CƠ CHẾ TRỢ GIÚP ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI CÁC NƯỚC VÀ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG TẠI VIỆT NAM

16/04/2019

Sáng ngày 16/4, tại Hà Nội, Thư viện Quốc hội kết hợp với Viện Hanns Seidel tổ chức tọa đàm về cơ chế trợ giúp đại biểu Quốc hội các nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam. Giám đốc Thư viện Quốc hội Lê Hoàng Anh chủ trì tọa đàm.

Tòa cảnh tọa đàm

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giám đốc Thư viện Quốc hội Lê Hoàng Anh nêu rõ, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi năm 2014 đã quy định cho đại biểu Quốc hội nhiều nhiệm vụ, quyền hạn quan trọng trong các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Để đại biểu Quốc hội thực sự trở thành một trong những trụ cột của Quốc hội, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn Hiến định và Luật định thì cơ chế trợ giúp cá nhân đại biểu là một trong những yếu tố quan trọng. Giám đốc Thư viện Quốc hội mong muốn tại buổi tọa đàm, các đại biểu, các chuyên gia đóng góp ý kiến một cách thẳng thắn, cởi mở giúp Nhóm nghiên cứu tiếp thu được những thông tin xác đáng, bổ ích; chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo để cung cấp tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu cơ chế trợ giúp đại biểu Quốc hội các nước và khả năng áp dụng tại Việt Nam, từ trước đến nay, Việt Nam chưa có bộ phận giúp việc cho cá nhân từng đại biểu Quốc hội, ngoại trừ những đại biểu là lãnh đạo cấp cao có thư ký, trợ lý riêng. Các mô hình đã và đang tồn tại thực hiện nhiệm vụ giúp việc chung cho các đại biểu tại kỳ họp, giúp việc cho các đại biểu trong một ủy ban, giúp việc cho các đại biểu trong cùng một tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương bên cạnh những nhiệm vụ giúp việc cho lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội… Các bộ phận giúp việc này cũng thay đổi theo từng thời kỳ, tìm tòi, thử nghiệm các mô hình phù hợp. Đơn cử như Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là đơn vị giúp việc cho các đại biểu Quốc hội trong cùng một tỉnh đã qua nhiều lần tách, nhập với các văn phòng khác. Năm 2005 tách ra khỏi Văn phòng Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu Quốc hội. Năm 2008, hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND. Đến năm 2015, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được tách ra và trở thành một đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội. Và hiện nay đang tiến hành thí điểm mô hình sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HDND cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Đại biểu phát biểu tại tọa đàm

Dự thảo báo cáo nghiên cứu cũng cho biết, Việt Nam đang thực hiện chủ trương tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động của đại biểu Quốc hội, đổi mới Quốc hội theo hướng lấy đại biểu làm trung tâm. Vừa qua, yêu cầu sắp xếp lại tổ chức, bộ máy nâng cao hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Khóa XII đặt ra hai nhiệm vụ cụ thể liên quan đến bộ máy giúp việc của Quốc hội đó là: Sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bên trong của Văn phòng Quốc hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả; Nghiên cứu ban hành quy định để thực hiện hợp nhất Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.Việc thực hiện các chủ trương nói trên đặt ra yêu cầu thiết kế mô hình, nâng cao hiệu quả của bộ máy giúp việc Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng, tiếp tục nghiên cứu cải tiến cơ chế trợ giúp đại biểu Quốc hội. Mặt khác, yêu cầu, đòi hỏi của cử tri về việc thực hiện vai trò đại diện của đại biểu dân cử ngày càng cao trong khi đa số đại biểu Quốc hội vẫn là kiêm nhiệm. Việc thực hiện nhiệm vụ luật định là tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tăng cường giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri đặt ra cho các đại biểu Quốc hội không ít thách thức, khó khăn.

Thảo luận tại tọa đàm, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Đặng Đình Luyến cho rằng, buổi tọa đàm có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu về cơ chế trợ giúp cho đại biểu Quốc hội và đề xuất những nội dung có thể tham khảo, vận dụng tại Quốc hội ở Việt Nam, đồng thời nêu rõ, việc đưa ra các cơ chế hỗ trợ cá nhân nghị sĩ ở một số nước trên thế giới để tham khảo là hoàn toàn phù hợp, tuy nhiên cũng cần nghiên cứu ở những nước có thể chế khá tương đồng với Việt Nam, đảm bảo cho việc tham khảo có giá trị thực tiễn.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng phân tích, việc nghiên cứu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của các cơ chế trợ giúp cho đại biểu Quốc hội là rất cần thiết bởi vì trên thực tế nhận thức của một số cơ quan, cá nhân có thẩm quyền vẫn chưa nhận thấy hết vai trò của đại biểu Quốc hội, chưa thấy hết việc của đại biểu Quốc hội phải làm những gì, do đó chưa tạo điều kiện đầy đủ để những đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tích cực hoạt động để hoàn thành nhiệm vụ.

Kết luận buổi tọa đàm, Giám đốc Thư viện Quốc hội Lê Hoàng Anh trân trọng cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, xác đáng của các đại biểu tham dự. Giám đốc Thư viện Lê Hoàng Anh nêu rõ, trên cơ sở báo cáo nghiên cứu và kinh nghiệm thực tiễn mà các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm, Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu nghiêm túc và bổ sung, chỉnh lý, hoàn thiện báo cáo để có thể cung cấp thông tin kịp thời tới các đại biểu tại Kỳ họp thứ 7 tới đây./.

Hồ Hương