Cần quy định rõ quy trình và trách nhiệm trong thẩm định công nghệ

22/11/2016

Chiều 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Cho ý kiến về việc thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, các đại biểu Quốc hội cho rằng quản lý nhà nước đối với việc kiểm soát công nghệ chuyển giao thời gian qua còn yếu, nhiều chủ trương đầu tư chưa phù hợp về công nghệ. Vì vậy, việc thẩm định công nghệ đối với các dự án là cần thiết, đặc biệt là các dự án quan trọng, tác động lớn đến kinh tế - xã hội, môi trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn phát biểu tại Hội trường                                 Ảnh: Đình Nam

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phương Tuấn- Ninh Bình cho biết, hiện nay hoạt động chuyển giao công nghệ ở nước ta chưa thực sự phát triển, hoạt động chủ yếu là nhập công nghệ qua mua bán các trang thiết bị máy móc của các dự án đầu tư do doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nước ngoài triển khai thực hiện ở Việt Nam. Thực tiễn đã chứng minh qua việc nhập công nghệ lạc hậu trong các lĩnh vực sản xuất như xi măng, mía đường, nhiệt điện chạy than, sản xuất thép, sản xuất giấy, tình trạng này không những làm cho năng suất lao động của nước ta thấp kém mà còn gây ra ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Vấn đề quan trọng đặt ra lúc này là ngăn chặn không để nước ta thành nơi tiêu thụ, trở thành bãi rác công nghệ cũ, lạc hậu của nước ngoài. Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn đánh giá cao Ban soạn thảo khi đưa vào dự án luật một điều mới đó là Điều 12 liên quan đến vấn đề này và khẳng định đây là điểm mới quan trọng của dự án Luật này.

Cho biết, thời gian qua, một số dự án đầu tư đã được thẩm định công nghệ tuy nhiên, chất lượng thẩm định không cao, thành viên hội đồng không đánh giá được mức độ hiện đại của công nghệ, dẫn đến nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân hoặc nhiều dự án hoạt động không hiệu quả gây lãng phí, đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí - Tiền Giang đề nghị cần quy định thẩm định công nghệ cho tất cả các dự án, bổ sung quy định cụ thể, trách nhiệm thẩm quyền của các cơ quan kiểm số công nghệ, đặc biệt trách nhiệm của các cơ quan thẩm định công nghệ khi có sự cố hậu quả xảy ra; bổ sung một khoản quy định về thành phần, tiêu chuẩn của thành viên hội đồng thẩm định.

Đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí: cần quy định thẩm định công nghệ cho tất cả các dự án

Khắc phục tình trạng nhiều công nghệ lạc hậu, công nghệ vận hành không đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc gia qua các dự án đầu tư vẫn được được đưa vào Việt Nam một phần do các quy định của Luật chuyển giao khoa học, công nghệ năm 2006 chưa chặt chẽ và đủ mạnh, dự thảo luật sửa đổi đã có một số quy định tiến bộ về thẩm định công nghệ, hạn chế chuyển giao và công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Phương- TP.Cần Thơ cho rằng luật chưa quy định rõ quy trình thẩm định như tổ chức hội đồng thẩm định, trách nhiệm của hội đồng thẩm định, thực hiện khảo sát công nghệ, thời gian thực hiện công nghệ. Đại biểu Nguyễn Thanh Phương nhấn mạnh đây là quy định rất quan trọng cần được bổ sung để làm cơ sở pháp lý cho hoạt động thẩm định đạt kết quả tốt. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề xuất cần quy định trong luật về thời gian giám sát vận hành công nghệ, nhất là dự án công nghệ có khả năng gây tác động môi trường.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy: Cần quy định chặt chẽ về thẩm định công nghệ

Cùng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy- Bến Tre kiến nghị cần quy định chặt chẽ về thẩm định công nghệ, quy định rõ ràng thành phần của tổ chức, cá nhân tham gia thẩm định công nghệ, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, cần quy định số lượng, thành phần, trình độ và tỷ lệ chuyên gia trong thành phần Hội đồng thẩm định công nghệ. Quy định trách nhiệm của hội đồng và từng thành viên Hội đồng và kết quả thẩm định. Quy định trách nhiệm liên đới của Hội đồng, giữa các Hội đồng thẩm định, cơ quan thẩm định với hậu quả sau này, kể cả chịu trách nhiệm hình sự do thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, cần có một chương riêng quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Hội đồng chuyển giao công nghệ cuối cùng là đánh giá tác động.

Trong khi đó, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình- TP.Hà Nội đề nghị cần làm rõ năng lực đánh giá thẩm định công nghệ của các cơ quan, tổ chức chuyên môn có thẩm quyền và chuyên nghiệp, năng lực đánh giá thẩm định của các loại công nghệ du nhập vào nước ta từ nhiều nguồn, chủ yếu là từ các dự án FDI và doanh nghiệp tự mua có vai trò vô cùng quan trọng. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình lý giải, thực tế 10 năm qua cho thấy vì kém về năng lực nên chúng ta đã để lọt nhiều công nghệ lạc hậu vào nước ta gây hậu quả nghiêm trọng về ô nhiễm môi trường, an ninh xã hội như các dự án sản xuất thép, bôxít, xi măng, nhiệt điện v.v... Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, dự thảo luật sửa đổi đề cập đến nội dung thẩm định công nghệ nhưng chưa đủ mạnh, thiếu bộ tiêu chuẩn đánh giá công nghệ, thiếu bộ tiêu chuẩn về năng lực của các tổ chức đánh giá thẩm định công nghệ và còn thiếu cơ chế kiểm tra chéo để đảm bảo không có khe hở cho những đối tượng vì ham lợi vẫn cố tình lách luật. Do đó, cần bổ sung bộ tiêu chuẩn về công nghệ làm cơ sở để việc đánh giá, thẩm định và đảm bảo cho việc chuyển giao công nghệ một cách lâu dài không bị lỗi thời.

Bảo Yến