Thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)

16/09/2014

Các ý kiến nhấn mạnh những nội dung mới về giám sát, phản biện, xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được quy định rõ hơn trong dự án Luật.

Chiều 16/9, tại TP HCM, phiên họp toàn thể lần thứ 17 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiếp tục tổ chức thẩm tra dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.

Các đại biểu đồng tình với việc sửa đổi Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn. Nhiều ý kiến cho rằng, quy định về Ban công tác Mặt trận như dự thảo Luật là phù hợp, bởi vì đây là một tổ chức hoạt động tự quản của nhân dân, là cánh tay nối dài của cấp chính quyền cơ sở để phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân.

 

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu khai mạc buổi làm việc

Để đảm bảo hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngoài đội ngũ cán bộ, còn phải quy định rõ vấn đề kinh phí để tạo cơ sở cho Mặt trận hoạt động thực chất và hiệu quả hơn. Trong việc tham gia xây dựng Nhà nước, đề nghị dự thảo Luật làm rõ từng nhiệm vụ của Mặt trận như: tổ chức hội nghị hiệp thương, lấy ý kiến cử tri và tạo điều kiện cho các ứng cử viên trong vận động bầu cử. Đặc biệt, các ý kiến nhấn mạnh những nội dung mới về giám sát, phản biện, xem đây là nhiệm vụ rất quan trọng, cần được quy định rõ hơn trong dự án Luật.

Ông Trần Đình Long, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề xuất: Nếu như tổ chức giám sát thì phải tổ chức chuyên sâu, nghiên cứu những vấn đề mà người dân phản ánh cũng như những đối tượng thực thi chính sách nào đó, để mà nghiên cứu sâu, xác minh kỹ hơn trên cơ sở phản ánh của nhân dân. Chỉ có cách đó thì hoạt động mới bền vững, liên tục và chắc chắn.

(Theo VOV)