dân tộc, những tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh việc lưu giữ, lưu truyền cả tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục tiến hành phục dựng các lễ hội tốt đẹp của người Việt Nam, lưu truyền các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, các hình thức diễn xướng dân gian để nói về lối sống, nếp sống tốt đẹp, kể các các bí quyết về nghề thủ công truyền thống, về kiến trúc độc đáo, các tri thức về y học, dược học cổ truyền, hoặc nghiên cứu về sự phong phú về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống các dân tộc, các tri thức dân gian huyền bí về đám cưới, việc tang hiếu các dân tộc đều chứa đựng triết lý sống, răn dạy làm người. Tiếp tục đa dạng hóa các hình thức hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền - giáo dục về di sản văn hóa ở trong nước và giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam với bè bạn quốc tế; tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học xung quanh các vấn đề thực tiễn đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tích cực tham gia ý kiến và thực hiện chức năng phản biện xã hội về di sản văn hóa…
Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng mong muốn Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ quan tâm sâu sát hơn nữa, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội và các ngành hữu quan rà soát, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa, góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống Việt Nam, xây dựng văn hóa Việt Nam ngang tầm với yêu cầu của thời kỳ mới./.