Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ chín, QH khóa XII: Thảo luận dự án Luật Phòng, chống mua bán người và Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

24/03/2011

Hôm qua, 23-3, kỳ họp thứ chín, QH Khoá XII vào ngày làm việc thứ ba, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người và thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007- 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng; các Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Huỳnh Ngọc Sơn và Đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lăk tại Kỳ họp thứ Chín. Ảnh: Lâm Hiển

Tích cực và chủ động phòng, chống mua, bán người

Ðầu buổi sáng, sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (MBN); các đại biểu đã tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính, gồm: Các hành vi bị nghiêm cấm; Các biện pháp phòng ngừa MBN; Hỗ trợ nạn nhân; Về việc thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân; Trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong phòng, chống MBN. Nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí và đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án luật này và nhất trí với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ QH.

Về tên gọi của luật, một số đại biểu cho rằng, dự thảo luật lấy tên là Luật Phòng, chống MBN. Tuy nhiên, qua thảo luận, vẫn còn ý kiến đề nghị nên lấy tên luật là Luật Phòng, chống buôn bán người. Bởi vì, nếu sử dụng thuật ngữ 'buôn bán', thay vì 'mua bán' sẽ diễn tả được hết bản chất trục lợi trong hành vi này. Theo đại biểu Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), hiện nay, nhiều nước đã ban hành luật về lĩnh vực này và hầu hết các nước đã ban hành đều lấy tên là Luật Phòng, chống buôn bán người. Nước ta trong lĩnh vực này có sự hợp tác quốc tế, nên lấy tên là Luật Phòng, chống buôn bán người sẽ tạo điều kiện hội nhập tốt hơn trong hợp tác quốc tế.

Về nhiệm vụ của cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH), đại biểu Nguyễn Ðình Liêu (Ninh Thuận) cho rằng, cần thiết kế lại Ðiều 24, Ðiều 25 của dự thảo luật, nêu rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể đối với cấp xã trong quá trình tiếp nhận và có thể hỗ trợ nhu cầu thiết yếu đối với các nạn nhân; lập hồ sơ cho nạn nhân có điều kiện hồi gia. Ðối với các đối tượng khó khăn sẽ chuyển lên Phòng LÐ-TB và XH tiếp nhận, hỗ trợ thiết yếu, lập hồ sơ và làm thủ tục chuyển giao cho cơ sở BTXH.

Một số đại biểu đề nghị, cần quan tâm hơn vấn đề lồng ghép phòng, chống MBN vào các nội dung phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tượng MBN xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng nghèo đói, dân trí thấp hoặc không hiểu biết pháp luật. Vì vậy, về nguyên tắc trong phòng, chống MBN quy định trong dự thảo luật nên bổ sung nội dung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí để giảm thiểu hành vi MBN. Một số đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc phòng ngừa, phát hiện xử lý hành vi MBN, hành vi liên quan đến MBN; tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, gia đình và công dân Việt Nam trong phòng, chống MBN cũng như công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Nhiều đại biểu nhấn mạnh, cần nhấn mạnh công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục kịp thời phòng, chống MBN trong dự thảo luật và đề nghị bổ sung ý 'tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn', bởi vì đây là đối tượng và vùng có nhiều nạn nhân dễ bị lợi dụng...

Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã phát biểu ý kiến, làm rõ thêm những vấn đề các đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống MBN. Bộ Tư pháp và Ủy ban Tư pháp của QH sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu của các vị đại biểu QH để nghiên cứu, chỉnh lý, bổ sung và sẽ được giải trình trong phiên họp tới, trước khi xem xét thông qua dự án luật này.

Thảo luận Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007- 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, các đại biểu QH đánh giá cao kết quả công tác của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua. Chủ tịch nước với trách nhiệm của mình đã thực hiện tốt vai trò, chức năng trong công tác đối ngoại, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Các hoạt động liên quan đến công tác tư pháp, đặc xá, ân giảm án được thực hiện nghiêm minh, chính xác. Công tác thi đua - khen thưởng được thực hiện tốt, nghiêm túc.

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các đại biểu nhất trí cho rằng, với trách nhiệm của mình, qua các kỳ họp QH, Chính phủ đều báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của QH về phát triển kinh tế - xã hội. Nêu ra những tồn tại trong điều hành và hướng khắc phục. Trong bốn năm của nhiệm kỳ vừa qua, tập thể Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã làm được nhiều việc, tiếp thu nghiêm túc ý kiến đóng góp của QH để từng bước hoàn thiện trong công tác tổ chức, hoạt động. Trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nhưng Chính phủ đã chỉ đạo, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp để vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Trước tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu đến kinh tế - xã hội trong nước, Chính phủ đã có nhiều ứng phó kịp thời, quyết liệt, hiệu quả, cho nên nền kinh tế trong nước vẫn có bước phát triển phù hợp. Chính phủ đã kịp thời chuyển mục tiêu từ tăng trưởng kinh tế sang ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng sâu, vùng xa, bảo đảm an sinh xã hội; công tác an ninh, quốc phòng được giữ vững; công tác đối ngoại ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng thẳng thắn nêu lên những thiếu sót trong nhiệm kỳ vừa qua và đề nghị Chính phủ cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Bốn năm qua, QH đã thông qua hơn 60 luật và nhiều pháp lệnh. Ðây là cố gắng rất lớn của QH, trong đó có công đóng góp của Chính phủ với tư cách là cơ quan xây dựng luật. Tuy nhiên, nhiều dự án luật Chính phủ trình chất lượng chưa cao, chưa sát thực tế. Nhiều luật được thông qua thời gian dài, nhưng vẫn phải chờ Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn, gây khó khăn trong thực hiện. Ðặc biệt, một số dự án trình QH thiếu tính khả thi như Ðường sắt cao tốc Bắc - Nam; Quy hoạch vùng Thủ đô. Trong công tác điều hành kinh tế - xã hội ở một số thời điểm còn bộc lộ thiếu sót, thiếu nhanh nhạy. Nhiều vụ việc sai phạm khi các cơ quan khác phát hiện, Chính phủ mới tiến hành thanh tra, kiểm tra như vụ việc tại Vinashin.  Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy được tập trung giải quyết nhưng chưa dứt điểm, còn nhiều tồn tại. Còn tình trạng cơ chế, chính sách thiếu đồng  bộ, gây khó khăn trong thực hiện.

Nhiều đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển dài hơi, đưa ra giải pháp cụ thể hơn để kịp thời ứng phó với những thay đổi bất lợi, nhất là tình hình kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng xấu đến kinh tế- xã hội trong nước. Cùng với đó, cần tiếp tục tập trung thực hiện các chương trình phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt việc cơ cấu lại nền kinh tế, tạo điều kiện phát triển trong thời gian tới.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)