Trách nhiệm của báo chí với xã hội thông qua phản ánh hoạt động của Quốc hội

07/05/2015

Ngày 7/5, tại Hà Nội, trong khuôn khổ dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trường toàn diện (GIG) của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với Văn phòng dự án GIG tổ chức Tọa đàm Trách nhiệm của báo chí với xã hội thông qua phản ánh hoạt động của Quốc hội. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng tham dự và chủ trì Tọa đàm.

Ảnh : Phan Công

Tham gia Tọa đàm còn có các chuyên gia truyền thông trong nước và quốc tế cùng đông đảo các phóng viên trung ương và địa phương chuyên trách đưa tin về hoạt động của Quốc hội.

Tọa đàm được tổ chức với mục đích tạo diễn đàn để các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi về nhiều nội dung quan trọng của công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội TS. Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của tọa đàm lần này. Khẳng định vai trò của các nhà báo nắm trong tay quyền lực thứ tư của xã hội, TS.Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng, việc sử dụng quyền lực đó để xã hội phát triển thịnh vượng và tốt đẹp hơn phụ thuộc nhiều vào trình độ, phẩm chất đạo đức của những người làm báo.

Dẫn chứng từ Điều 60 của Luật bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi nhằm bảo đảm tốt hơn quyền cho người lao động nhưng khi báo chí hiểu không chính xác nội dung và truyền tải đến người dân đã dẫn đến cuộc biểu tình phản đối của hơn 10 ngàn người lao động. Ngay sau khi báo chí đưa tin thì lãnh đạo cơ quan chức năng đã có ý định đề nghị sửa đổi điều 60 này, trong khi luật còn chưa có hiệu lực. Qua đó, TS.Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định ở Việt Nam, tất cả các chính sách thay đổi, truyền thông có tác động nhiều nhất. Vì vậy, trong việc đưa tin về hoạt động của Quốc hội, vấn đề đặt ra cho báo chí hiện nay là đưa tin như thế nào để có thể thu hút được sự chú ý của người dân; để chính sách trở nên minh bạch; đưa tin đúng thời điểm là hết sức quan trọng.

Bên cạnh nội dung trao đổi của TS.Nguyễn Sĩ Dũng, tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã được nghe và thảo luận với các chuyên gia truyền thông trong nước và quốc tế về các chuyên đề: Vai trò của truyền thông đối với Quốc hội; kinh nghiệm đưa tin về hoạt động của Quốc hội các nước trên thế giới; cách thức đưa tin hiệu quả về hoạt động của Quốc hội; vấn đề đạo đức nghề báo và phương thức xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa cán bộ truyền thông của Quốc hội với các cơ quan thông tấn, báo chí; Giải quyết tình huống khó xử về đạo đức nghề nghiệp, quản lý sự cố truyền thông và đảm bảo tính trung lập khi đưa tin.

Thông qua việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia truyền thông về Quốc hội với phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí ở trung ương và địa phương sẽ góp phần đẩy mạnh và tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa báo chí với các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; để báo chí trở thành công cụ quan trọng hỗ trợ cho Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

Bảo Yến