Các đại biểu đã nghe các chuyên gia Nhật Bản giới thiệu các nguyên tắc phân cấp, phân quyền ở Nhật Bản; hoạt động hành chính của cơ quan tự trị ở Nhật Bản; tổ chức và hoạt động của một cấp chính quyền địa phương; sự tham gia của người dân trong hoạt động của chính quyền địa phương Nhật Bản. Chính quyền địa phương Nhật Bản được chia thành 2 cấp: cấp đô - đạo - phủ - tỉnh và cấp thành phố - thị trấn - làng. Chính quyền địa phương có Hội đồng gồm các Ủy viên được bầu công khai, có quyền biểu quyết về ngân sách và quyền lập pháp trong phạm vi cho phép của pháp luật; trong đó, tỷ lệ đảm trách các công việc và dự án của chính quyền địa phương rất cao và được gắn với nghĩa vụ trong pháp luật nhà nước.
Các chuyên gia Nhật Bản cho biết, câu chuyện về bãi bỏ hay không bãi bỏ chế độ huyện tại đất nước này đã được đặt ra từ năm 1904 và kéo theo rất nhiều ý kiến tranh luận. Sau đó, dự luật bãi bỏ cơ chế huyện đã vài lần được trình Nội các Nhật Bản nhưng không được thông qua. Đến năm 1921, mặc dù quyết định bãi bỏ cơ chế huyện đã được đưa ra nhưng cũng phải mất 5 năm chuẩn bị, đến năm 1926, việc bãi bỏ Ủy ban huyện và huyện trưởng mới được thi hành. Các ý kiến phản đối việc bãi bỏ cơ chế huyện ở Nhật Bản nhấn mạnh rằng, nếu coi kết quả bãi bỏ cơ chế huyện là cơ chế địa phương sẽ đơn giản và rõ ràng hơn thì đây là một sai lầm. Bên cạnh đó, nếu bỏ cơ chế huyện sẽ phải thành lập rất nhiều hiệp hội thị trấn - làng - một biện pháp giải quyết cho những dự án, chương trình mà huyện đang điều hành. Các ý kiến này cũng cho rằng, không có một chứng cứ nào cho thấy huyện không đủ năng lực liên kết mang tính tự quản...
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, các chuyên gia cho rằng, cuộc thảo luận về chính quyền địa phương, cụ thể là chính quyền cấp huyện của Việt Nam cần trả lời rõ ràng các câu hỏi: Việt Nam đánh giá vai trò của chính quyền cấp huyện như thế nào? Trường hợp cấp huyện không phát huy được đầy đủ chức năng vốn có của mình thì lý do thực chất là gì? Có phải vì cơ chế về nhân lực và ngân sách không đầy đủ hay không? Trường hợp bãi bỏ Hội đồng huyện, cơ quan thực hiện của huyện sẽ trở thành văn phòng đại diện của chính quyền tỉnh. Điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền tỉnh, xã? Để công tác quản trị địa phương hoạt động tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân thì việc tăng cường cơ chế tài chính hành chính của xã là rất lớn nhưng việc bãi bỏ Hội đồng huyện có đi ngược lại với phương hướng đó hay không?... Các chuyên gia nêu rõ, tất cả những vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra phương án phù hợp nhất với điều kiện cụ thể của Việt Nam.