Thận trọng cân nhắc đối tượng áp dụng và thời điểm bắt đầu thí điểm cấp thị thực điện tử cho công dân nước ngoài

18/11/2016

Sáng 18/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Trước đó, dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ vào ngày 9/11 vừa qua. Theo dự thảo Nghị quyết, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.

Thảo luận tại hội trường về các nội dung của dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết và quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Nghị quyết như Tờ trình của Chính phủ; cho rằng việc ban hành Nghị quyết là chủ trương đúng đắn, phù hợp với với đường lối, chính sách của Đảng về hội nhập quốc tế và Hiến pháp 2013, góp phần tạo cơ hội phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.

Đề nghị thu hẹp đối tượng áp dụng trong quá trình thí điểm

Tuy nhiên, về đối tượng áp dụng của dự thảo Nghị quyết, nhiều đại biểu cho rằng, việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm là tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng. Theo các đại biểu, quy định như vậy có thể sẽ tạo ra sơ hở để những đối tượng xấu vào Việt Nam, gây khó khăn trong kiểm soát, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Do vậy, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết cần phải thu hẹp lại.

Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Thái- tỉnh Kiên Giang cho rằng, nếu áp dụng thí điểm cấp thị thực điện tử rộng rãi cho tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam sẽ gây ra nhiều khó khăn trong quá trình áp dụng cũng như quản lý, thậm chí có thể gây ra lỗ hổng về an ninh quốc phòng vì nước ta hiện nay chưa có đủ kinh nghiệm, điều kiện cơ sở thiết bị cần thiết, cũng như nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ tinh nhuệ chuyên trách để sẵn sàng phục vụ cho công việc này. Do vậy, để đảm bảo khả thi trong quá trình triển khai, đại biểu đề nghị cần phải thu hẹp lại đối tượng áp dụng của dư thảo Nghị quyết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại Hội trường                                                                                    Ảnh: Đình Nam

Cũng cho rằng việc hạn chế đối tượng áp dụng trong thời gian thí điểm là cần thiết, đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ- tỉnh An Giang nhấn mạnh, bản chất của việc cấp thị thực là đưa ra điều kiện để kiểm soát, hạn chế công dân nước ngoài vào nước ta. Như vậy, nếu áp dụng cấp thị thực điện tử rộng rãi cho tất cả người nước ngoài có nhu cầu vào Việt Nam có thể dẫn đến tình trạng mất kiểm soát về số lượng người nước ngoài cư trú trái phép tại Việt Nam, khó khăn trong việc xác minh thông tin, dữ liệu khai báo đối với những đối tượng ngụy trang mục đích nhập cảnh và hình thành những tụ điểm của tội phạm như thực trạng đã xảy ra ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Các đại biểu cũng chỉ ra, nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Campuchia, Hàn Quốc… cũng chỉ mới áp dụng cấp thị thực điện tử với một số đối tượng nhất định như khách du lịch, các nhà khoa học, nhân tài đến làm việc… mà thôi. Theo các đại biểu, trước mắt chỉ nên áp dụng với đối tượng là khách du lịch, khách vào Việt Nam để khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, hoặc người nước ngoài ở quốc gia đã đăng ký các công ước về ngoại giao liên quan đến vấn đề này trên cơ sở có đi có lại.

Cân nhắc lại thời điểm có hiệu lực thi hành

Liên quan đến quy định về thời điểm có hiệu lực thi hành Nghị quyết là từ ngày 1/1/2017 cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu Quốc hội. Để đảm bảo chặt chẽ, thận trọng trong quá trình triển khai, các đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc lại thời điểm có hiệu lực thi hành Nghị quyết quy định tại Điều 7. Các đại biểu cho rằng, việc cấp thị thực điện tử là vấn đề hệ trọng, liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh của đất nước. Hơn nữa, trong điều kiện đất nước ta còn yếu về cơ sở trang thiết bị và nguồn nhân lực thì càng phải có sự chuẩn bị thận trọng trước khi triển khai.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội trường

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành- tỉnh Lạng Sơn cho biết,  thời gian dự kiến từ khi Quốc hội bấm nút thông qua đến ngày ngày 1/1/2017- ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành là quá ngắn, chưa đủ 45 ngày theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Theo đại biểu, đây là vấn đề hệ trọng liên quan trực tiếp đến quốc phòng an ninh của quốc gia nên không thể triển khai vội vàng như vậy.  

Nhấn mạnh cơ sở hạ tầng để phục vụ công tác này ở nước ta còn chưa sẵn sàng, đại biểu Quốc hội Bùi Đức Hạnh- tỉnh Thừa Thiên Huế nêu rõ, hiện Việt Nam mới chỉ có 31/61 cửa khẩu quốc tế đường bộ và cảng biển có thể kết nối được đường truyền điện tử, còn lại có tới 30 cửa khẩu chưa có kết nối đường truyền. Mặt khác, khi triển khai thí điểm, chúng ta cần chuẩn bị rất nhiều thứ, trong đó có công tác tuyên truyền, tập huấn, chuẩn bị đủ các trang thiết bị, biểu mẫu xây dựng dữ liệu… Trong khi đó, từ nay đến ngày 1/1/2017 thì thời gian chỉ còn có hơn một tháng. Đại biểu cho rằng, như vậy là quá vội để triển khai tất cả những công việc trên.

Đại biểu Quốc hội Bùi Đức Hạnh phát biểu tại Hội trường

Ngoài ra, các đại biểu còn yêu cầu dự thảo Nghị quyết bổ sung quy định giao Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng là những cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa về kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Nghị quyết để đảm bảo thống nhất với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành.

Thu Phương