TS.NGUYỄN MINH TÂN: CHI BỘ TÀI CHÍNH-NGÂN SÁCH THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VÀO THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ

26/09/2022

Theo TS.Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách, tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong quản lý tài chính là vô cùng rộng lớn, sâu sắc. Thấm nhuần tư tưởng của Người, trong những năm qua, Chi bộ Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Đại hội Chi bộ Tài chính-Ngân sách

Chi bộ Tài chính- Ngân sách trực thuộc Ủy ban Tài chính-Ngân sách  của Quốc hội tổ chức Đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự Đại hội.

Đề Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được áp dụng trong quản lý tài chính, ngân sách, TS.Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách khẳng định: Tấm gương, đạo đức và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là chủ đề thôi thúc nguồn cảm hứng của nhiều người. Thông qua các bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn lưu giữ được, trong mỗi chúng ta đều có thể cảm nhận được sự quan tâm sâu sắc của Người đối với sự phát triển của dân tộc và đất nước. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên đều có thể tìm thấy trong tư tưởng của Bác những điều chỉ dẫn cần thiết về lĩnh vực mà chúng ta cần quan tâm.

Đối với lĩnh vực tài chính, chúng ta có thể tìm thấy trong tư tưởng của Bác những vấn đề rất cơ bản và cốt yếu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy, những bài phát biểu và nói chuyện của Người đều không cầu kỳ, không phức tạp, mà thay vào đó Người chỉ ra một cách đơn giản, trực diện bản chất của vấn đề và mọi vấn đề đều rất rõ ràng, cụ thể, đến nay vẫn còn nguyên giá trị thời sự, khẳng định tính đúng đắn thực tiễn cuộc sống.


Đại hội Chi bộ Tài chính - Ngân sách nhiệm kỳ 2022-2025.

Qua việc nghiên cứu, thu thập, sưu tầm tài liệu về tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác tài chính, TS.Nguyễn Minh Tân nhận thấy, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ta phát động theo Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị được triển khai rộng khắp đã và đang góp phần tích cực vào việc hoạch định và thực thi chính sách phát triển kinh tế-xã hội, cũng như công tác xây dựng đảng, có ý nghĩa rất quan trọng.

Sau Cách mạng tháng 8/1945, trong bối cảnh nền kinh tế bị kiệt quệ do chính sách bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp, ngân khố quốc gia trống rỗng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy sức mạnh to lớn của Nhân dân trong việc giải quyết khó khăn về kinh tế - tài chính. Người chủ trương phát động “Tuần lễ Vàng”, lập “Quỹ độc lập” để thu gom số vàng trong Nhân dân và nhất là của các nhà giầu để đóng góp cho ngân khố quốc gia. Người động viên lòng yêu nước, kêu gọi mọi người “sẻ cơm, nhường áo” giúp đỡ lẫn nhau, thi đua tăng gia sản xuất. Nhờ đó, những khó khăn về kinh tế-tài chính trong buổi ban đầu đã dần được khắc phục.

TS.Nguyễn Minh Tân khẳng định: Trong suốt 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy rất rõ nguồn lực tài chính phục vụ sự nghiệp cách mạng, trước hết và chủ yếu là phải tăng gia sản xuất, gắn liền với thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn yêu cầu công tác tài chính phải hướng vào mục tiêu sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiểm tra, giám sát sử dụng thời gian, tiền bạc một cách chặt chẽ, nghiêm ngặt; quản lý kinh tế-tài chính phải công khai, minh bạch, dân chủ. Người coi đó là những kế sách để phát triển tài chính bền vững, lâu dài.

