Triển khai hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, tăng cường phối hợp giữa cơ quan giúp việc của Quốc hội với Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, thành phố
Hội thảo trao đổi kinh nghiệm lần thứ XI giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào
Tổ chức thông tin, tuyên truyền với nhiều phương thức đa dạng, phong phú
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung cho biết, Văn phòng Quốc hội thực hiện chức năng, nhiệm vụ tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội xuất phát từ nguyên tắc quyền lực nhà nước đã được ghi nhận trong Hiến pháp. Do đó, mục đích của việc Văn phòng Quốc hội tổ chức hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội ngoài ý nghĩa giúp cử tri, Nhân dân hiểu rõ hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, còn mang ý nghĩa giúp cử tri theo dõi, giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, góp phần tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ, sự tham gia ý kiến cũng như ý thức tự giác thực hiện các quyết sách của Quốc hội, nâng cao vị thế và hình ảnh của Quốc hội trong hệ thống chính trị Việt Nam.
Trải qua chặng đường 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội Việt Nam đã và đang ngày càng hoạt động thực chất, hiệu quả hơn. Hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cử tri và Nhân dân cả nước. Để Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả, Văn phòng Quốc hội Việt Nam – cơ quan tham mưu, giúp việc của Quốc hội đã không ngừng cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền với nhiều phương thức đa dạng, phong phú. Gần đây, Nghị quyết số 22/2022/UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định rất rõ các đơn vị thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội, tham mưu giúp Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện hiệu quả nhiệm vụ Người phát ngôn, góp phần vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng đoàn Quốc hội khóa XV thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo Vụ trưởng Hoàng Thị Lan Nhung, các đơn vị thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội gồm có Vụ Thông tin, Truyền hình Quốc hội Việt Nam và Báo Đại biểu Nhân dân. Trong đó, Vụ Thông tin có chức năng tham mưu, giúp Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội tổ chức công tác thông tin công chúng về hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; quản lý và triển khai công tác thông tin, báo chí tuyên truyền, phát thanh, truyền hình, xuất bản, giáo dục, thiết kế các ấn phẩm, nghiên cứu lịch sử, bảo tàng về Quốc hội. Truyền hình Quốc hội Việt Nam có tôn chỉ mục đích thông tin, tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thông tin nhanh chóng, kịp thời, toàn diện hoạt động của Quốc hội trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; thông tin hoạt động bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp,… Hiện nay, Truyền hình Quốc hội Việt Nam là 01 trong 07 kênh thiết yếu quốc gia chuyên phục vụ nhiệm vụ chính trị. Bên cạnh đó, Báo Đại biểu Nhân dân là tiếng nói của Quốc hội, diễn đàn của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri cả nước với nhiều chuyên mục, chuyên trang thông tin các sự kiện quan trọng gắn với chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; tổ chức tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội đối với những nội dung Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.
Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Lan Nhung
Hoạt động thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội
Về công tác tổ chức hoạt động thông tin, tuyên truyền, Vụ trưởng Vụ Thông tin cho biết, Kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động chủ yếu của Quốc hội. Để chuyển tải chương trình nghị sự kỳ họp tới cử tri và Nhân dân có vai trò quan trọng của các cơ quan thông tấn, báo chí. Báo chí là cầu nối quan trọng, chuyển tải kịp thời hơi thở của cuộc sống tới diễn đàn Quốc hội. Do đó, Lãnh đạo Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, công tác báo chí tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới rõ rệt, từng bước đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của cử tri và nhân dân cả nước.
Văn phòng Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý báo chí Trung ương, các cơ quan thông tấn, báo chí bảo đảm vận hành hiệu quả Trung tâm Báo chí kỳ họp (phục vụ khoảng 100 cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế với trên 400 phóng viên, kỹ thuật viên); tổ chức điểm báo, xây dựng báo cáo dư luận xã hội và cử tri về kỳ họp phục vụ công tác điều hành của Lãnh đạo; cung cấp hàng nghìn ảnh kỳ họp và các văn bản, tài liệu lên trang Trung tâm Báo chí để phóng viên khai thác; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hàng chục phiên họp tường thuật trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi...
