Diễn văn Kỷ niệm 70 Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

02/03/2016

Sáng 2/3, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (02/3/1946- 02/3/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Cổng thông tin điện tử Quốc hội xin trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn Kỷ niệm 70 Ngày truyền thống Văn phòng Quốc hội của Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Toàn văn như sau:

Kính thưa đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,

Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý,

Thưa toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội,

Hôm nay, trong không khí phấn khởi của những ngày đầu Xuân mới Bính Thân 2016, mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam thành công tốt đẹp, Văn phòng Quốc hội long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (02/3/1946- 02/3/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta gặp mặt, cùng nhau ôn lại những chặng đường lịch sử quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Quốc hội; tưởng nhớ và tri ân những người làm công tác tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã có nhiều cống hiến đối với sự trưởng thành vững mạnh của tập thể Văn phòng Quốc hội ngày nay; đồng thời bày tỏ sự vui mừng, tự hào về những thành tích, truyền thống tốt đẹp qua các thời kỳ, quyết tâm tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và Nhân dân giao phó.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi lễ                                  Ảnh: Đình Nam

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tôi xin gửi tới các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, nguyên lãnh đạo Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các vị khách quý và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Thưa các đồng chí,

Cũng ngày này 70 năm trước đây, ngày 02/3/1946, Quốc hội Việt Nam khóa I đã họp kỳ thứ nhất bầu ra Ban Thường trực Quốc hội có trụ sở làm việc tại số Nhà 71 phố Hàng Trống, Hà Nội (nay là Trụ sở Báo Nhân Dân) với một số cán bộ, nhân viên phục vụ cho các hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội. Đó cũng chính là sự hình thành, ra đời của bộ máy giúp việc Quốc hội, tiền thân của Văn phòng Quốc hội ngày nay. Sự kiện lịch sử này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ghi nhận và làm cơ sở để quyết định lấy ngày 02 tháng 3 hàng năm là Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm khẳng định bề dày lịch sử trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội qua các thời kỳ; giáo dục và khơi dậy lòng tự hào của mỗi cán bộ, công chức về truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tận tụy, vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cơ quan Văn phòng Quốc hội.

Nhiều nhiệm kỳ đã qua, việc kỷ niệm Ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, ý nghĩa, là dịp soi vào lịch sử, nhìn lại những việc đã làm được, chưa làm được và đề xuất, kiến nghị các giải pháp để làm tốt hơn công việc tham mưu, phục vụ của mình; động viên phong trào thi đua lao động sáng tạo, nâng cao kỷ luật, đạo đức cách mạng của cán bộ, công chức, viên chức trong Văn phòng; biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân gương mẫu thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, có thành tích đặc biệt xuất sắc trong việc xây dựng Văn phòng Quốc hội.

Thưa các đồng chí,

Quá trình hình thành và phát triển của Văn phòng Quốc hội luôn song hành cùng với 70 năm Quốc hội Việt Nam, với tổ chức bộ máy thay đổi từng giai đoạn. Văn phòng Quốc hội được xác định qua bốn giai đoạn với các tên gọi khác nhau: từ 1946- 1960 là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội; từ 1960- 1981 là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội; từ 1981- 1992 là Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước; từ năm 1992 đến nay là Văn phòng Quốc hội.

Trải qua 70 năm hình thành và phát triển, tuy cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng có những thay đổi theo từng hoàn cảnh lịch sử của đất nước, nhưng các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước và hoạt động của Quốc hội.

Trong hơn 14 năm, từ 1946- 1960, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân xâm lược, mặc dù mới được thành lập, cán bộ, nhân viên rất hạn chế nhưng Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đảm nhận, hoàn thành các công việc trong phạm vi trách nhiệm được giao. Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các chủ trương, chính sách lớn, giám sát Chính phủ trong các công việc kháng chiến, cùng Chính phủ theo dõi diễn biến và quyết định việc ký Hiệp định Giơ ne vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương; xem xét, ban hành Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 và nhiều đạo luật khác. Kết quả tham mưu, giúp việc của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội góp phần giúp Quốc hội đóng góp xứng đáng vào việc củng cố nền độc lập, xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân, khôi phục, cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân; đặt nền móng chính trị, pháp lý quan trọng trong việc thành lập Chính phủ Việt Nam hợp hiến, hợp pháp để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại.

