Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Pháp
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Thúc đẩy chủ nghĩa đa phương vì một tương lai hoà bình, thịnh vượng và bền vững
Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Ảnh:Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn sự đón tiếp trọng thị và nồng ấm của Chủ tịch Thượng viện dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam, bày tỏ vui mừng trước việc Việt Nam và Pháp đã quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, thể hiện quyết tâm chính trị của Lãnh đạo và đáp ứng mong đợi của người dân hai nước.
Hai bên bày tỏ vui mừng về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội hai nước, cũng như phát triển tích cực của quan hệ hai nước trong thời gian qua dù tình hình thế giới có nhiều biến động, đặc biệt chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Gerard Larcher (12/2023) đánh dấu mốc quan trọng, minh chứng cho hợp tác tốt đẹp giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Chủ tịch Thượng viện vui mừng chia sẻ các Thượng nghị sĩ Pháp đều có tình cảm đặc biệt và lâu bền với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Pháp phát triển sâu rộng hơn nữa.
Chủ tịch Thượng viện nhất trí với các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước về thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan lập pháp hai nước, nhất là tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới như IPU, ASEP, APF…, góp phần đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher. Ảnh:Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao vai trò tích cực của Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Pháp - Việt tại Thượng viện và nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Pháp, là cầu nối đưa hai cơ quan lập pháp và nhân dân hai nước xích lại gần nhau hơn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vui mừng thông báo đoạn trên cao Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã được đưa vào khai thác thương mại. Nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Nghị viện Pháp sớm phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), ủng hộ Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" đối với thủy sản Việt Nam.
Về phần mình, Chủ tịch Thượng viện Pháp khẳng định Hiệp định EVFTA và EVIPA là động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại giữa hai bên; đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong chuyển đổi nghề cá bền vững.
Hai bên đánh giá nông nghiệp và biến đổi khí hậu là lĩnh vực đan xen, bổ sung cho nhau, còn nhiều dư địa để tăng cường hợp tác, đặc biệt Pháp là đối tác JETP của Việt Nam.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher cùng các đại biểu chụp ảnh chung. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Pháp hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thể chế, chính sách trong quá trình chuyển đổi năng lượng và thực hiện cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam.
Hợp tác giữa các địa phương là lĩnh vực tiêu biểu và cũng là nét đặc trưng trong quan hệ giữa Việt Nam và Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao sự quan tâm cũng như những đóng góp của Thượng viện Pháp vào việc kết nối các địa phương hai nước trong việc tổ chức thành công sự kiện Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12 tại Hà Nội (4/2023), sự kiện có quy mô lớn nhất trong quan hệ Việt Nam - Pháp kể từ sau đại dịch Covid-19.
Về cộng đồng 300.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định là một nhịp cầu nối cho quan hệ hai nước; đề nghị Pháp tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công và đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội và sự đa dạng văn hóa của Pháp.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đánh giá cao kết quả tích cực của các hội thảo, báo cáo của Thượng viện Pháp về tình hình châu Á - Thái Bình Dương và Biển Đông. Hai bên nhấn mạnh việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).