Đoàn giám sát của UBTVQH làm việc tại Bắc Ninh

03/03/2011

Ngày 1- 2.3, Đoàn giám sát của UBTVQH về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh làm Trưởng đoàn đã làm việc tại Bắc Ninh. Đây là địa phương đầu tiên trong số 16 tỉnh, thành phố Đoàn sẽ tiến hành giám sát.

Bắc Ninh hiện có 62 làng nghề, trong đó có 32 làng nghề truyền thống và 30 làng nghề mới được hình thành. Tỉnh cũng đã lập quy hoạch 53 cụm công nghiệp, đến nay 29 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đã góp phần quan trọng thúc đẩy KT - XH của tỉnh phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đô thị. Tuy nhiên, do đặc điểm của các làng nghề là phát triển tự phát, không được quy hoạch nên đã bộc lộ nhiều yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng suy thoái môi trường có chiều hướng gia tăng, một số nơi mức độ ô nhiễm trở nên báo động. Bên cạnh đó, nhận thức về bảo vệ môi trường của các chủ cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề còn hạn chế, chưa quan tâm đầu tư cho xử lý môi trường. Hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường, không nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, nhiều cơ sở vi phạm bị xử lý nhưng không nghiêm túc chấp hành; công tác kiểm tra môi trường tại các làng nghề vẫn chưa được thực hiện thường xuyên, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa chặt chẽ; nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân về bảo vệ môi trường chuyển biến chậm; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường thiếu, nhất là tại cấp huyện và xã... Tỉnh Bắc Ninh đề xuất cần có chính sách hỗ trợ giải quyết ô nhiễm môi trường cho các làng nghề truyền thống; có biện pháp mạnh, cưỡng chế xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; tăng cường cán bộ môi trường cấp huyện, xã.

 

Đoàn giám sát ghi nhận các kiến nghị của tỉnh và đề nghị Bắc Ninh cần có cơ chế tăng chi cho công tác bảo vệ môi trường; hỗ trợ các làng nghề về vốn, công nghệ, mặt bằng sản xuất… để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tạo mối liên kết giữa các làng nghề; quan trọng hơn, phải tiến hành quy hoạch lại các làng nghề, hạn chế sự phát triển tự phát của những làng nghề nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu và chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống.

H.Vân

(http://daibieunhandan.vn)