Hoàn thiện Quy chế hoạt động của Ban thư ký Quốc hội

29/06/2016

Ngày 29/6, tại Hà Nội, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo Hoàn thiện quy chế hoạt động của Ban thư ký Quốc hội. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đồng chủ trì Hội thảo.

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc; Phó Chủ nhiệm VPQH Đỗ Mạnh Hùng chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương, một số chuyên gia, nhà khoa học và các thành viên Ban thư ký Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, để triển khai thực hiện các quy định của Nghị quyết số 1093/2015/UBTVQH13 ngày 21/12/2015 về nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban thư ký và Nghị quyết số 1168/NQ- UBTVQH13 ngày 10/3/2016 về việc phê chuẩn nhân sự Ban thư ký, Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng Quy chế làm việc của Tổng thư ký, Ban thư ký Quốc hội.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ban thư ký không phải là một cơ quan hành chính độc lập mà các thành viên Ban thư ký hoạt động kiêm nhiệm. Ban thư ký có nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng thư ký Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn: dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về quy trình thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao; thực hiện nhiệm vụ người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nhiệm vụ tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội…

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, Quy chế hoạt động của Ban thư ký phải quy định đầy đủ, hợp lý, khoa học trình tự, thủ tục tiến hành các nhiệm vụ được giao, phù hợp với tính chất của Ban Thư ký nói riêng và bộ máy tham mưu, phục vụ Quốc hội nói chung, bảo đảm sự thống nhất, hiệu quả, tính chuyên nghiệp… Do đó, Hội thảo này là dịp để Ban soạn thảo nhận được những ý kiến quý báu để hoàn thiện Quy chế, góp phần bảo đảm Ban thư ký có một cơ chế làm việc hợp lý, hoạt động chuyên nghiệp, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp Tổng thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Quy chế gồm 4 chương, 23 Điều, quy định về: Phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc, chế độ làm việc, phân công nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của Tổng thư ký Quốc hội, Phó Tổng thư ký Quốc hội và các Ủy viên Ban thư ký; Quy trình, thủ tục thực hiện một số nghiệp vụ thư ký tại các kỳ họp Quốc hội; Quy trình, thủ tục thực hiện một số nghiệp vụ thư ký tại các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các mẫu văn bản của Tổng thư ký Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, trao đổi về sự khác nhau trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Ban thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, đây là hai thiết chế trong bộ máy giúp việc của Quốc hội, có tính chất công việc tương đồng ở góc độ tham mưu giúp việc; cả hai thiết chế đều đặt dưới sự điều hành, chỉ đạo thống nhất của Tổng thư ký- Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, Ban thư ký là bộ phận giúp việc của Tổng thư ký mà không phải là một cơ quan nhà nước như Văn phòng Quốc hội.

Ban thư ký không tham trực tiếp tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà tham mưu, phục vụ một cách gián tiếp qua Tổng thư ký. Các nhiệm vụ quyền hạn của Ban thư ký gắn nhiều hơn với kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng đề nghị, trong quá trình soạn thảo Quy chế hoạt động của Tổng thư ký và Ban thư ký, cần tìm ra những giải pháp quy định về trình tự thủ tục, cách thức làm việc, quan hệ công tác sao cho vừa phù hợp với các quy định hiện hành và không chồng lấn, trùng lắp.

Cùng chung quan điểm, Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội Hoàng Minh Hiếu đề nghị, Ban thư ký cần tổ chức tổng hợp, ghi nhận các quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội để tham mưu Tổng thư ký Quốc hội biên soạn sách hướng dẫn về quy trình, thủ tục làm việc của Quốc hội; ban hành quy chế làm việc chung của Ban thư ký và các quy chế tổ chức các công việc thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký; Xây dựng các quy trình, thủ tục mang tính chuyên môn, nghiệp vụ của các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Về mối quan hệ công tác của Ban thư ký Quốc hội với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Nguyễn Hữu Trường đề nghị, cần xác định rõ nội dung, phương thức công tác phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; tổ chức tập huấn nghiệp vụ, đặc biệt là các nội dung liên quan đến công tác thư ký cho đội ngũ cán bộ- chuyên viên Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; tăng cường công tác trao đổi giữa Ban thư ký với các địa phương để nắm bắt tình hình hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và chỉ đạo việc triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định một cách kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh các nội dung trên, các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã dành nhiều thời gian để trao đổi, thảo luận và làm rõ một số vấn đề như phạm vi của Quy chế; phạm vi nhiệm vụ của Ban thư ký; về việc thực hiện một số nhiệm vụ của Tổng thư ký nhưng người đứng đầu đơn vị phụ trách trực tiếp không phải là thành viên Ban thư ký; cơ chế phối hợp giữa các thành viên Ban thư ký…

Kết luận Hội thảo, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bày tỏ cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, chỉnh sửa, bổ sung và sớm hoàn thiện Dự thảo Quy chế để ký ban hành.

Tin và ảnh: Quang Minh