Kinh nghiệm của Nhật Bản về tổ chức thức hiện Luật chính quyền địa phương

22/09/2015

Ngày 22/9, tại Nhà Quốc hội, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực cho Văn phòng Quốc hội Việt Nam” do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, Văn phòng Quốc hội tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm Nhật Bản về tổ chức thực hiện Luật chính quyền địa phương”. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng và Chủ tịch Ban cố vấn Dự án JICA Tsuboi Yoshiharu đồng chủ trì tọa đàm.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng phát biểu khai mạc Tọa đàm

Tham gia tọa đàm còn có Ủy viên chuyên trách Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Đinh Thị Phương Lan, đại diện Viện nghiên cứu lập pháp, các vụ đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp và Cục pháp chế Hạ viện Nhật Bản cùng các chuyên gia Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng đóng góp cho sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản đó là bản Hiến pháp Hòa bình, cùng với mô hình quản trị quốc gia mà trong đó chính quyền địa phương được xây dựng trên thiết chế tự quản tạo ra động lực, năng lực sáng tạo của địa phương. Sự phát triển của Nhật Bản rất đáng để Việt Nam tham khảo bởi đây là không chỉ là mô hình phát triển vượt bậc về kinh tế mà còn đảm bảo công bằng cho người dân.

Phó chủ nhiệm Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, tọa đàm lần này sẽ giúp các cán bộ Văn phòng Quốc hội hiểu rõ vai trò của Hiến pháp và hệ thống tổ chức chính quyền địa phương trong sự phát triển của đất nước Nhật Bản. Đây sẽ là hoạt động hết sức có ý nghĩa đối với những cán bộ làm công tác tham mưu, giúp việc cho Quốc hội về những giải pháp lập pháp sáng tạo thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Tại tọa đàm, các giáo sư của Nhật Bản và đại diện Cục pháp chế Hạ viện Nhật Bản đã trình bày khái quát về đặc trưng của Hiến pháp Nhật Bản trong đó tập trung vào chủ nghĩa lập hiến và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; về đặc trưng của cơ chế tự trị địa phương ở Nhật Bản; và hoạt động lập pháp của nghị sĩ liên quan đến tự trị địa phương.

Chính quyền Trung ương của Nhật bản thực hiện những công việc liên quan đến sự tồn vinh của một quốc gia trong môi trường quốc tế, quy định những vấn đề chung, thống nhất trên toàn quốc. Trong khi đó chính quyền địa phương hướng tới mục tiêu thúc đẩy phúc lợi xã hội cho người dân, chịu trách nhiệm trên diện rộng các nhiệm vụ thực thi tự chủ và hành chính tổng hợp tại địa phương, khu vực.

Giáo sư Nishio Masaru cho biết mức độ tập trung quyền lực và phân quyền phụ thuộc vào tình hình và những vấn đề của từng thời đại. Khi sự nghiệp hiện đại hóa và sự phát triển kinh tế cao độ đã đạt được thì cần thiết phải tăng cường phân quyền và sự tham gia của người dân.

Do đó, mối quan hệ giữa Nhà nước và chính quyền địa phương của Nhật Bản đã và đang tiến hành những cải cách nhằm đẩy mạnh phân quyền địa phương. Mối quan hệ giữa Nhà nước và chính quyền địa phương không còng là quan hệ “trên- dưới” mà chuyển sang quan hệ “ngang bằng và hợp tác”.

Cũng theo GS.Nishio Masaru, một trong những điểm đặc sắc của chế độ tự trị địa phương là hợp nhất thành phố- thị trấn- huyện. Sau ba lần tiến hành sáp nhập chính quyền địa phương cơ sở ở quy mô lớn, đến nay Nhật Bản có khoảng 1.700 thành phố, quận, huyện. Việc sáp nhập các thành phố, thị trấn, huyện nhằm tạo điều kiện cho chính quyền địa phương cấp cơ sở thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi rộng, có sự bình đẳng giữa các chính quyền địa phương cơ sở, đồng thời nâng cáo khả năng hành chính, tài chính lên một mức độ cao hơn.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đến từ Nhật Bản cũng đã trao đổi với các đại biểu Việt Nam về vai trò của chính quyền Trung ương trong việc điều tiết sự khác biệt trong quy định chính sách, chế độ giữa các chính quyền địa phương; giải quyết vấn đề di cư giữa những địa phương; áp lực giữa đảm bảo đầy đủ số lượng, chất lượng các dịch vụ công với tinh giảm biên chế và tiết kiệm ngân sách; nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương phân định với chính quyền trung ương trong một số lĩnh vực cụ thể.

Tin và ảnh: Bảo Yến