Một số khoảng trống pháp lý
Phân tích những khoảng trống về bảo vệ trẻ em trong pháp luật giáo dục, ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Nghị định số 80/2017/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và góp phần giải quyết vấn đề xã hội là bạo lực trẻ em trong môi trường giáo dục. Nhìn từ thực tế các vụ việc xâm hại trẻ em trong trường học, trong đó có bạo lực và xâm hại tình dục, việc bảo vệ trẻ em trong môi trường giáo dục và phòng, chống bạo lực học đường có mấy vấn đề cần giải quyết:
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh: Nhìn từ góc độ bảo vệ trẻ em trong môi trường giáo dục, vẫn còn một số khoảng trống pháp lý
Về nhận thức: Bảo vệ trẻ em trong hoạt động giáo dục, tạo lập môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh chủ yếu chỉ thực hiện trong khuôn khổ nhà trường và là trách nhiệm chủ yếu của người quản lý nhà trường, giáo viên. Việc phát hiện, giải quyết vụ việc bạo lực trẻ em trong nhà trường thường chậm trễ và cũng chỉ được thực hiện trong khuôn khổ nhà trường và hệ thống ngành giáo dục trừ trường hợp vụ việc được cha, mẹ học sinh và những người bên ngoài trường học, báo chí phản ánh, tố cáo; hoặc vụ việc chạm ngưỡng vi phạm pháp luật hình sự cần có sự vào cuộc của cơ quan điều tra. Sự phối hợp giữa nhà trường và Ủy ban nhân dân cấp xã, các cơ quan bảo vệ trẻ em và các đơn vị cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em trong hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị bạo lực học đường chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em.
Nghị định số 80/2017 của Chính phủ là văn bản pháp lý đầu tiên quy định chi tiết về bảo vệ trẻ em trong nhà trường ở cấp độ phòng ngừa (xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh). bảo vệ trẻ em ở cấp độ hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Luật Trẻ em được quy định chi tiết đối với trường hợp hợp bạo lực học đường (bạo lực trẻ em là một trong những hành vi xâm hại trẻ em). Nhìn từ góc độ bảo vệ trẻ em trong môi trường giáo dục, vẫn còn một số khoảng trống pháp lý:
Thứ nhất: Việc giới hạn bạo lực học đường là hành vi cố ý gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học “xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập” (quy định tại Điều 2, khoản 5 Nghị định 80/2017/NĐ-CP); quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp bạo lực học đường do nhà trường thực hiện (Điều 6, Nghị định 80/2017/NĐ-CP đã giới hạn trách nhiệm của nhà trường và giáo viên trong tham gia giải quyết các vụ việc xâm hại hoặc bạo lực trẻ em khác có liên quan đến học đường hoặc có nguyên nhân từ quan hệ trong môi trường giáo dục.
Thứ hai: Trách nhiệm của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội mới được quy định ở việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường đối với các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý của Bộ (Điều 8 Nghị định 80/2017/NĐ-CP) mà chưa quy định trách nhiệm phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong vai trò chủ trì, phối hợp tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em (Điều 82, khoản 5, Luật Trẻ em); do đó đã không rõ ràng, chi tiết việc phối hợp tiếp nhận thông tin tố cáo (Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111), điều phối, cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của ngành Lao động- Thương binh và Xã hội và các ngành, tổ chức khác với nhà trường để hỗ trợ, can thiệp các vụ việc xâm hại trẻ em mà riêng nhà trường thì không đủ thẩm quyền và năng lực giải quyết.
Thứ ba: Luật Giáo dục hiện hành quy định các hành vi nhà giáo không được làm, trong đó có hành vi “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học” (Điều 75, khoản 1) nhưng xuyên suốt Luật này không quy định quyền của người học được bảo vệ, được an toàn trong nhà trường và khi tham gia hoạt động giáo dục do giáo viên, nhà trường thực hiện.
Luật này có quy định về quyền của trẻ em và chính sách đối với trẻ em nhưng chỉ quy định tại cơ sở giáo dục mầm non (Điều 84) và cũng không quy định quyền được bảo vệ khỏi xâm hại, bạo lực.
Đối với trách nhiệm của nhà trường (Điều 93) cũng chưa quy định việc tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh cho cả người học và giáo viên trong khi đó lại quy định trách nhiệm của xã hội (Điều 97) “góp phần cùng nhà trường xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, ngăn chặn những hành động có ảnh hưởng xấu đến thanh niên, thiếu niên và nhi đồng”.
Bổ sung những quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật Giáo dục (sửa đổi)
Đưa ra những khuyến nghị bổ sung những quy định về bảo vệ trẻ em trong Luật Giáo dục (sửa đổi) đang được Ban soạn thảo và Ban thẩm tra lấy ý kiến rộng rãi, ông Đặng Hoa Nam cho rằng, đối với chủ thể là người học trong độ tuổi trẻ em, ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở: Bổ sung quy định quyền được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; được bảo vệ khỏi mọi hành vi xâm hại trong nhà trường, trong các hoạt động giáo dục do giáo viên, nhà trường thực hiện, trong các mối quan hệ giữa người học và giáo viên, giữa người học và nhà trường.
Ông Đặng Hoa Nam khuyến nghị: Bổ sung quy định quyền được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện
Đối với chủ thể là giáo viên và nhà trường: Bổ sung quy định trách nhiệm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống và nghiêm cấm các hành vi xâm hại học sinh trong nhà trường, trong các hoạt động giáo dục do giáo viên, nhà trường thực hiện, trong các mối quan hệ giữa học sinh và giáo viên, giữa học sinh và nhà trường. Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của giáo viên, nhà trường trong việc phát hiện, thông báo, tố cáo các hành vi xâm hại học sinh; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với học sinh bị xâm hại.
Đối với gia đình, cha mẹ, người giám hộ của học sinh, ban đại diện cha mẹ học sinh: Bổ sung trách nhiệm phối hợp với nhà trường, giáo viên xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tham gia việc phòng, chống xâm hại trẻ em, bạo lực học đường.
Ngoài ra, bổ sung khái niệm xâm hại học sinh, bao gồm bạo lực học đường đối với học sinh là các hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của học sinh trong trường học, trong hoạt động giáo dục do giáo viên, nhà trường thực hiện hoặc có nguyên nhân từ quan hệ trong môi trường giáo dục./.