Sẽ lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

24/05/2017

Tại phiên họp sáng 24/5 của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và cho ý kiến về các nội dung cụ thể của dự án Luật này. Trong đó, nội dung về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận với nhiều ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật 

Đề xuất hai phương án xin ý kiến đại biểu Quốc hội về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự về một số loại tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự cả về loại tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này đang có xu hướng diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây. Kết quả phiếu thăm dò ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, có 266/397 đại biểu Quốc hội tán thành quy định này của Bộ luật hình sự năm 2015.

Tuy nhiên, dự thảo Luật do Chính phủ trình đề nghị sửa quy định này theo hướng: người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về 03 tội nêu trên nếu thuộc loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. Kết quả tổng hợp ý kiến của 53 Đoàn đại biểu Quốc hội về dự án Luật, có 41 Đoàn có ý kiến về vấn đề này, trong đó: 26/41 Đoàn tán thành với phương án sửa đổi do Chính phủ trình, 15/41 Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015.

Trong quá trình chỉnh lý, Ủy ban Tư pháp, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cũng cho rằng: phương án quy định theo Chính phủ trình là hợp lý, vừa bảo đảm nhất quán về chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trong Bộ luật hình sự năm 2015 (thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi), vừa phù hợp nguyên tắc “những lợi ích tốt nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu” đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Ở lứa tuổi này, việc áp dụng các biện pháp khác như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hòa giải tại cộng đồng; khiển trách; xử lý hành chính là phù hợp. Nếu quy định xử lý hình sự quá rộng là sớm đưa các em vào vòng tố tụng và đây không phải là phương án tốt nhất để giáo dục các em trở thành người có ích cho xã hội.

Do còn có ý kiến khác nhau, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến Quốc hội về 02 phương án:

Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật hình sự 2015, theo đó đối với 03 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng. 

Phương án 2: Giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 03 tội danh nêu trên.

Sẽ lấy phiếu xin ý kiến của đại biểu Quốc hội

Thảo luận tại Hội trường về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình bày tỏ đồng tình với phương án 2 là giữ như dự thảo do Chính phủ trình. Theo đó, đồng thuận với ý kiến của nhiều cơ quan, tổ chức ở trung ương, nhất quán về chính sách hình sự đối với trẻ em đã được quy định trong Bộ luật hình sự từ năm 1999, quan điểm sửa đổi bộ luật năm 2015 không vì một vài vụ án mà chúng ta thay đổi cả một chính sách hình sự lớn đối với trẻ em đã được tồn tại và ổn định lâu dài từ bộ luật năm 1999. Trẻ em đã chưa phát triển toàn diện đầy đủ về cả thể chất và tinh thần, nhận thức, việc phạm tội chủ yếu là do bị kích động, lôi kéo và không làm chủ được bản thân, do vậy việc xử lý hình sự đối với trẻ em là điều hết sức phải cân nhắc. Do đó, phải ưu tiên xử lý bằng các biện pháp khác mới đem lại hiệu quả tác dụng giáo dục và thể hiện tính nhân văn của pháp luật.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Xuyền - Thái Bình phát biểu tại hội trường

Có cùng lựa chọn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy- tỉnh Bắc Kạn cho rằng đây đã là vấn đề được Quốc hội khóa XIII thông qua, do đó Quốc hội sẽ chỉ thay đổi vấn đề này nếu như chúng ta đưa ra được những căn cứ thực sự xác đáng. Theo đại biểu, xử lý đối với người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ cưng chiều, dung dưỡng cho những vi phạm của các em, điều quan trọng là để khi ta bắt tay vào sửa điều luật này chúng ta sẽ phải tự hỏi là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội đến đâu trong sự việc vi phạm ngày hôm nay và xử lý như thế nào là đúng mức để các em có điều kiện quay trở lại với cuộc đời còn rất dài ở phía trước. Do đó, đại biểu bày tỏ tán thành với đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội là đề nghị với Quốc hội cho phép được trình 2 phương án để xin biểu quyết và chúng ta sẽ thực hiện theo ý chí chung của Quốc hội.

Tán thành với những phân tích của đại biểu Nguyển Thị Thủy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học- tỉnh Phú Yên làm rõ thêm, phương án này phù hợp với thực trạng đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu thống kê trong 5 năm của Tòa án nhân dân tối cao cung cấp cho thấy tỷ lệ tội phạm này trong độ tuổi từ 14 đến dưới 16 tuổi là không đáng kể, vì nó chỉ chiếm 0,31%. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại đến sức khỏe của người khác năm 2016 chỉ có 19 trường hợp vi phạm, chỉ chiếm 0,6%. Đối với tội hiếp dâm năm 2016 chỉ có 2 trường hợp vi phạm, chỉ chiếm 0,47%. Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản năm 2016 cũng như 2 năm liền kề trước đó không có trường hợp nào vi phạm, điều này khẳng định rằng loại tội phạm này không diễn biến phức tạp và gia tăng như lý do chúng ta đưa ra cũng như sự quan ngại của nhiều đại biểu.

