Từ ngày 1/7/2017, Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 chính thức có hiệu lực thi hành

29/06/2017

Ngày 25/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13. Bộ luật là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học....Ngày 1/7/2017, Bộ luật chính thức có hiệu lực thi hành.

Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015                     Ảnh: Đình Nam

Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2005 (Bộ luật 2005) được Quốc hội khóa XI thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 14/6/2005 có ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân nói chung và ngành hàng hải nói riêng. Đây là sự kiện đánh dấu bước phát triển mới của pháp luật hàng hải nước ta, đặc biệt là trước xu thế toàn cầu hóa hoạt động hàng hải thế giới đang ngày càng gia tăng và vai trò vừa là “đầu mối”, vừa là “cầu nối” của kinh tế hàng hải đối với nền kinh tế quốc dân cũng như kinh tế biển nói riêng đang đòi hỏi được phát huy. Bộ luật 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự khẳng định được vai trò là văn bản pháp lý trung tâm của hệ thống pháp luật hàng hải, là cơ sở pháp lý điều chỉnh hệ thống quản lý hoạt động hàng hải, góp phần thúc đẩy tiến trình phát triển, hội nhập của nền kinh tế quốc dân và ngành hàng hải Việt Nam; đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hàng hải ở nước ta; tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hội nhập kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện Bộ luật vẫn còn nhiều điều, khoản mang tính chất khung và cần phải có các văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể, chưa hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu của Nghị quyết số 48/NQ-TW của Bộ Chính trị khi xác định hạn chế việc sử dụng các văn bản dưới Luật để triển khai Luật vào thực tiễn. Hơn nữa, hiện nay đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành có quy định mới liên quan đến quản lý hoạt động hàng hải nên cần xây dựng một Bộ luật mới thay thế cho Bộ luật 2005 tạo sự phù hợp, thống nhất.

Do đó, Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 được xây dựng và ban hành nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế nói chung và ngành giao thông vận tải, ngành Hàng hải nói riêng phù hợp với tình hình kinh tế hiện nay và những năm tới; nhằm tăng cường quản lý nhà nước, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế...

Bộ luật 2015 quy định về hoạt động hàng hải, bao gồm các quy định về tàu biển, thuyền viên, cảng biển, luồng hàng hải, cảng cạn, vận tải biển, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển vào mục đích kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao, công vụ và nghiên cứu khoa học. Đối với tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa, tàu ngầm, tàu lặn, thủy phi cơ, kho chứa nổi, giàn di động, ụ nổi, cảng quân sự, cảng cá và cảng, bến thủy nội địa chỉ áp dụng trong trường hợp có quy định cụ thể trong Bộ luật. Bộ luật cũng quy định, trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Bộ luật hàng hải Việt Nam với quy định của luật khác về cùng một nội dung liên quan đến hoạt động hàng hải thì áp dụng quy định của Bộ luật 2015. Đối tượng áp dụng của Bộ luật 2015 là tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động hàng hải tại Việt Nam.

Tăng cường chính sách xã hội hóa, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại trong hoạt động hàng hải

Tại Điều 7, Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015 quy định, Nhà nước có chính sách phát triển hàng hải phục vụ phát triển kinh tế biển và bảo vệ tổ quốc. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải thông qua chính sách ưu tiên trong quy hoạch cảng biển và thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng hàng hải. Ưu tiên phát triển đội tàu vận tải biển thông qua chính sách ưu đãi về thuế, lãi suất vay vốn trong đầu tư phát triển đội tàu và trong hoạt động vận tải biển. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực hàng hải; phát triển đội ngũ thuyền viên đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế thông qua các chính sách về đào tạo, huấn luyện thuyền viên; tiêu chuẩn, chế độ lao động của thuyền viên. Tăng cường hợp tác quốc tế, đẩy mạnh việc tham gia các tổ chức quốc tế về hàng hải, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về hàng hải.

Đặc biệt, Bộ luật quy định: khuyến khích nghiên cứu và chuyển giao các ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực hàng hải; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển đội tàu biển, cảng biển, công nghiệp tàu thủy; tham gia cung cấp dịch vụ công ích trong lĩnh vực hàng hải và thực hiện các hoạt động hàng hải khác theo quy định tại Việt Nam. Đây là một trong những điểm mới, nổi bật của Bộ luật 2015 so với Bộ luật trước đó.

Đối với các nội dung quản lý nhà nước về hàng hải, Bộ luật quy định: Nhà nước xây dựng, phê duyệt, ban hành và chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, chính sách phát triển ngành hàng hải theo quy định của pháp luật; Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành hàng hải; Quản lý việc đầu tư xây dựng, tổ chức khai thác cảng biển và luồng, tuyến hàng hải theo quy định của pháp luật. Công bố mở, đóng cảng biển, vùng nước cảng biển và khu vực quản lý của Cảng vụ hàng hải; công bố đưa bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước và các công trình hàng hải khác vào sử dụng; Quản lý hoạt động vận tải biển; kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp vận tải biển, cảng biển và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hàng hải; Tổ chức đăng ký, đăng kiểm tàu biển và đăng ký các quyền đối với tàu biển. Quản lý việc thiết kế, đóng mới, sửa chữa, phá dỡ, khai thác, xuất khẩu, nhập khẩu tàu biển và các trang thiết bị, vật tư phục vụ hoạt động hàng hải.

