Phiên họp toàn thể tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV
Trong nhiệm kỳ 2016-2021, Quốc hội khóa XIV đã có những đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và phương thức hoạt động, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đối ngoại, thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký đã không ngừng nỗ lực, phát huy truyền thống, đoàn kết, đồng lòng, khắc phục khó khăn, cải tiến cách thức làm việc theo hướng chuyên nghiệp, linh hoạt, chủ động tham mưu, đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp, thúc đẩy tư duy sáng tạo, ý chí không ngừng phấn đấu, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, dự báo tình hình và phản ứng kịp thời đối với những vấn đề phát sinh..., đồng thời, có những điều chỉnh về tổ chức để thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về tinh gọn bộ máy. Những kết quả tích cực đạt được, hoàn thành khối lượng lớn công việc trên các mặt hoạt động, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, góp phần đáng kể vào thành quả chung của Quốc hội.
Kết quả nội bật trong tham mưu, phục vụ hoạt động lập pháp
Chất lượng công tác tham mưu, phục vụ hoạt động lập pháp ngày càng nâng cao, nền nếp, tăng tính chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp, chuyên môn hóa.
Trong quá trình nghiên cứu, tham mưu, các đơn vị và các Ủy viên Ban Thư ký luôn chú trọng, bảo đảm quán triệt quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ đúng quy trình, thủ tục, hồ sơ theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Văn phòng, Ban Thư ký đã phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 73 luật, 02 pháp lệnh và nhiều nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Việc tham mưu, phục vụ xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có đổi mới so với nhiệm kỳ trước, đó là không ban hành Chương trình cả nhiệm kỳ, tập trung xây dựng Chương trình hằng năm; việc đưa các dự án vào Chương trình được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, có tính khả thi cao, phù hợp yêu cầu thực tế. Ngay sau khi Chương trình được thông qua, Văn phòng đã phối hợp tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình, phân công cụ thể cơ quan trình, cơ quan thẩm tra, dự kiến tiến độ trình các dự án, dự thảo và chỉ đạo theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình.
Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng, Ban Thư ký cũng luôn đề cao việc tham mưu hoàn thiện về kỹ thuật lập pháp để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật đối với các dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết trước khi trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua
Điểm mới trong nhiệm kỳ này là từ kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký đã tham mưu, phục vụ việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp nhằm nâng cao tính pháp lý của một số nội dung cấp bách đã được Quốc hội xem xét, quyết định, là căn cứ quan trọng để Chính phủ và các cơ quan hữu quan triển khai một số nhiệm vụ Quốc hội giao.
Hình ảnh Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Văn phòng Quốc hội
Kết quả tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát
Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát chủ động, chuyên nghiệp, có chiều sâu. Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các thành viên Ban Thư ký đã tham mưu, phục vụ Quốc hội giám sát tối cao 7 chuyên đề, tiến hành chất vấn tại 8 kỳ họp; Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát 7 chuyên đề, tổ chức chất vấn tại 5 phiên họp, ban hành nhiều nghị quyết và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác. Phối hợp tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tiến hành 40 chuyên đề giám sát, khảo sát và 17 phiên giải trình.
Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn linh hoạt, đổi mới qua từng kỳ họp, phiên họp, góp phần tăng tính dân chủ, công khai, nâng cao trách nhiệm của người chất vấn và người trả lời chất vấn. Trong năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội đã kịp thời tham mưu không tổ chức chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường Quốc hội và kỳ họp thứ 9 của Quốc hội; thay vào đó, đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tăng cường chất vấn bằng văn bản hoặc kết hợp nêu vấn đề tại các phiên thảo luận về các nội dung có liên quan. Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký đã chú trọng tham mưu, phục vụ hoạt động xem xét việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Việc phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, chu đáo, nghiêm túc, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, dân chủ, khách quan.
Công tác phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị của cử tri, giám sát giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng được chú trọng, hạn chế tối đa việc khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện kéo dài vượt cấp, góp phần giúp các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện tốt hơn vai trò đại diện của mình. Công tác điều hòa hoạt động giám sát được duy trì và thực hiện ngày càng nền nếp, khoa học, thống nhất, bảo đảm đúng kế hoạch đề ra, hạn chế tối đa sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung, thời điểm của đoàn giám sát tại địa phương.
Tham mưu, phục vụ hoạt động xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng
Văn phòng, Ban Thư ký luôn chú trọng nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng, có tác động, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có những vấn đề mới, khó, phức tạp, chưa có tiền lệ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai đúng quy định, sát với thực tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đất nước
Trong năm 2020, do ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh, Văn phòng, Ban Thư ký đã phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định thận trọng, linh hoạt chính sách tiền tệ và tài khóa, đưa ra nhiều quyết sách để ứng phó kịp thời, góp phần tích cực đồng hành cùng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ kép, vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì các hoạt động kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Văn phòng, Ban Thư ký đã phối hợp tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định thành lập, nhập, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện, cấp xã tại 23 tỉnh, thành phố và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để triển khai chủ trương của Đảng về sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019-2021. Phối hợp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định về công tác nhân sự bảo đảm chặt chẽ, thận trọng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Tham mưu, phục vụ hoạt động đối ngoại của Quốc hội để lại nhiểu dấu ấn
Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng, Ban Thư ký luôn đề cao trách nhiệm, tích cực tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai các hoạt động đối ngoại có nhiều sáng tạo, linh hoạt, với các phương thức, cách làm mới, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đạt được mục đích, yêu cầu và nội dung đề ra, góp phần thực hiện thành công đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nâng cao vai trò, vị thế của Quốc hội Việt Nam trên thế giới.
Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động đối ngoại song phương bảo đảm đúng định hướng, tiếp tục ưu tiên các đối tác có quan hệ đặc biệt, các nước láng giềng, khu vực, đối tác chiến lược, đối tác truyền thống để tăng cường hiểu biết và tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội các nước, phát huy tốt lợi thế của kênh ngoại giao nghị viện. Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động đối ngoại đa phương có sự chủ động, sáng tạo và đạt hiệu quả.
Đặc biệt, Văn phòng, Ban Thư ký đã tham mưu, phục vụ Quốc hội đăng cai tổ chức thành công Hội nghị thường niên Diễn đàn nghị viện Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 26 (APPF-26) năm 2018 với chủ đề “Quan hệ đối tác nghị viện vì hòa bình, sáng tạo, tăng trưởng và bền vững”; đảm nhiệm vai trò năm Chủ tịch AIPA 2020 với việc tổ chức thành công Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á lần thứ 41 (AIPA-41) và nhiều hoạt động khác theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, tạo dấu ấn quan trọng trong hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam.
Trong hoạt động hợp tác quốc tế, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng, Ban Thư ký đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động hiệu quả với hình thức phong phú.
Ban Thư ký Quốc hội khóa XIV ra mắt năm 2016
Không ngừng đổi mới cải tiến cách thức hoạt động
Ngoài ra, công tác phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động tiếp công dân ngày càng đi vào nền nếp, chất lượng, hiệu quả. Công tác phối hợp phục vụ bảo đảm điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân trong nhiệm kỳ được triển khai chu đáo, kịp thời.
Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký đã nghiên cứu, cải tiến việc xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội bảo đảm khoa học, chặt chẽ, đúng quy trình. Chương trình kỳ họp được sắp xếp, bố trí hợp lý, phù hợp
với tình hình thực tế, tính chất, yêu cầu của từng nội dung, sử dụng hiệu quả thời gian, góp phần bảo đảm hoàn thành khối lượng công việc ngày càng nhiều hơn của Quốc hội.
Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký đã tham mưu, phục vụ Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình công tác hằng năm bám sát các nghị quyết, chương trình, kế hoạch hoạt động của Quốc hội; tham mưu, phục vụ chương trình phiên họp hằng tháng sát tình hình thực tế, trong đó có việc cố định thời gian tiến hành khai mạc phiên họp hằng tháng nhằm giúp các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ động bố trí, sắp xếp kế hoạch công tác để tham dự đầy đủ các phiên họp.
Để công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày càng nền nếp, chuyên nghiệp, bài bản, Tổng Thư ký Quốc hội đã ban hành Quy định (tạm thời) về một số quy trình, thủ tục tham mưu tổ chức phục vụ kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đã tham mưu việc cải tiến, đổi mới quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo hướng đi vào thực chất, giảm bớt tính hình thức, góp phần từng bước chuyển từ “Quốc hội tham luận” sang “Quốc hội tranh luận”. Trong đó, việc giải trình trực tiếp tại các phiên họp, đăng ký tranh luận,… lần đầu tiên được triển khai trong nhiệm kỳ, ngày càng hoàn thiện hơn qua các kỳ họp đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo không khí sôi động, hấp dẫn cho các phiên họp, tăng tính phản biện, nâng cao chất lượng thảo luận, góp phần bảo đảm quyết định của Quốc hội được xem xét dân chủ, công khai, toàn diện, nhiều chiều, bám sát thực tiễn, có tính khả thi.
Tuy nhiên việc chưa khắc phục được tình trạng đề nghị bổ sung gấp nội dung; nhiều nội dung được bổ sung vào sát kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội gây khó khăn, bị động cho công tác tham mưu, phục vụ, nhất là tham mưu, phục vụ công tác thẩm tra. Khối lượng công việc ngày càng lớn, nhiều việc đột xuất, yêu cầu nhanh về tiến độ, cao về chất lượng; còn thiếu cơ chế khuyến khích, thu hút công chức có trình độ cao, tận tâm, nhiệt huyết với công việc; chưa có biện pháp nghiêm khắc để xử lý đối với những cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong công việc…là nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong hoạt động của Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ban Thư ký.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiên quyết hơn đối với các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chậm tiến độ. Hạn chế tối đa việc bổ sung gấp nội dung sát thời điểm tiến hành kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Sớm xem xét, quyết định việc kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Quan tâm hơn nữa đến công tác luân chuyển đối với cán bộ Văn phòng Quốc hội. Chỉ đạo sát sao công tác thông tin tuyên truyền các hoạt động của Quốc hội; đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội.
Đề nghị Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tăng cường phối hợp với Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trong công tác cán bộ, quan tâm, tạo điều kiện, thúc đẩy để cán bộ, công chức Văn phòng có nhiều cơ hội học hỏi, rèn luyện, nâng cao kiến thức chuyên môn, kỹ năng công tác… cũng như được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, trình độ nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ đặt ra./.