Góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đại biểu các Vụ, Cục, đơn vị của VPQH nhất trí cao với quan điểm cơ bản của việc sửa đổi Hiến pháp lần này: dựa trên cơ sở tổng kết sâu sắc việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và các đạo luật có liên quan; căn cứ vào định hướng, nội dung của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đảng; kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1992 và của các bản Hiến pháp trước đây còn phù hợp; sửa đổi, bổ sung những vấn đề thực sự cần thiết, những vấn đề đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có đủ cơ sở, nhận được sự thống nhất cao và phù hợp với tình hình mới đã được văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng xác định.
Các đại biểu các Vụ, Cục, đơn vị của VPQH đánh giá cao việc Dự thảo tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức (Điều 2). Làm rõ một số nội dung liên quan đến Chế độ Chính trị (Chương I), đặc biệt là việc bổ sung và phát triển nguyên tắc Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp (Điều 2) theo tinh thần của Cương lĩnh. Đây là điểm rất mới của Dự thảo Hiến pháp. Kiểm soát quyền lực là nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền để các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp thực thi có hiệu lực, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Hiến pháp và pháp luật, tránh việc lợi dụng, lạm dụng quyền lực.
Góp ý vào Điều 4, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, các đại biểu cho rằng, Dự thảo đã khẳng định và thể hiện sâu sắc, toàn diện hơn bản chất, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Dự thảo bổ sung quy định về Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; các tổ chức của Đảng và Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đây là sự bổ sung cần thiết, bởi mối quan hệ Đảng – Dân có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Tuy nhiên, một số đại biểu đề nghị, Dự thảo cần thể hiện rõ hơn vai trò Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, các đại biểu đề nghị nên đưa cụm từ là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội lên trước cụm từ lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng ở Khoản 1.
Liên quan đến Khoản 8, Điều 79 có ý kiến cho rằng, nên cân nhắc quy định giao UBTVQH… lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH. Bởi, UBTVQH là cơ quan thường trực của QH, do QH bầu và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cũng do QH bầu. Nếu UBTVQH lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban phải thuộc cơ cấu của UBTVQH, chịu trách nhiệm trước UBTVQH thay vì trước QH như hiện nay. Để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH thực hiện đúng vai trò là cơ quan chuyên môn của QH, nên sửa quy định này theo hướng: QH chỉ đạo hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của QH.