Đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ
Phát biểu tham luận tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác cán bộ; các vấn đề liên quan đều được thảo luận dân chủ, thống nhất trong Đảng ủy, Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong nội bộ và đến nay công tác cán bộ của Văn phòng Quốc hội từng bước đi vào nền nếp, ngày càng nâng cao chất lượng.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức-Cán bộ Nguyễn Mạnh Hùng trình bày tham luật tại Đại hội Ảnh: Đình Nam
Đảng ủy đã lãnh đạo tham mưu với Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 618/2013/NQ-UBTVQH13 ngày 10/7/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 1/10/2003 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội; đã sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc, giảm đầu mối cấp vụ, không còn phòng trực thuộc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, đảm bảo phân định rõ chức năng nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu tổng hợp với phục vụ.
Trong công tác tuyển dụng, Đảng ủy đã lãnh đạo công tác thi tuyển công chức đảm bảo công khai, đúng quy định và theo nguyên tắc cạnh tranh nhằm lựa chọn những cán bộ có chất lượng làm công tác tham mưu, tổng hợp cho Quốc hội. Công tác tiếp nhận, xét tuyển công chức đảm bảo đúng quy định. Văn phòng Quốc hội đã và đang là địa chỉ thu hút người tài, có trình độ cao, có học hàm học vị về công tác-điều đó chứng tỏ sự lãnh đạo của Đảng ủy trong công tác cán bộ đang đi rất đúng hướng.
Đảng ủy cũng đã lãnh đạo có hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ với phương châm “mở” và “động”, thường xuyên tiến hành rà soát, bổ sung tạo điều kiện cho mọi công chức có mục tiêu phấn đấu và không ngừng mở rộng phạm vi, đối tượng để chọn nguồn cán bộ quy hoạch. Đến nay, đã quy hoạch 213 cán bộ cấp cấp vụ đảm bảo đủ nguồn cán bộ thay thế khi có nhu cầu.
Trên cơ sở quy hoạch, Đảng ủy lãnh đạo xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, trong đó ưu tiên cử cán bộ đã được quy hoạch đi đào tạo. Trong 5 năm qua, có 188 công chức học chương trình Chuyên viên, 243 công chức học chương trình Chuyên viên chính, 79 công chức học Chuyên viên cao cấp; đã bổ nhiệm 77 Chuyên viên, 114 Chuyên viên chính, 24 chuyên viên cao cấp.
Tính đến nay, Văn phòng Quốc hội có 332 Chuyên viên, 203 Chuyên viên chính và 31 Chuyên viên cao cấp; 29 tiến sỹ, 205 thạc sỹ, 189 cán bộ, công chức đã và đang học cao cấp lý luận chính trị và hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được tập huấn, bồi dưỡng.
Việc bổ nhiệm cán bộ được thực hiện trên yêu cầu công tác, trình độ, năng lực, tín nhiệm, không có tình trạng vì “người” mà sinh thêm tổ chức; công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ được quan tâm. Cán bộ sau khi được bổ nhiệm cơ bản phát huy tốt năng lực, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Trong 5 năm qua đã bổ nhiệm 31 Vụ trưởng, 20 hàm Vụ trưởng, 61 Phó Vụ trưởng, 12 Hàm Phó Vụ trưởng, 46 Trưởng phòng và Hàm trưởng phòng, 31 Phó Trưởng phòng, 03 cán bộ cấp Tổng cục. Cùng với đó, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức luôn được đổi mới; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá và làm cở sở bổ nhiệm, điều động.
Có thể nói, trong nhiệm kỳ qua, Đảng ủy Văn phòng Quốc hội đã đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác cán bộ góp phần nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ cả về chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học cũng như năng lực lãnh đạo và phẩm chất của đội ngũ cán bộ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đủ phẩm chất, năng lực
Để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ Đảng ủy cần tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế, lãnh đạo toàn diện công tác cán bộ.
Công tác cán bộ là một việc hệ trọng, khó, phức tạp và nhạy cảm. Cấp ủy Đảng là cơ quan trực tiếp thực hiện vai trò lãnh đạo công tác cán bộ. Do đó, cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ủy đối với công tác cán bộ. Quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và có sự phối hợp với chính quyền lãnh đạo tất cả các khâu của công tác cán bộ.
Lãnh đạo bằng chủ trương, nghị quyết, quy chế, quy định về công tác cán bộ. Đây là phương thức lãnh đạo quan trọng nhất, đồng thời là phương thức lãnh đạo đặc trưng của Đảng đối với công tác cán bộ. Lãnh đạo bằng công tác vận động, giáo dục, thuyết phục tổ chức Đảng, đảng viên để thực hiện nghị quyết, chủ trương về công tác cán bộ. Lãnh đạo bằng công tác tổ chức, xây dựng tổ chức và đội ngũ cán bộ làm công tác cán bộ.
Việc đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện trong công tác cán bộ, từ tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch, đào tạo đến công tác bổ nhiệm, điều động cán bộ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo công tác cán bộ không hụt hẫng, công khai, minh bạch, khách quan. Thực hiện thi tuyển cạnh tranh, có chính sách thu hút người tài; ưu tiên cử cán bộ quy hoạch đi đào tạo để đảm bảo tiêu chuẩn chức danh khi bổ nhiệm. Thường xuyên kiện toàn, củng cố, ổn định tổ chức, bộ máy, biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số; khuyến khích cán bộ, đảng viên phấn đấu tự học tập nâng cao trình độ.
Bên cạnh đó, cần ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan đến công tác cán bộ: quy định về tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại; điều động, luân chuyển công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý; nghiên cứu từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý. Trên cơ sở Đề án vị trí việc làm cần rà soát, xây dựng tiêu chí rõ ràng, cụ thể đối với từng vị trí việc làm, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo lành nghề, thạo việc, chuyên nghiệp.
Đặc biệt, quản lý cán bộ là một khâu rất quan trọng có quan hệ mật thiết với các khâu khác của công tác cán bộ. Tăng cường sự phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác cán bộ. Quản lý tốt cán bộ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các khâu khác của công tác cán bộ đạt chất lượng, hiệu quả. Ngược lại, các khâu của công tác cán bộ được thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cán bộ đạt chất lượng hiệu quả, tạo nên chất lượng chung của công tác cán bộ. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ. Nhìn cán bộ từ nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, qua nhiều công việc thực tiễn, tính đến hiệu quả công việc, chất lượng giải quyết công việc, nhất là vào những thời điểm khó khăn, thách thức.