TIẾP TỤC ÁP DỤNG CÁC GIẢI PHÁP QUYẾT LIỆT KHẮC PHỤC NGUYÊN NHÂN CHỦ QUAN TRONG CÔNG TÁC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN

21/09/2020

Thẩm tra báo cáo của ngành Tòa án nhân dân về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Phiên họp thứ 48 của UBTVQH, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiếp tục áp dụng các giải pháp quyết liệt để khắc phục những nguyên nhân chủ quan trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp chỉ rõ, về tình hình khiếu nại, tố cáo, năm 2020, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp; vẫn còn một số vụ việc khiếu nại gay gắt, kéo dài mặc dù đã qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm là 15.136 đơn/vụ, giảm 1.231 đơn/vụ; đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán giảm 3,55% so với cùng kỳ năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga báo cáo.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Tòa án, đối với kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm và số đơn khiếu nại, tố cáo các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán thụ lý trong năm 2020 đều giảm nhiều so với các năm trước cho thấy những giải pháp nâng cao chất lượng xét xử mà ngành Tòa án đang triển khai áp dụng phát huy hiệu quả. Năm 2020, Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tiếp tục triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đặc biệt, Chánh án TANDTC đã ban hành 01 Thông tư và 02 Chỉ thị chuyên đề chỉ đạo công tác này. Trên cơ sở đó, các Tòa án đã tập trung phân loại, giải quyết đơn, bảo đảm không có đơn quá thời hạn giải quyết theo luật định. Số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết là 7.101 đơn/vụ, chiếm tỷ lệ 47%, qua đó, Chánh án Tòa án có thẩm quyền đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 372 vụ (ít hơn cùng kỳ năm trước 36 vụ). Các kháng nghị của Chánh án có thẩm quyền đã đưa ra xem xét đều được Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm chấp nhận, qua đó khắc phục những sai sót của TAND cấp dưới. Đã khắc phục căn bản việc có văn bản trả lời không có căn cứ kháng nghị, sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm. Công tác tiếp công dân được chú trọng, góp phần giảm các khiếu nại bức xúc, kéo dài của công dân; theo Báo cáo, lãnh đạo TAND các cấp tiếp 7.449 lượt công dân, Chánh án TANDTC trực tiếp tiếp nhiều lượt công dân có đơn đề nghị giám đốc thẩm.

Đáng lưu ý, thực hiện kiến nghị của Ủy ban Tư pháp, trong năm 2020, TANDTC đã tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá về công tác giám đốc thẩm, tái thẩm, trong đó chỉ đạo TAND các cấp thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về việc chuyển hồ sơ phục vụ công tác giám đốc thẩm, tái thẩm.

Đối với kết quả giải quyết khiếu nại đối với quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND, so với cùng kỳ năm 2019, số đơn khiếu nại các quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND giảm 149 đơn/vụ; tỷ lệ giải quyết của Tòa án các cấp đạt 91,2%, các đơn còn lại đều đang trong thời gian giải quyết. Kết quả này cho thấy, chất lượng xét xử tiếp tục được nâng cao hơn, công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ được chú trọng, qua đó kịp thời chấn chỉnh những sai sót trong hoạt động nghiệp vụ và hạn chế đơn khiếu nại đối với người có thẩm quyền trong ngành TAND.

Toàn cảnh phiên họp.

Về kết quả giải quyết tố cáo, ăm 2020, TAND các cấp tiếp nhận 46 đơn (trong đó 35 đơn đủ điều kiện thụ lý), giảm 14 đơn so với năm 2019. Về cơ bản, công tác giải quyết đơn tố cáo và xử lý cán bộ được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài. Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân của việc còn để xảy ra một số công chức TAND bị xử lý kỷ luật là do thiếu trách nhiệm trong công tác, chưa tự giác rèn luyện và vi phạm quy chế công vụ của Tòa án; thủ trưởng một số đơn vị chưa làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiểm tra, giám sát đối với công chức trong khi thi hành công vụ. UBTP đánh giá cao việc TANDTC đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc quy định mới của Luật tố cáo, theo đó, một số trường hợp mặc dù là đơn nặc danh, mạo danh theo quy định của pháp luật không phải xem xét, giải quyết, nhưng vừa qua, một số trường hợp nội dung tố cáo tương đối cụ thể và để phục vụ cho công tác quản lý, đánh giá cán bộ nên TANDTC đã chỉ đạo TAND các cấp kiểm tra, xem xét hoặc yêu cầu người bị tố cáo báo cáo giải trình rõ về nội dung tố cáo .

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Ủy ban Tư pháp nhận thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể: Về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm: Mặc dù TANDTC đã triển khai nhiều giải pháp và nỗ lực trong công tác này, tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn có giảm so với cùng kỳ năm 2019 và số đơn chưa được xem xét, giải quyết thuộc trách nhiệm của TAND còn nhiều (8.035 đơn/vụ, chiếm tỷ lệ 53%), số đơn đã giải quyết chỉ chiếm 47%, chưa đạt tỷ lệ 60% theo yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội .

Về công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán: mặc dù tỷ lệ giải quyết đạt cao (91,2%) và các đơn còn lại đều trong thời hạn luật định, nhưng báo cáo chưa phân tích cụ thể các dạng sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc TAND làm cơ sở để rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành. Về công tác tiếp công dân: mặc dù việc tiếp công dân đã được TAND các cấp chú trọng và khắc phục nhiều tồn tại chỉ ra trong báo cáo thẩm tra của UBTP các năm trước, tuy nhiên, một số trường hợp việc giải thích pháp luật cho người khiếu nại, tố cáo chưa đầy đủ, cụ thể nên chưa góp phần hạn chế được các khiếu nại kéo dài.

Trên cơ sơ thẩm tra báo cáo, Ủy ban Tư pháp cơ bản tán thành với đánh giá của Chánh án TANDTC về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế và các phương hướng đề ra để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới, nhất là các nguyên nhân liên quan đến số lượng thụ lý một số loại án tăng nhiều; số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù giảm nhiều so với các năm trước nhưng số lượng đơn thụ lý vẫn lớn; năng lực, trình độ và kinh nghiệm của một số cán bộ chuyên trách làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, Ủy ban Tư pháp đề nghị TANDTC tiếp tục áp dụng các giải pháp quyết liệt để khắc phục những nguyên nhân chủ quan, nhất là nguyên nhân liên quan đến trình độ, trách nhiệm chưa cao của một số cán bộ được phân công làm công tác này./.

Hồ Hương