Nhà nước cũng sẽ cấp, công nhận, thu hồi chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, an ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của tàu biển, cảng biển và các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động hàng hải; Quản lý công tác đào tạo, huấn luyện phát triển nguồn nhân lực hàng hải; Quản lý hoạt động khoa học, công nghệ trong lĩnh vực hàng hải; bảo vệ môi trường, phòng, tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong hoạt động hàng hải; Quản lý giá, phí và lệ phí trong lĩnh vực hàng hải; Tổ chức cứu hộ hàng hải, cứu nạn trên biển; trục vớt tài sản chìm đắm; điều tra, xử lý tai nạn, sự cố hàng hải, công tác bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển; Hợp tác quốc tế về hàng hải; Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động hàng hải theo quy định của pháp luật.

Kết quả biểu quyết thông qua Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015

Hành vi gây phương hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, gây ô nhiễm môi trường bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải

Tại Điều 12 Bộ Luật năm 2015 đã quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động hàng hải gồm: Gây phương hại hoặc đe dọa gây phương hại đến chủ quyền và an ninh quốc gia; Vận chuyển người, hàng hóa, hành lý, vũ khí, chất phóng xạ, chất phế thải độc hại, chất ma túy trái với quy định của pháp luật; Cố ý tạo chướng ngại vật gây nguy hiểm hoặc làm cản trở giao thông hàng hải; Sử dụng, khai thác tàu biển không đăng ký, đăng kiểm hoặc quá hạn đăng ký, đăng kiểm; giả mạo đăng ký, đăng kiểm; Từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trên biển trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép; Gây ô nhiễm môi trường; Xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm người trên tàu biển; chiếm đoạt, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản trên tàu biển; bỏ trốn sau khi gây tai nạn.

Ngoài ra, các hành vi cũng bị nghiêm cấm gồm: Gây mất trật tự công cộng, cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nhiệm vụ của người thi hành công vụ trên tàu biển và tại cảng biển; Phá hủy, làm hư hỏng, tháo gỡ, trộm cắp cấu kiện, phụ kiện, vật tư, vật liệu xây dựng và các thiết bị của công trình hàng hải; Làm hư hỏng, phá hủy, tự ý di chuyển hoặc làm giảm hiệu lực của báo hiệu hàng hải; Nổ mìn hoặc các vật liệu nổ khác trong phạm vi cảng biển, vùng nước cảng biển, luồng hàng hải khi chưa được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Xây dựng và khai thác trái phép các công trình cảng biển, công trình khác trong phạm vi quy hoạch cảng biển đã được phê duyệt, trong luồng hàng hải và phạm vi bảo vệ công trình hàng hải; Xây dựng công trình làm giảm hoặc mất tác dụng của công trình hàng hải; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về quản lý hàng hải; dung túng, bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về hàng hải.

Cảng biển gồm 4 loại và sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp loại

Cảng biển được quy định trong Bộ luật là khu vực bao gồm vùng đất cảng và vùng nước cảng, được xây dựng kết cấu hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách và thực hiện dịch vụ khác. Cảng biển có một hoặc nhiều bến cảng. Bến cảng có một hoặc nhiều cầu cảng. Cảng dầu khí ngoài khơi là công trình được xây dựng, lắp đặt tại khu vực khai thác dầu khí ngoài khơi cho tàu thuyền đến, rời để bốc dỡ hàng hóa và thực hiện dịch vụ khác. Kết cấu hạ tầng cảng biển bao gồm cầu cảng, vùng nước trước cầu cảng, kho, bãi, nhà xưởng, trụ sở, cơ sở dịch vụ, hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước và các công trình phụ trợ khác được xây dựng, lắp đặt cố định tại vùng đất cảng và vùng nước trước cầu cảng.

4 tiêu chí xác định cảng biển gồm: 1. Có vùng nước nối thông với biển. 2. Có điều kiện địa lý tự nhiên đáp ứng yêu cầu xây dựng cầu, bến cảng, khu neo đậu, chuyển tải và luồng hàng hải cho tàu biển đến, rời, hoạt động an toàn. 3. Có lợi thế về giao thông hàng hải. 4. Là đầu mối giao thông phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa trong nước; vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và trung chuyển bằng đường biển.

Cảng biển được phân làm 4 loại gồm: Cảng biển đặc biệt là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng và có chức năng trung chuyển quốc tế hoặc cảng cửa ngõ quốc tế; Cảng biển loại I là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của cả nước hoặc liên vùng; Cảng biển loại II là cảng biển có quy mô vừa phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng; Cảng biển loại III là cảng biển có quy mô nhỏ phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp loại cảng biển và công bố Danh mục cảng biển theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải công bố Danh mục bến cảng thuộc cảng biển Việt Nam theo đề nghị của Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải.

