Trước đó, trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Quốc hội cũng đã thảo luận tại Tổ về dự án Luật này.
Quốc hội thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi)
Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường, các đại biểu nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú mới; một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi trong việc triển khai thực hiện; đề nghị cần có lộ trình, cách thức, giải pháp, biện pháp, nguồn lực, tài chính cụ thể mới có thể bảo đảm cho việc thực hiện quản lý bằng số định danh cá nhân; đề nghị làm rõ tính khả thi, thời gian hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cấp số định danh cho công dân.
Các đại biểu cũng bày tỏ nhất trí với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, bỏ Sổ hộ khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân nhưng phải có cách thức để xác thực thông tin người dân; nghiên cứu quy định để hướng dẫn giải quyết dứt điểm các vướng mắc và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công dân đăng ký cư trú.
Ngoài ra các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung về các điều kiện đăng kí thường trú vào các thành phố trực thuộc trung ương; việc xóa đăng kí thường trú; quy định chuyển tiếp khi luật có hiệu lực thi hành; các khái niệm, nội hàm một số nội dung được quy định trong luật; tính khả thi của Luật.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật nhận được sự ủng hộ của cử tri và nhiều đại biểu Quốc hội, bên cạnh đó vẫn còn một số điểm cần bổ sung hoàn chỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ cùng với các cơ quan hữu quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự án Luật.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã cấp được khoảng 16 triệu số định danh và căn cước công dân cho công dân. Với dân số nước ta hơn 90 triệu thì còn khoảng 80 triệu công dân chưa được cấp căn cước công dân. Trong đó có khoảng 30 triệu người là dưới 14 tuổi. Như vậy từ nay đến 01/7/2021 (dự kiến ngày Luật Cư trú (sửa đổi) có hiệu lực) sẽ phải hoàn thành việc cấp căn cước công dân cho khoảng 50 triệu người.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, nếu được Quốc hội, Chính phủ ủng hộ thì trong vòng 1 năm, Bộ Công an hoàn toàn có cơ sở để hoàn thành việc cấp căn cước công dân khi Luật này có hiệu lực. Bộ trưởng nhấn mạnh, với đề xuất Luật có hiệu lực từ ngày 01/7/2021 việc hoàn thành cấp căn cước công dân cho những người từ đủ 14 tuổi trở lên là hoàn toàn có thể thực hiện được và thời gian tiếp sau đó sẽ tiến hành cấp cho những người dưới 14 tuổi.
Trước băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về việc cấp số định danh cá nhân, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã thu thập và đưa vào hệ thống thông tin dữ liệu công dân khoảng 80 triệu. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chia sẻ, thực hiện được nhiệm vụ này là nhờ lực lượng công an chính quy đã được triển khai ở địa phương, ở các xã đã hoàn thành đến 99%.
Về 167 văn bản có liên quan đến số hộ khẩu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết khi luật có hiệu lực thì một số văn bản có liên quan sẽ hết hiệu lực, đồng thời Bộ Công an sẽ có đề xuất với Chính phủ để có điều chỉnh để tạo thuận lợi cho người dân trong các thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch…khi có sự thay đổi trong phương thức quản lý.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, các ý kiến của đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp đầy đủ trên cơ sở đó cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra, các cơ quan hữu quan để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp sau./.