Bên cạnh đó, trước khi diễn ra Phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Văn phòng Quốc hội ban hành Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về phiên họp; tổ chức và vận hành Trung tâm Báo chí (phục vụ khoảng 30 cơ quan báo chí với gần 70 phóng viên); xây dựng đề cương nội dung chi tiết chương trình phiên họp để định hướng công tác tuyên truyền; phát hành thông cáo báo chí; cung cấp đầy đủ, kịp thời ảnh, văn bản, tài liệu cho báo chí đưa tin; xây dựng báo cáo dư luận xã hội,…
Đối với công tác thông tin, báo chí tuyên truyền phục vụ hoạt động của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được quan tâm, bảo đảm triển khai hiệu quả. Theo đó, công tác thông tin, tuyên truyền đối với các chuyến thăm, công tác nước ngoài của Chủ tịch Quốc hội; các hoạt động đối ngoại trong nước và nước ngoài của lãnh đạo Quốc hội được triển khai trên cơ sở các Đề án thông tin, tuyên truyền do Văn phòng Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các vụ chuyên môn trực tiếp tham mưu, giúp việc các cơ quan của Quốc hội tổ chức mời, cung cấp thông tin cho báo chí tham dự, đưa tin. Ngoài ra, Vụ Thông tin cũng đã tham mưu Tổng Thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ Người phát ngôn về Kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; công bố các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên các phương tiện thông tin đại chúng; duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí để bảo đảm thông tin thường xuyên, chính xác về hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin tham quan Phòng Truyền thống Quốc hội Việt Nam vào tháng 05/2022
Tổ chức chương trình giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội
Theo Vụ trưởng Hoàng Thị Lan Nhung, thời gian qua, Vụ Thông tin đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan biên soạn 4 tập sách “Lịch sử Quốc hội Việt Nam” từ năm 1946-2011; “Quốc hội khóa XIV - thành tựu và những dấu ấn nổi bật”; sách ảnh “70 năm Quốc hội Việt Nam” và “Quốc hội khóa XIV những thành tựu và dấu ấn nổi bật”. Cùng với đó phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia kỷ niệm ngày sinh của các vị lãnh đạo Quốc hội. Xác định rõ ý nghĩa quan trọng của việc lưu giữ tư liệu, hình ảnh về Quốc hội, Vụ Thông tin đã vận hành hiệu quả Phòng Truyền thống Quốc hội như bổ sung hình ảnh hoạt động Quốc hội các khóa, hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; trưng bày hiện vật là quà tặng của Quốc hội các nước tặng các đồng chí Lãnh đạo Quốc hội. Hiện nay, Vụ đang lưu giữ và bảo quản gần 20.000 tư liệu, tài liệu, hình ảnh, hiện vật liên quan đến hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội từ năm 1946 đến nay.
Vụ trưởng Vụ Thông tin chia sẻ, tháng 03/2015, Nhà Quốc hội mới được đưa vào vận hành chính thức đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn, góp phần đưa hình ảnh, hoạt động của Quốc hội đến gần với Nhân dân, cử tri cả nước, bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Quốc hội Việt Nam. Trong những năm qua, Vụ Thông tin đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đón tiếp, hướng dẫn, thuyết minh phục vụ 2.105 đoàn khách tham quan Nhà Quốc hội với số lượng 93.191 lượt người. Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã tổ chức đón tiếp, hướng dẫn khoảng 25 đoàn khách với gần hơn 600 lượt người dự thính phiên họp công khai Kỳ họp Quốc hội. Ngoài ra, để góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân, nhất là các thế hệ trẻ về Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Vụ Thông tin đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan tổ chức khoảng 40 phiên giáo dục trải nghiệm về Quốc hội cho gần 4.000 học sinh, sinh viên của các trường trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận; tổ chức khoảng 10 buổi nói chuyện chuyên đề về Quốc hội cho gần 1.000 học sinh, sinh viên các trường tại Hà Nội….
Các đại biểu tham dự Hội thảo trao đổi kinh nghiệm lần thứ XI giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào
Đổi mới tư duy trong công tác thông tin về hoạt động của Quốc hội
Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung nhấn mạnh, để đạt được kết quả đáng ghi nhận trong công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã luôn nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội. Trên cơ sở đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội đã chỉ đạo sát sao Vụ Thông tin bảo đảm triển khai hiệu quả hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội. Trong những năm qua, nhất là một số nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, cử tri và Nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, sự quan tâm, ủng hộ của người dân nhiều hơn đối với Quốc hội.