Chức năng cơ bản của cảng biển gồm: Cung cấp dịch vụ hỗ trợ tàu thuyền đến, rời cảng; Cung cấp phương tiện, thiết bị và nhân lực cần thiết cho tàu thuyền neo đậu, bốc dỡ hàng hóa, đón trả hành khách; Cung cấp dịch vụ vận chuyển, bốc dỡ, lưu kho bãi và bảo quản hàng hóa trong cảng; Đầu mối kết nối hệ thống giao thông ngoài cảng biển; Là nơi để tàu thuyền trú ẩn, sửa chữa, bảo dưỡng hoặc thực hiện những dịch vụ cần thiết trong trường hợp khẩn cấp; Cung cấp các dịch vụ khác cho tàu thuyền, người và hàng hóa.

Bên cạnh quy định về Cảng biển, Bộ luật cũng có quy định về Cảng cạn, trong đó chức năng là nhận và gửi hàng hóa được vận chuyển bằng container; Đóng hàng hóa vào và dỡ hàng hóa ra khỏi container; Tập kết container để vận chuyển đến cảng biển và ngược lại; Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Gom và chia hàng hóa lẻ đối với hàng hóa có nhiều chủ trong cùng container; Tạm chứa hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và container; Sửa chữa và bảo dưỡng container.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Bộ luật hàng hải Việt Nam năm 2015

Mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý

Tại Điều 264 Bộ luật hàng hải 2015 quy định, cứu hộ hàng hải là hành động cứu tàu biển hoặc các tài sản trên tàu biển thoát khỏi nguy hiểm hoặc hành động cứu trợ tàu biển đang bị nguy hiểm trên biển, trong vùng nước cảng biển, được thực hiện trên cơ sở hợp đồng cứu hộ hàng hải. Hợp đồng cứu hộ hàng hải là hợp đồng được giao kết giữa người cứu hộ và người được cứu hộ về việc thực hiện cứu hộ. Thuyền trưởng của tàu biển bị nạn được thay mặt chủ tàu giao kết hợp đồng cứu hộ. Thuyền trưởng hoặc chủ tàu của tàu biển bị nạn được thay mặt chủ tài sản chở trên tàu giao kết hợp đồng cứu hộ tài sản đó...

Trong đó, mọi hành động cứu hộ hàng hải mang lại kết quả có ích đều được hưởng tiền công cứu hộ hợp lý. Tiền công cứu hộ bao gồm tiền trả công cứu hộ, chi phí cứu hộ, chi phí vận chuyển, bảo quản tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ và tiền thưởng công cứu hộ. Tiền công cứu hộ được trả cả trong trường hợp người cứu hộ có hành động trực tiếp hoặc gián tiếp giúp người được cứu hộ bảo vệ các quyền lợi liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, hành khách, hành lý; cứu hộ tàu biển thuộc cùng một chủ tàu. Tuy nhiên, hành động cứu hộ trái với sự chỉ định rõ ràng và hợp lý của thuyền trưởng tàu biển được cứu thì không được trả tiền công cứu hộ.

Nguyên tắc xác định tiền công cứu hộ như sau: Tiền công cứu hộ được thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải hợp lý và không được vượt quá giá trị của tàu biển hoặc tài sản được cứu hộ. Trong trường hợp tiền công cứu hộ không được thỏa thuận trong hợp đồng hoặc không hợp lý thì tiền công cứu hộ được xác định trên cơ sở sau đây: a) Giá trị của tàu biển và tài sản cứu được; b) Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc ngăn ngừa hoặc giảm thiểu thiệt hại ô nhiễm môi trường; c) Hiệu quả cứu hộ của người cứu hộ; d) Tính chất và mức độ nguy hiểm của tai nạn; đ) Kỹ năng và nỗ lực của người cứu hộ trong việc cứu hộ tàu biển, người và tài sản trên tàu biển; e) Thời gian, chi phí và các tổn thất liên quan của người cứu hộ; g) Rủi ro về trách nhiệm và rủi ro khác đối với người cứu hộ hoặc thiết bị cứu hộ; h) Tính kịp thời của hoạt động cứu hộ do người cứu hộ thực hiện; i) Tính sẵn sàng, năng lực của tàu và các thiết bị khác sử dụng trong việc cứu hộ; k) Tính sẵn sàng, hiệu quả và giá trị của các thiết bị cứu hộ. Tuy nhiên, tiền công cứu hộ có thể bị giảm hoặc không được công nhận, nếu người cứu hộ đã tự gây ra tình trạng phải cứu hộ hoặc có hành động trộm cắp, lừa đảo, gian lận khi thực hiện hợp đồng cứu hộ...

Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 (Bộ luật 2015) gồm 20 Chương, 341 Điều; tăng 2 Chương và 80 Điều so với Bộ luật hàng hải Việt Nam số 40/2005/QH11 (Bộ luật 2005). Từ ngày 1/7/2017, Bộ luật chính thức có hiệu lực thi hành.

Toàn văn Bộ luật hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 tại đây.

Quang Minh