Sửa Bộ luật Dân sự để bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự

21/08/2014

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng trong phần thảo luận và cho ý kiến thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), tại Phiên họp Toàn thể lần thứ 16 do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức ngày 21-8.

Cụ thể, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng trình bày, một trong những yêu cầu của Nhà nước pháp quyền, đặc biệt sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành, là Nhà nước phải có cơ chế pháp lý để công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự.

Tuy nhiên, một số quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này. Nhiều quy định về chủ thể, giao dịch, đại diện, nghĩa vụ và hợp đồng, thừa kế còn thiếu tính khả thi, nguy cơ giao dịch bị tuyên bố vô hiệu hoặc bị hủy bỏ còn cao; chưa thực sự có cơ chế pháp lý hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích của bên thứ ba ngay tình (bên có liên quan tới tranh chấp dân sự của hai bên đương sự, không cố ý xâm phạm quyền dân sự của các bên tham gia tranh chấp), của bên thiện chí, bên yếu thế trong quan hệ dân sự; quyền của người không phải là chủ sở hữu chưa được quy định đúng với vai trò của họ trong nền kinh tế thị trường và trong việc phát huy giá trị hàng hóa của tài sản.

Bộ luật Dân sự chưa thể hiện được đầy đủ vai trò là luật chung của hệ thống luật tư (hiểu nôm na là hệ thống luật điều chỉnh quan hệ giữa các bên chủ thể bình đẳng về địa vị pháp lý, như điều chỉnh về các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại…)

Toàn cảnh Phiên họp Toàn thể lần thứ 16.

Trong mối quan hệ với các luật khác thuộc lĩnh vực dân sự, về nguyên tắc, Bộ luật Dân sự phải là bộ luật nền, có vị trí, vai trò là luật chung, thực hiện được đầy đủ ba chức năng. Ba chức năng đó là quy định những vấn đề cơ bản nhất, chung chất có liên quan đến tất cả các lĩnh vực thuộc đời sống dân sự; định hướng cho việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động mang tính chuyên ngành; khi các luật chuyên ngành không có quy định hoặc có quy định nhưng không rõ ràng thì các quy định của Bộ luật Dân sự được áp dụng để điều chỉnh.

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, Bộ luật Dân sự hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu này, thể hiện ở chỗ nhiều vấn đề cần phải quy định chung thì lại quy định quá cụ thể và ngược lại, đồng thời có nhiều quy định chồng chéo với các luật chuyên ngành.

Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, khi bên cạnh Bộ luật Dân sự đang tồn tại ngày càng nhiều các đạo luật điều chỉnh các lĩnh vực đặc thù, như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Thương mại, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ luật Lao động… thì nhược điểm này lại càng thể hiện rõ.

Kết quả, Bộ luật Dân sự và hệ thống văn bản pháp luật trong hệ thống luật tư chưa thể hiện được đầy đủ các yêu cầu đối với hệ thống pháp luật của Nhà nước pháp quyền. Đó là tính ổn định, tính khái quát, tính hệ thống, tính dự báo, tính minh bạch.

Cấu trúc của Bộ luật Dân sự cũng có điểm chưa hợp lý về tính đồng bộ, tính hệ thống, tính lô-gic giữa các phần và các chế định, tạo ra những quy định không cần thiết; một số quy định không bảo đảm tính rõ ràng nên đã gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

Những hạn chế, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực và hiệu quả của Bộ luật Dân sự nói riêng, pháp luật dân sự nói chung, chưa thực sự tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như cho việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm các quyền dân sự của người dân.

Từ những phân tích về hạn chế, bất cập của Bộ luật Dân sự hiện hành nêu trên, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật Dân sự là cần thiết, đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn cuộc sống và phù hợp với những nội dung mới, thay đổi trong Hiến pháp năm 2013.

(Theo Quân đội Nhân dân)