Từ 1960- 1981, giai đoạn cả nước tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong 21 năm hoạt động, với tên gọi mới là Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới, tổ chức, nhiệm vụ được xác định cụ thể hơn. số lượng cán bộ, nhân viên được nâng lên, Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ tập thể, chủ động sáng tạo, tăng cường đoàn kết, hợp tác, nâng cao tính nguyên tắc, tổ chức, kỷ luật, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp Quốc hội các khóa II, III, IV, V và VI xem xét, quyết định nhiều chính sách quan trọng của đất nước, Hiến pháp năm 1980, góp phần to lớn vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, khôi phục và phát triển đất nước trong những năm đầu sau khi hai miền Nam – Bắc sum họp một nhà.

Từ năm 1981 đến nay, để phù hợp với sự thay đổi của cơ quan thường trực Quốc hội theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước, Văn phòng Ban Thường trực được đổi tên thành Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước từ tháng 7 năm 1981, Văn phòng Quốc hội từ tháng 9 năm 1992. Theo đó, Văn phòng giúp việc của Quốc hội được bổ sung nhiệm vụ ngày càng đầy đủ và cụ thể hơn, tổ chức bộ máy, cán bộ không ngừng được tăng cường cả chất lượng, số lượng, hoạt động đi vào nề nếp, đạt hiệu quả và chất lượng hơn; tham mưu, giúp Quốc hội từ khóa VII đến khóa XIII hiện nay đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn các chức năng lập hiến, lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Văn phòng Quốc hội có nhiều cải tiến, đổi mới trong tổ chức và hoạt động, quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Văn phòng Quốc hội đã nỗ lực tham mưu, phục vụ Quốc hội cải tiến quy trình lập pháp, nâng cao hiệu quả tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, tăng tính chủ động, dân chủ trong hoạt động xây dựng pháp luật; xem xét, thông qua Hiến pháp năm 2013 và số lượng văn bản luật quan trọng, lớn nhất so với từng nhiệm kỳ trước đây, kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu bức thiết của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nghiên cứu, đề xuất áp dụng nhiều giải pháp mang lại hiệu quả thiết thực về cải tiến, đổi mới hoạt động chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; về lựa chọn nội dung, cách thức tiến hành giám sát,… góp phần giúp Quốc hội tiến hành hoạt động giám sát thường xuyên hơn, chất lượng và hiệu quả được nâng lên, tập trung vào những vấn đề quan trọng, bức xúc của thực tiễn cuộc sống, được cử tri và nhân dân đánh giá cao. Tham mưu, phục vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước... ngày càng thực chất hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn đổi mới đất nước, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống của nhân dân. Tham mưu, phục vụ Quốc hội triển khai công tác đối ngoại đúng trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU- 132) và Hội nghị các Tổng thư ký Nghị viện thế giới (ASGP) để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp đối với bạn bè Quốc tế.

Bên cạnh đó, Văn phòng Quốc hội cũng đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội khóa XIII, trên cơ sở đó, tham mưu cho Quốc hội ban hành Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định Hiến pháp, pháp luật. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan xây dựng, đưa vào hoạt động Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Kênh truyền hình Quốc hội, hệ thống truyền hình trực tuyến đến 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; xây dựng Chuyên mục Quốc hội với cử tri trên kênh truyền hình quốc gia; tăng cường phát thanh, truyền hình trực tiếp, tổ chức tốt công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến cách thức gửi tài liệu qua thư điện tử; xây dựng và khai thác hiệu quả hệ thống điều hành điện tử Quốc hội (E-pas).

Văn phòng Quốc hội trở thành một tập thể vững mạnh gồm 28 vụ, cục, đơn vị và đang triển khai tiếp nhận 63 Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại đa số cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Quốc hội được đào tạo cơ bản, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trình độ, năng lực chuyên môn, sẵn sàng đảm nhận, hoàn thành tốt nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Cơ quan, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội nhiều năm liền đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh. Các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội cựu chiến binh,... có nhiều đổi mới cả về tổ thức và phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào việc động viên cán bộ, công chức của cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Cơ sở vật chất và điều kiện làm việc của Văn phòng Quốc hội cũng được cải thiện đáng kể, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội trong thời kỳ mới.

