“Quốc hội và bộ máy giúp việc: cơ hội và thách thức”

30/01/2018

Sáng 30/1, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã phối hợp tổ chức Tọa đàm “Quốc hội và bộ máy giúp việc: cơ hội và thách thức.”

Tọa đàm “Quốc hội và bộ máy giúp việc: cơ hội và thách thức”

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cùng Chủ tịch Ủy ban cố vấn của dự án Tsuboi Yashiharu đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cho biết, buổi Tọa đàm là hoạt động đầu tiên của Dự án "Tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam - giai đoạn II". Tuy bàn về Quốc hội và bộ máy giúp việc là chủ đề truyền thống nhưng Quốc hội và các thiết chế chính trị đều biến đổi và thích ứng theo thời gian. Quốc hội Việt Nam đã có 70 năm hình thành và phát triển, liên tục có những đổi mới và hoàn thiện để Quốc hội thực sự trở thành cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Bộ máy giúp việc của Quốc hội Việt Nam cũng không ngừng được hoàn thiện. Trong giai đoạn đầu, nhiều bộ phận giúp việc chỉ mang tính chất kiêm nhiệm, hiện nay đã trở thành bộ máy giúp việc khá hùng hậu. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bày tỏ hi vọng, qua buổi Tọa đàm lần này, hai bên sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, hướng tới mục tiêu của Dự án là tăng cường năng lực của Văn phòng Quốc hội nhằm hỗ trợ thực hiện các chức năng đại diện, lập pháp và giám sát của Quốc hội.

Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh phát biểu khai mạc tọa đàm

Thảo luận tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá cao về bộ máy giúp việc của Quốc hội Việt Nam hiện nay đang dần định hướng chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên Quốc hội và bộ máy giúp việc cũng đang đứng trước những thách thức lớn trong bối cảnh mới. Cùng với kết quả của quá trình đổi mới mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế, hiện nay Việt Nam cũng đang tiếp tục đổi mới toàn diện, đặc biệt là về chính trị, hướng đến hoàn thiện nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa, phù hợp với nền kinh tế thị trường Xã hội Chủ nghĩa.

Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam Fujita Yasuo phát biểu tại tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe các chuyên gia JICA trao đổi về vai trò của cơ quan hỗ trợ lập pháp tại Nhật Bản; cơ hội hợp tác giữa các cơ quan giúp việc cho Quốc hội của Nhật Bản và Việt Nam cũng như những kinh nghiệm phát triển bộ máy giúp việc cho Quốc hội trong tình hình hiện nay. Theo giáo sư danh dự trường đại học Tokyo, Nhật Bản Higuchi Yoichi, giữa các Văn phòng Nghị viện tại Nhật Bản hiện nay đã có sự liên kết chặt chẽ, nhiều đơn vị cùng thực hiện việc nghiên cứu lập pháp nên tổng hợp được nhiều ý kiến đa chiều, chất lượng công việc cao do có sự cạnh tranh.

Giáo sư danh dự trường đại học Tokyo, Nhật Bản Higuchi Yoichi phát biểu tại tọa đàm

Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ các nội dung liên quan đến Nhà nước Cộng hòa và Quốc hội; Quốc hội trong bối cảnh tình hình thế giới thay đổi; những thách thức, cơ hội hiện nay đối với cơ quan hỗ trợ lập pháp…

Vân Ngọc – Thu Phương