Băn khoăn về đầu mối quản lý nợ công
Điều 19 dự thảo Luật quy định theo hướng Bộ Tài chính là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Điều 20 giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài, làm đầu mối vận động, ký kết hiệp định khung; Điều 21 giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế với các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế...
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ phát biểu
Thảo luận tại Hội trường về tổ chức bộ máy đầu mối quản lý nợ công, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ cho rằng, đành rằng để ba cơ quan hiện nay sẽ đỡ xáo trộn bộ máy và có thể phân định trách nhiệm rõ hơn, quy định việc phối hợp rõ hơn để quản lý nợ. Nhưng thực tế sự phối hợp chưa bao giờ thông suốt, bức tranh nợ công phải lắp ghép từ nhiều mảnh nên không hoàn chỉnh, không kịp thời và ODA chưa bao giờ kiểm soát được, luôn dự vượt dự toán đẩy bội chi nợ công lên cao ngoài dự kiến, chưa gắn được trách nhiệm vay, phân bổ với trách nhiệm cân đối nguồn để trả nợ, trách nhiệm khi xảy ra thất thoát, lãng phí. Không thể chối cãi là một đầu mối sẽ tốt hơn, thuận lợi hơn ba đầu mối vì gắn được trách nhiệm vay, trách nhiệm phân bổ, trách nhiệm sử dụng với trách nhiệm cân đối nguồn và trách nhiệm trong thất thoát, lãng phí. Bên cạnh đó rõ ràng khi gộp bộ phận quản lý nợ công của nhiều cơ quan về một cơ quan sẽ giảm được biên chế, tăng tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức.
Việc gom quản lý nợ công về một đầu mối sẽ tăng niềm tin và giảm phiền hà cho người cho vay, do chỉ phải làm việc với một đầu mối, từ đó mang lại những lợi ích từ chi phí vay và điều kiện vay. Đơn vị sử dụng vốn vay nhất là ODA chỉ phải làm việc với một đầu mối thay vì nhiều đầu mối như hiện nay.
Và khi đưa toàn bộ danh mục nợ công về một đầu mối sẽ nhanh chóng có được bức tranh tổng thể về nợ trong nước, nợ nước ngoài, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn, thay vì phải ghép nhiều mảnh ghép như hiện nay, nên phục vụ tốt hơn trong công tác phân tích nợ, giảm rủi ro của nợ, đồng thời đánh giá được tổng thể nhu cầu vay, có thể gộp các khoản vay nhỏ thành các khoản vay lớn, giảm các đầu mối tài chính trung gian, từ đó giảm chi phí vay.
Vì những lý do trên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc đưa nợ công về một đầu mối để thống nhất quản lý nợ công và cũng phù hợp với Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị là rà soát, sắp xếp lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị gắn trách nhiệm quyết định chi, quyết định vay với trách nhiệm quản lý ngân sách và trách nhiệm trả nợ.
Về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- TP Hà Nội cho rằng, việc đề xuất giữ nguyên quy định về đầu mối quản lý nợ công phân chia tách rời thành 3 cơ quan là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước như Luật Quản lý nợ công năm 2009 có ưu điểm căn bản là phát huy được thế mạnh của mỗi cơ quan trong việc huy động các nguồn vốn vay. Điều này phù hợp với mục tiêu cần tăng nhanh nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển. Chính vì vậy, quy mô nợ công trong giai đoạn 2011 - 2015 đã huy động được rất nhiều và tốc độ tăng nợ công rất nhanh. Tuy nhiên, việc phân chia như trên không gắn giữa trách nhiệm đi vay, sử dụng vốn với trách nhiệm và khả năng trả nợ. Điều này không chỉ gây nguy hại là vượt trần nợ công mà điều nguy hại hơn là thời hạn và tiến độ trả nợ gốc và lãi không phân bổ đều theo thời gian, không phù hợp với thu, chi ngân sách, thặng dư xuất, nhập khẩu và khả năng trả nợ của nền kinh tế, tạo ra áp lực trả nợ dồn vào từng thời điểm nặng như giai đoạn hiện nay. Vì vậy với mục tiêu kiểm soát chặt chẽ nợ công, gắn trách nhiệm giữa vay nợ, trả nợ thì cách phân chia tách rời như trên theo đại biểu là không phù hợp.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Quốc hội Trịnh Ngọc Phương- tỉnh Tây Ninh cho rằng Ban soạn thảo, đặc biệt là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cần bàn bạc, xem xét để công tác quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo, không hiệu quả trong quản lý nợ công sau này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội
Giải trình về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Bộ Tài chính, mỗi tiến trình là một đầu mối và Bộ Tài chính thống nhất cùng với Chính phủ. Và một đầu mối ở đây là do Chính phủ phân công, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước hay Văn phòng Chính phủ. Theo kinh nghiệm tổng kết các nước thì phần lớn đầu mối về Bộ Tài chính, tuy nhiên cần có sự thống nhất từ nhận thức, và từ nhận thức, có chủ trương rồi thì phải quyết tâm hành động.
Thống nhất về phạm vi quản lý nợ công trong dự thảo Luật
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Quốc hội Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm- tỉnh Phú Thọ thống nhất phạm vi nợ công như dự thảo luật và thống nhất không tính vào nợ công, nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế nhà nước, không tính nợ của Ngân hàng nhà nước nhằm thực hiện chính sách tiền tệ, nợ phát sinh trong quá trình điều hành ngân sách v.v... với các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu chưa thống nhất việc luật không quy định nội dung giám sát các khoản vay nợ không tính vào nợ công vì khi có rủi ro thì nhà nước hoặc ngân sách nhà nước vẫn phải gánh chịu các khoản nợ này, không quy định trong luật này thì quy định trong luật nào cũng cần làm rõ. Hiện nay các luật liên quan không có các quy định để xử lý rủi ro của các khoản nợ này trên nguyên tắc không tăng gánh nặng cho nhà nước, không ảnh hưởng đến an toàn nợ công.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - TP Hồ Chí Minh phát biểu
Cũng thống nhất với quy định của dự thảo Luật về phạm vi nợ công, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân - TP Hồ Chí Minh đề nghị tăng cường giám sát doanh nghiệp nhà nước; Chính phủ cần sớm ưu tiên hàng đầu nhất là phải giải thể, phá sản, hợp nhất, sát nhập thật nhanh các dự án thua lỗ, chứ không phải ưu tiên hàng đầu cổ phần hóa các doanh nghiệp đang có lời. Bởi vì, vừa qua cứ doanh nghiệp nhà nước mà lời thì ta làm trước, dẫn đến thất thoát, trong khi vấn đề tồn đọng nhất mà chúng ta phải tập trung đó là các doanh nghiệp yếu kém, phá sản, đắp chiếu mà chúng ta phải giải quyết.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, nhìn chung ý kiến các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý nợ công và các đại biểu Quốc hội đã tham gia vào nhiều nội dung của dự thảo luật và đề nghị rà soát các điều, khoản trong dự thảo luật cho chặt chẽ, hợp lý, nhất là về phạm vi nợ công, thẩm quyền, phân công trách nhiệm, trách nhiệm quản lý nợ công, chỉ tiêu an toàn nợ công. Các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo ghi chép và phản ánh đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc chỉ đạo Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội và cơ quan soạn thảo nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến và hoàn thiện dự thảo luật gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV.