BẢO ĐẢM PHỐI HỢP CHẶT CHẼ, HIỆU QUẢ GIỮA TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI VỚI THƯỜNG TRỰC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI, TRƯỞNG CƠ QUAN THUỘC UBTVQH

26/06/2023

Ngày 15/6 vừa qua, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ký Quy chế số 2527/QCPH-TTKQH về việc phối hợp công tác, nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất, kịp thời, giúp cho các cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ DỰ LỄ KÝ QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI VỚI THƯỜNG TRỰC CÁC CƠ QUAN CỦA QUỐC HỘI

Trong thời gian qua, công tác phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không ngừng được quan tâm, củng cố và tăng cường, góp phần quan trọng trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Nhằm thể chế hóa quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan, tiếp tục đẩy mạnh, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất, kịp thời và nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, dự thảo Quy chế phối hợp công tác.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng Thường trực các cơ quan của Quốc hội, Trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký Quy chế phối hợp

Quá trình xây dựng Quy chế được thực hiện đúng quy định, phù hợp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, bảo đảm thận trọng, công phu và đạt được sự thống nhất cao với nhiều lần trao đổi xin ý kiến. Quy chế phối hợp đã hoàn thiện gồm 03 Chương, 21 Điều với những nội dung hết sức cụ thể, quy định rõ phạm vi, đối tượng, mục đích, nguyên tắc, phương pháp phối hợp cũng như nội dung, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan và về tổ chức thực hiện, hiệu lực thi hành.

Cụ thể, về phạm vi áp dụng, Quy chế này quy định mục đích, nguyên tắc, phương thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp công tác giữa Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Thường trực cơ quan của Quốc hội, Trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về đối tượng áp dụng, Quy chế này áp dụng đối với Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực cơ quan của Quốc hội, Trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về mục đích phối hợp, Quy chế nêu rõ, mục đích đề ra là bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thống nhất, kịp thời giữa Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với Thường trực cơ quan của Quốc hội, Trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực cơ quan của Quốc hội, Trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy chế cũng hướng tới nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp, giúp cho mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm giữa các bên để bảo đảm giải quyết công việc tích cực, chủ động, hiệu quả.

Việc phối hợp giữa các cơ quan được thực hiện dựa trên nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội. Việc phối hợp phải đúng chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức và hoạt động phù hợp với quy chế hoạt động của từng cơ quan và theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo, tránh bỏ sót công việc trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, bảo đảm hoạt động phối hợp được triển khai thực hiện thống nhất, thường xuyên, kịp thời và hiệu quả; không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của mỗi cơ quan; bảo đảm chế độ bảo mật thông tin theo quy định. Chủ động phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai công việc để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ chung.

Cơ quan chủ trì thực hiện công việc cần nêu rõ nội dung phối hợp hoặc lấy ý kiến gửi đến cơ quan phối hợp trực tiếp bằng văn bản hoặc thông qua hệ thống điện tử nội bộ của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội (đối với các văn bản gấp thì văn bản gửi lấy ý kiến phải gửi trước ít nhất 01 ngày làm việc). Cơ quan phối hợp khi nhận được đề nghị cần tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ phối hợp hoặc tham gia ý kiến theo chức năng của mình.

Trường hợp cơ quan nhận được văn bản lấy ý kiến mà không tham gia ý kiến theo thời gian lấy ý kiến thì coi như đồng ý với nội dung lấy ý kiến và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp có thẩm quyền về nội dung được gửi lấy ý kiến đối với các nội dung chuyên môn thuộc cơ quan mình phụ trách. Trường hợp cơ quan được lấy ý kiến cần có thêm thời gian nghiên cứu thì đề nghị cơ quan chủ trì lấy ý kiến (bằng văn bản hoặc trao đổi trực tiếp) gia hạn thời gian lấy ý kiến không quá 03 ngày làm việc.

Quy chế phối hợp là một trong những bước để cụ thể hóa đổi mới hoạt động của Quốc hội theo đúng chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội

Quy chế cũng quy định rõ, trách nhiệm, nội dung phối hợp giữa Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Thường trực cơ quan của Quốc hội, Trưởng cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật; hoạt động giám sát; chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hoạt động đối ngoại; hoạt động hợp tác quốc tế; xây dựng, thực hiện chương trình Kỳ họp Quốc hội; xây dựng, triển khai chương trình công tác năm, quý và các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…

Việc Tổng Thư ký Quốc hội cùng các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ký, ban hành Quy chế phối hợp là một trong những bước để cụ thể hóa đổi mới hoạt động của Quốc hội theo đúng chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội đã được nêu tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm rất lớn, tạo “tiếng nói chung” trong việc thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao trước Quốc hội, Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quy chế phối hợp công tác mang ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đặt ra cơ sở pháp lý và nguyên tắc cơ bản cho sự hợp tác mà còn khẳng định cam kết chung của Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng tới mục tiêu đó là tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội nói chung và mỗi cơ quan nói riêng.

Minh Hùng