Với những công lao, đóng góp xứng đáng của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, Đảng và Nhà nước đã ghi nhận, tặng thưởng Văn phòng Quốc hội nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, Văn phòng Quốc hội đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Sao vàng nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (02/3/1946 – 02/3/2006) và tặng Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống (02/3/1946 – 02/3/2016) hôm nay. Đây là phần thưởng lớn, rất có ý nghĩa ghi nhận kết quả cống hiến, trưởng thành của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội trong 70 năm qua; cổ vũ, động viên cơ quan tham mưu tổng hợp, giúp việc Quốc hội tiếp tục phát huy thành tích đạt được, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Văn phòng Quốc hội

Thưa các đồng chí,

Để kế thừa, phát huy thành tích, truyền thống tốt đẹp và để có sự phát triển vững mạnh, điều kiện thuận lợi như ngày nay, Văn phòng Quốc hội qua các thời kỳ luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội; quan tâm kiện toàn, củng cố tổ chức bộ máy, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đoàn kết, tuyệt đối trung thành, tận tâm, tận tụy với công việc, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xứng đáng là công bộc của Nhân dân, người lính văn phòng xung kích, góp phần xứng đáng vào những thành tựu to lớn của Quốc hội; tăng cường, đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phân công, điều hành, quản lý, tổ chức triển khai công việc; tích cực, chủ động phối hợp với 03 Văn phòng Trung ương và các cơ quan, bộ, ban ngành trung ương, các cấp chính quyền địa phương; chăm lo công tác xây dựng Đảng, các tổ chức đoàn thể cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong toàn cơ quan. Đây nhà những nguyên nhân chủ yếu tạo nên những thành tích, kết quả của Văn phòng Quốc hội trong thời gian qua, cần tiếp tục thực hiện, phát huy tốt hơn trong thời gian tới.

Năm 2016-  năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; năm kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII và bầu đại biểu Quốc hội khoá XIV, bầu đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021. Quốc hội tiếp tục đổi mới, cải tiến về tổ chức và hoạt động để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của đất nước. Năm 2016 cũng là năm đầu tiên Tổng thư ký Quốc hội, Ban thư ký Quốc hội và Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố hoạt động theo quy định mới của Luật tổ chức Quốc hội và các văn bản luật, nghị quyết khác có liên quan.

Nhiệm vụ đặt ra cho Quốc hội nói chung và cơ quan tham mưu, tổng hợp, giúp việc của Quốc hội nói riêng là rất lớn, nặng nề. Yêu cầu đó, đòi hỏi Văn phòng Quốc hội phải tiếp tục đổi mới, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu như sau:

1- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng. Chủ động, tích cực phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII; phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức tốt việc phục vụ triển khai kế hoạch bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

2- Tổ chức động viên, tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tiếp tục học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực cải tiến, đổi mới, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công tác, nỗ lực thực hiện tốt việc tham mưu, phục vụ Quốc hội hoàn thành xuất sắc chức năng lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động đối ngoại theo quy định của Hiến pháp, pháp luật.

3- Tập trung triển khai thực hiện tốt Luật tổ chức Quốc hội, các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ của Văn phòng Quốc hội, Ban thư ký. Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu tổ chức, tinh giản biên chế, đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực phù hợp với đặc thù của cơ quan. Tiếp nhận, chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ổn định tổ chức, hoạt động hiệu quả. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao phẩm chất, năng lực, đạo đức công vụ và có chính sách phù hợp xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn mới.

4- Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, đất nước. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Báo đại biểu nhân dân, Thư viện Quốc hội. Phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chỉ đạo, điều hành công việc và nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

5- Tăng cường phối hợp với Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

6- Phối hợp với Đảng ủy, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát; động viên cán bộ, đoàn viên nghiên cứu, học tập nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức, trình độ chuyên môn, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

7- Thực hiện nghiêm túc Quy chế văn hoá công sở, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng của cơ quan, xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, dân chủ, lành mạnh, minh bạch trong toàn cơ quan, đơn vị.

Thưa các đồng chí,

Trong không khí mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới và phát triển; trong niềm tự hào truyền thống 70 năm của Văn phòng Quốc hội, thay mặt Đảng ủy và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, tôi xin trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan hữu quan và các tầng lớp nhân dân đã thường xuyên quan tâm, dành sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn để Văn phòng Quốc hội hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xin trân trọng và cảm ơn về những thành tích, cống hiến của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Văn phòng Quốc hội trong suốt 70 năm qua.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý‎ và toàn thể các đồng chí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội và gia đình sức khỏe, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!