Bên cạnh các kết quả khả quan đạt được, Vụ trưởng Vụ Thông tin nêu rõ, công tác tuyên truyền vẫn còn một số hạn chế như: tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền còn thiếu tính định hướng chiến lược, bài bản và hiệu quả còn thấp; các hình thức, phương thức thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao vị thế và hình ảnh, hoạt động của Quốc hội trong công chúng chưa được triển khai đồng bộ; sự gắn kết giữa các cơ quan làm công tác thông tin, tuyên truyền của Văn phòng Quốc hội, nhất là giữa hai cơ quan báo chí còn chưa thật sự chặt chẽ; thông tin, truyền thông nhà nước nói chung, truyền thông về hoạt động của Quốc hội nói riêng còn đứng trước các thách thức khách quan của truyền thông số và thói quen mới trong tiếp nhận thông tin của người dân.
Để khắc những hạn chế, tồn tại nêu trên, đồng thời để bảo đảm hoạt động thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội ngày càng đạt chất lượng cao, Vụ trưởng Vụ Thông tin Hoàng Thị Lan Nhung cho rằng cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của công tác thông tin công chúng về hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; tạo lập cơ sở pháp lý cho việc triển khai hoạt động thông tin công chúng của Quốc hội có hệ thống, bài bản, toàn diện, có kế hoạch triển khai thực hiện. Cụ thể, Vụ trưởng Vụ Thông tin kiến nghị Văn phòng Quốc hội cần tham mưu sớm ban hành Đề án nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động truyền thông của Quốc hội Khóa XV; Quy chế tổ chức công tác thông tin, báo chí về hoạt động của Quốc hội; Kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ phóng viên đưa tin Quốc hội; Triển khai Đề án và Thể lệ Giải báo chí Quốc hội và HĐND các cấp (Giải Diên Hồng) nhằm nâng cao chất lượng tác phẩm viết về cơ quan dân cử; xây dựng Đề án nâng cao chất lượng công tác tham quan Nhà Quốc hội,…
Bên cạnh đó, cần phát triển hệ thống các ấn phẩm về Quốc hội cho các nhóm đối tượng công chúng khác nhau. Tập trung xây dựng trang thông tin thành phần của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội để chủ động cung cấp thông tin cho người dân. Đẩy mạnh Chương trình giáo dục về Quốc hội thông qua tổ chức chương trình ngoại khóa của học sinh, sinh viên tại Nhà Quốc hội; đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông nền tảng số, mạng xã hội như facebook, zalo, truyền hình tương tác; đẩy mạnh truyền thông bằng tiếng nước ngoài.
Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Việt Nam Hoàng Thị Lan Nhung
Vụ trưởng Vụ Thông tin cũng cho rằng cần đổi mới nội dung công tác thông tin, tuyên truyền như đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về nhu cầu, xu hướng quan tâm, nhận thức, hiểu biết, thái độ… của công chúng để làm căn cứ xây dựng các kế hoạch, chương trình, nội dung thông tin theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của các nhóm đối tượng. Tích cực, chủ động làm phong phú, sâu sắc hơn nội dung thông tin, tuyên truyền, nâng cao chất lượng, sức thuyết phục, tính hấp dẫn của các sản phẩm truyền thông. Tăng cường hợp tác quốc tế, thúc đẩy truyền thông qua đội ngũ những người có ảnh hưởng, người nổi tiếng, giới trí thức, các hãng thông tấn, báo chí quốc tế, nhất là phát huy vai trò của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài…
Cùng với đó tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền và bảo đảm nguồn lực cho công tác này. Cụ thể, Vụ trưởng Hoàng Thị Lan Nhung cho rằng cần kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức các lớp tập huấn cho phóng viên về tổ chức, hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; về quy trình lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước;… Đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, tuyên truyền; tổ chức khảo sát, điều tra về mức độ nhận thức, quan tâm, hiệu quả thông tin về các hoạt động của Quốc hội; tổ chức định kỳ các hội nghị tham vấn về truyền thông, rút kinh nghiệm, chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật xu hướng truyền thông mới. Xây dựng quy chuẩn về phương thức truyền thông hiện đại, đào tạo, hướng dẫn cho các vụ chuyên môn trực tiếp tham mưu, giúp việc Hội đồng, các Uỷ ban, các đơn vị chuyên trách của Quốc hội để chủ động phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn./.