Tài chính có vai trò quan trọng để đảm bảo cơ sở vật chất cho việc giành và giữ chính quyền, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Công tác kinh tế, tài chính, cùng công tác sản xuất và tiết kiệm có quan hệ khăng khít với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, cho nên cần phải ăn khớp với nhau.” Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi sản xuất là khâu quyết định, làm cơ sở cho tài chính phát triển bền vững; Tăng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm. Người nói: “Kế hoạch sản xuất và tiết kiệm đầy đủ sẽ giúp cho tài chính, mậu dịch và ngân hàng phát triển”. Đó cũng chính là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác tài chính và thực hành tiết kiệm.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Trong thư gửi Hội nghị cán bộ Tài chính ngày 20/2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, một quốc gia muốn trở nên giầu có thì phải tăng thu, giảm chi; tăng chi, giảm thu là nghèo; tăng thu, giảm chi là giầu. Muốn vậy, từng ngành, từng cấp, từng đơn vị kinh doanh phải có kế hoạch cụ thể về chi. Có thu về bao nhiêu, nhưng quản lý chi không tốt sẽ dẫn đến thất thoát, lãng phí, công việc sẽ bị ách tắc… Như vậy, quan niệm của Bác về tiết kiệm là vô cùng sâu sắc, rộng lớn. Từ góc độ văn hóa, Bác coi tiết kiệm là một trong những nội dung thuộc phẩm chất đạo đức của người cách mạng. Cũng như “cần”, “kiệm”, “liêm”, “chính” - thiếu một đức tính sẽ không thành người cách mạng. Theo quan điểm của Bác, tiết kiệm không chỉ là tiết kiệm vật tư, tiền bạc trong sản xuất, trong tiêu dùng, mà cả tiết kiệm công sức, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm lời nói. Theo Bác: “Của cải nếu hết còn có thể làm thêm. Khi thời giờ đã qua rồi, không bao giờ kéo lại được. Không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ của người khác”; phải nhận thức được rằng “thời gian là tiền bạc”, ai đưa thời gian vứt đi là người khờ dại.


TS.Nguyễn Minh Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính – Ngân sách.

Bác Hồ cũng chỉ rõ, tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi. “Tiết kiệm không phải là sự bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc ích lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc thì tốn bao nhiêu công, tốn bao nhiêu của, cũng vui lòng”. Như thế, mới đúng là tiết kiệm. Bác cũng từng nói: “Sản xuất mà không tiết kiệm, khác nào gió vào nhà trống”. Tiết kiệm tốt sẽ dẫn đến kinh tế tiến bộ, tài chính phát triển, giá cả ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện. Song, tiết kiệm khác với bủn xỉn, hà tiện và keo kiệt.

Tiết kiệm còn là tiêu chuẩn đạo đức của người cách mạng: Trong bài “Cần, Kiệm, Liêm, Chính” năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Thiếu một mùa, thì không thành Trời. Thiếu một phương, thì không thành Đất. Thiếu một đức, thì không thành Người”. Như vậy, hiểu về “Kiệm” theo tư tưởng của Bác, chính là tiết kiệm, không xa hoa, không lãng phí, ngay cả khi đó là tiền của mình; người cách mạng phải là người lao động biết tiết kiệm và luôn có ý thức tiết kiệm.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ chống tham ô, lãng phí là một biện pháp quan trọng để thực hành tiết kiệm. Bác rất phê phán những người lên mặt làm quan cách mạng, lấy của công làm của riêng, như thế là mất cán bộ của Đảng và Nhà nước, làm hỏng bộ máy chính quyền, làm mất uy tín của Đảng, làm sa sút nền kinh tế và làm tổn hại đến đời sống nhân dân. Do đó, đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí là vấn đề rất quan trọng đối với sự tồn vong của đất nước, góp phần thực hiện chính sách tiết kiệm của Đảng và Nhà nước.

Chi bộ Tài chính-Ngân sách có nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, TS.Nguyễn Minh Tân cho biết, trong những năm qua, Chi bộ Tài chính-Ngân sách đã có nhiều chuyển biến rõ nét trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Mặc dù khối lượng công việc ngày càng tăng lên, với yêu cầu chất lượng ngày càng cao, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên đều nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nhưng với tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí ngay trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, như: tiết kiệm thời gian, tiết kiệm văn phòng phẩm, giấy tờ, trang thiết bị làm việc, máy tính, điện thoại, điện, nước; gửi thông tin tài liệu báo cáo qua mạng Internet là chủ yếu, vẫn đáp ứng yêu cầu công việc được giao.

Theo TS.Nguyễn Minh Tân, công tác giám sát cũng được chú trọng trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, chống lãng phí. Năm 2022, nhiều đảng viên Chi bộ Tài chính-Ngân sách đã tham gia Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết để hoàn thiện chính sách, pháp luật về lĩnh vực này. Nhiều kiến nghị sửa đổi pháp luật như: Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2013, Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2019, Luật Đấu thầu năm 2013, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai năm 2013… đã được nêu ra và kiến nghị hoàn thiện.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu trong quản lý tài chính là vô cùng rộng lớn, sâu sắc, bao gồm tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng, tiết kiệm vật tư, tiền bạc, tiết kiệm thời gian, sức lao động… Bản thân Người cũng là một tấm gương sáng về sự giản dị, khiêm tốn và tiết kiệm. Các quan điểm, tư tưởng của Người về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn luôn luôn là bài học rất bổ ích cho mỗi chúng ta./.

Bích Lan