Đại biểu Mai Thị Kim Nhung - tỉnh Quảng Trị đề nghị bổ sung nội dung Điều 24 dự thảo Luật thủy lợi Ảnh: Đình Nam
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Kim Nhung- tỉnh Quảng Trị cho rằng, quy trình vận hành công trình thủy lợi là điều kiện cơ bản, tiên quyết để đưa công trình thủy lợi vào khai thác. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn còn một số công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành. Do đó, nếu Dự thảo luật quy định đối với công trình thủy lợi đang khai thác mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm lập quy trình vận hành cấp có thẩm quyền phê duyệt. Điều này sẽ dễ tạo ra sự lợi dụng khe hở của pháp luật để chây ỳ, đùn đẩy hay bỏ qua trong việc thực hiện xây dựng quy trình vận hành công trình thủy lợi. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định lại nội dung của Điều 24 theo hướng ràng buộc trách nhiệm trong việc lập và thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi.
Bên cạnh quy định trách nhiệm lập và điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi thì cũng cần bổ sung thêm nhiệm vụ giám sát việc vận hành công trình thủy lợi đối với trách nhiệm chủ quản lý công trình thủy lợi. Bởi giám sát là khâu rất quan trọng đối với các quy trình vận hành của các công trình thủy lợi nhằm hạn chế vi phạm của các cơ quan chủ quản, tránh gây ra những thiệt hại về tính mạng, tài sản cho nhân dân và ngay cả công trình thủy lợi. Thực tế cho thấy, đã có những trường hợp các chủ thể khai thác, vận hành các công trình thủy lợi biết trước hậu quả của việc vận hành không đảm bảo quy trình, nhưng vẫn cố ý vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình là vụ nhà máy thủy điện Hố Hô, Hà Tĩnh xả lũ bất ngờ gây thiệt hại lớn cho đồng bào miền Trung. Hay gần đây nhất vào ngày 26/5, vụ Thủy điện Sông Ba Hạ- Phú Yên xả lũ bất ngờ làm chết 4 học sinh và 1 người đàn ông đánh cá. Đại biểu Mai Thị Kim Nhung nhấn mạnh, để đảm bảo các chủ thể khai thác, vận hành đúng quy trình cần phải có sự giám sát việc vận hành chặt chẽ từ phía cơ quan chủ quản đối với các công trình thủy lợi.
Đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phát biểu tại Hội trường
Có cùng chia sẻ với đại biểu Mai Thị Kim Nhung, đại biểu Quốc hội Dương Tấn Quân- tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, thời gian qua không ít vụ tai nạn làm chết người thương tâm, thiệt hại tài sản mùa màng của người nông dân, vùng hạ lưu liên quan đến quy trình xả lũ nhưng khi kiểm tra đều cho rằng vận hành đúng quy trình. Dẫn đến việc người dân, cử tri luôn bức xúc và nghi ngờ rằng có sai phạm trong quy trình vận hành công trình thủy lợi. Đại biểu cho rằng mặc dù Điều 24 dự thảo Luật về quy trình vận hành công trình thủy lợi quy định rất rõ về thẩm quyền phê duyệt, trách nhiệm lập, điều chỉnh quy trình vận hành công trình thủy lợi của các cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý. Tuy nhiên, cần bổ sung thêm một khoản quy định về quy trình vận hành công trình thủy lợi phải được công bố, công khai rộng rãi, để người dân, người sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và các bên liên quan có thể theo dõi giám sát. Theo đại biểu Dương Tấn Quân bổ sung khoản này để đảm bảo quy trình vận hành công trình thủy lợi luôn được an toàn, đạt hiệu quả cao. Đồng thời giúp người nông dân biết rõ để điều tiết hoạt động sản xuất cho phù hợp, tránh thiệt hại.
Ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Duy Hữu- tỉnh Đắk Lắk đề cập đến việc giải quyết của Tòa án đối với các vụ việc các đập thủy lợi bị vỡ do thiết kế, khai thác, quản lý không đúng quy trình là hết sức khó khăn do tài sản bị thiệt hại cũng như người bị thiệt hại tương đối lớn với những người ở phía sau của đập tức là phía hạ nguồn. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy chưa có quy định nào về vấn đề này.
Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ở hạ nguồn của tổ chức và cá nhân khai thác công trình thủy lợi trong trường hợp đập thủy lợi do thiết kế, xây dựng và vận hành không đúng quy định để xảy ra sự cố. Quy đinh như vậy sẽ đầy đủ hơn, các cơ quan có thẩm quyền dễ dàng xử lý hơn.