Buổi sáng, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật; biểu quyết thông qua luật này và thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi).
Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Tiếp công dân, biểu quyết thông qua Luật Tiếp công dân và thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Tránh sự chồng chéo, trùng lặp giữa các luật Đầu phiên làm việc buổi sáng, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTV), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH, CN và MT) Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật (BV và KDTV).
Theo đó, ngày 29-10-2013, QH đã thảo luận tại Hội trường về dự án luật này và đã có 21 ý kiến đại biểu QH phát biểu, một ý kiến góp ý bằng văn bản gửi đến Đoàn thư ký kỳ họp. Nhìn chung, các đại biểu QH đánh giá cao việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BV và KDTV của UBTVQH, về cơ bản thống nhất với các quy định trong dự thảo Luật trình QH lần này. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến góp ý đề nghị làm rõ hoặc quy định cụ thể hơn nội dung một số điều, khoản trong dự thảo Luật. Sau phiên họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH, CN và MT, Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến góp ý của các đại biểu QH và chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện, dự thảo Luật trình QH xem xét, thông qua gồm năm chương, 77 điều.
Với 87,15% tổng số đại biểu QH tán thành, QH đã thông qua Luật BV và KDTV.
Thảo luận về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), các đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) và một số đại biểu khác cho rằng, hoạt động đầu tư xây dựng có tính chất phức tạp, đa dạng. Hơn nữa, từ năm 2003 đến nay, QH đã ban hành hoặc sửa đổi nhiều văn bản pháp luật liên quan hoạt động xây dựng và cũng có những quy định như trong dự thảo luật này. Thí dụ như, dự thảo Luật sửa đổi đưa vào phần quy hoạch đến 27 điều, rất dài và nhiều nội dung trùng với Luật Quy hoạch đô thị đã có. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan rà soát, chỉnh sửa dự thảo Luật để bảo đảm sự thống nhất với một số dự án luật, luật khác và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, tránh trùng lặp, chồng chéo nhau và dẫn đến việc khó khăn khi triển khai luật trong thực tế xây dựng. Đại biểu Trần Hồng Thắm (Cần Thơ) và một số đại biểu khác thống nhất phạm vi điều chỉnh của luật theo Tờ trình của Chính phủ là Luật Xây dựng điều chỉnh các hoạt động đầu tư xây dựng từ khâu quy hoạch xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cho đến khảo sát thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì công trình xây dựng, áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi nguồn vốn, tức là điều chỉnh quá trình bỏ vốn đầu tư để tạo lập ra sản phẩm là các công trình xây dựng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường Đầu giờ làm việc buổi chiều, các đại biểu QH nghe Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH về dự thảo Luật Tiếp công dân. Báo cáo cho biết: Ngày 28-10-2013, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tiếp công dân. Về cơ bản, các vị đại biểu QH tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật, đồng thời cũng đóng góp nhiều ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật. Trên cơ sở ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật. Sau khi chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật còn chín chương, 36 điều. Sau đó QH đã biểu quyết với 84,14% tổng số đại biểu tán thành thông qua Luật Tiếp công dân.
Tiếp đó, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Các đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) và một số đại biểu cho rằng, phần quy định về quản lý nhà nước về môi trường (Chương 13) trong dự thảo Luật còn chung chung, trong khi đó luật này liên quan đến nhiều luật và các bộ, ngành, địa phương, do vậy, dự thảo Luật cần phải xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, nhất là quy định nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý riêng cho từng bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý, đánh giá, bảo vệ môi trường... Trong đó cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu từ T.Ư đến địa phương bảo đảm tính nhất quán trong công tác quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường.
Một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã lách luật, hoặc do quy định của luật chưa đủ mạnh, nên đã vi phạm nhiều lần, gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Do vậy, dự thảo Luật cũng cần quy định rõ quy chế xử phạt đủ mạnh, theo hướng tăng tiền phạt nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ môi trường. Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) nêu ý kiến, những quy định về xã hội hóa trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và vấn đề xã hội hóa trong công tác bảo vệ môi trường cần được quy định trong Luật. Cần đề cập rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong việc tạo điều kiện để người dân tham gia bảo vệ môi trường.
Cũng trong phiên thảo luận, một số đại biểu góp ý bổ sung vào dự thảo Luật các nội dung, điều khoản về nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về công tác bảo vệ môi trường...