Đồng thời, phương án này phù hợp với điều kiện quản lý giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại các địa phương. Một thực tế chúng ta rất đáng lo ngại là tại các trại giam, nhà tạm giữ ở nhiều địa phương là đang quá tải, có nơi không có chỗ giam riêng cho người vị thành niên. Trong khi đó, tại các cơ sở giáo dục bắt buộc của Bộ Công an lại không có học viên để chúng ta quản lý giáo dục. Đại biểu dẫn chứng số liệu, tại cơ sở giáo dục bắt buộc ở Thanh Hà, Phú Thọ chỉ có 570 học viên trên quy mô là 1.700 học viên. Tại cơ sở giáo dục bắt buộc A1, đặt tại Phú Yên thì chỉ có 26 học viên trên quy mô là 1300 học viên. Tại cơ sở giáo dục bắt buộc ở Cùng Các, đặt tại Sóc Trăng chỉ có 64 học viên trên quy mô là 1.200 học viên. Đại biểu Nguyễn Thái Học cũng chia sẻ, tại Kỳ họp thứ 2 khi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về vấn đề này, chính đại biểu là người ủng hộ theo Phương án 1 nhưng quá trình tìm hiểu, nghiên cứu sâu về vấn đề này thấy rằng, cần thay đổi ý kiến để ủng hộ Phương án 2.

Bên cạnh đó, cũng có những đại biểu bày tỏ ủng hộ Phương án 1, theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc- tỉnh Bình Thuận, pháp luật thì phải nghiêm và chính việc xử lý nghiêm mới có tác dụng giáo dục, cải tạo người phạm tội và đảm bảo tính phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm một cách hiệu quả và chắc chắn hơn, hạn chế tình trạng tái phạm sau khi thi hành án. Thực tế thời gian qua, liên quan tới các tội danh này việc áp dụng các biện pháp giáo dục hòa giải tại cộng đồng là không hiệu quả. Nhiều trường hợp sau khi được áp dụng các biện pháp giáo dục tại cộng đồng lại tiếp tục tái phạm, thậm chí lần sau vi phạm thì mức độ, tính chất càng tinh vi và nguy hiểm rất nhiều, cử tri rất bức xúc về vấn đề này. Như vậy, đây không phải là phương án tốt để giáo dục các cháu trở thành người có ích cho xã hội.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc -  tỉnh Bình Thuận  phát biểu tại phiên họp

Đồng tình với đại biểu Nguyễn Thị Phúc về trách nhiệm hình sự đối với người đủ tuổi 14 đến dưới 16, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương- tỉnh Quảng Bình nêu các lý do: Một là Quốc hội khóa XIII đã thảo luận và thông qua, trong đó có lấy ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành chiếm tỷ lệ 67%. Hai là, tội phạm đang ngày càng trẻ hóa với những hành động vi phạm phức tạp, tàn bạo, phi nhân tính, đặc biệt gần đây tệ nạn hiếp dâm, bắt cóc tống tiền, cố ý gây thương tích cho người khác gia tăng một cách nghiêm trọng, gây bức xúc, bất an cho xã hội cần được xử nghiêm để cảnh báo, để răn đe, để hướng tới xây dựng một xã hội bình yên. Ba là, tuổi từ đủ 14 đến 16 phạm tội là cá biệt nhưng lại gây bất an cho số đông, luôn tạo cho mọi người cảm giác lo âu, sợ hãi, vì thế luật phải bảo vệ cho số đông. Bốn là, có nhiều quan điểm cho rằng, thu hẹp trách nhiệm hình sự của tuổi đủ 14-16 là phù hợp với nguyên tắc những gì lợi ích tốt đẹp nhất của trẻ em phải là mối quan tâm hàng đầu. Đại biểu cho rằng điều này đúng nhưng không phù hợp trong trường hợp này vì lợi ích tốt nhất của trẻ em được quan tâm hàng đầu trong trường hợp này chính là phải xây dựng một môi trường lành mạnh, một xã hội an toàn bình yên cho số đông trẻ em, chứ không phải là số ít tội phạm.

Phân tích ở khía cạnh khác, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Chính- TP.Hà Nội cho rằng 2 phương án liên quan đến việc xác định phạm vi trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi mà dự thảo đã đưa ra đều có điểm chưa hợp lý. Cụ thể, phương án 1 chưa phù hợp với nguyên tắc xử lý và chính sách hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội. Phương án này đã mở rộng phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự cả về những tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng. Phương án 2 phù hợp với chính sách hình sự của nhà nước ta đã thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi và phù hợp với tình hình đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, phương án này cũng chưa lý giải được tại sao chọn tội này mà không chọn tội khác, trong khi đó có những tội phạm có tính chất mức độ nguy hiểm cao hơn, ví dụ người đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản, Điều 113 nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhưng không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân. Mặt khác, việc không quy định người từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các tội xâm phạm về an ninh quốc gia sẽ dễ bị người khác lợi dụng lứa tuổi này thực hiện tội phạm, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Điều 12 về chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên ở độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi là một vấn đề rất lớn, rất quan trọng nên ý kiến đại biểu Quốc hội hiện nay vẫn tập trung vào hai phương án, với những lập luận lý lẽ từ phía nào cũng có những lý lẽ hợp lý, thuyết phục. Vì vậy, Đoàn Chủ tịch có hội ý sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội và đề nghị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào phương án đó, phương án nào có đa số ý kiến đại biểu lựa chọn thì sẽ quyết định chọn phương án đó. 

Bảo Yến