Sau Tết Nguyên đán Tân Mão tròn một tháng, Văn phòng Quốc hội (VPQH) sẽ bước vào tuổi 65.
Ngày 2.3.1946 là một ngày có ý nghĩa: đây là ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, cũng chính là ngày truyền thống của VPQH. Vào ngày này, 65 năm trước, sau thắng lợi to lớn của cuộc Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên trong lịch sử của đất nước, Quốc hội đã nhóm họp để quyết định các vấn đề quốc kế, dân sinh quan trọng của đất nước. Cùng với việc Quốc hội bắt đầu hoạt động, một bộ máy giúp việc cho Quốc hội cũng đã bắt đầu được hình thành.
Ngược dòng thời gian, thời điểm lịch sử 65 năm trước, khi mới được thành lập, VPQH bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chỉ với một số ít cán bộ do Chính phủ điều động sang để phục vụ Ban thường trực Quốc hội. Và nhiệm vụ chính của đội ngũ cán bộ này là làm những công việc văn phòng như: in, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu Quốc hội, tổ chức Hội nghị cho Ban thường trực Quốc hội… Dù chỉ ít người nhưng đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách đạo đức tốt, tận tâm tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao. 4 năm sau, tính từ ngày khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, đến ngày 19.3.1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 38/SL cử bác sỹ Nguyễn Tấn Gi Trọng giữ chức Chánh văn phòng Ban thường trực Quốc hội. Điểm lại lịch sử một ít như vậy để thấy rằng, từ những ngày đầu thành lập cho đến nay, những cán bộ phục vụ Quốc hội là những người tận tâm với công việc. Điều đó trở thành truyền thống, thành phẩm chất của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của VPQH qua các thời kỳ. Từ chỗ chỉ có số lượng cán bộ khiêm tốn, đến nay, VPQH đã có đến trên dưới một nghìn cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. VPQH xứng đáng là cơ quan tham mưu, tổng hợp và giúp việc cho Quốc hội.
65 năm hình thành và phát triển, VPQH thực sự là bộ máy trợ giúp chuyên nghiệp và tận tụy của Quốc hội, trưởng thành theo tiến trình đổi mới và phát triển của Quốc hội. VPQH có phần đóng góp trong tất cả các hoạt động của Quốc hội. Mỗi cán bộ và từng vụ, đơn vị trong VPQH đều không ngừng nâng cao năng suất và hiệu quả công tác; phát huy trí tuệ và sức sáng tạo, tham mưu, giúp việc, phục vụ Quốc hội trong công tác chuẩn bị, thông qua các dự án luật; nghiên cứu, cải tiến, hoàn thiện quy trình giám sát, góp phần thúc đẩy hoạt động giám sát của Quốc hội ngày càng chất lượng và hiệu quả. Đồng thời, bằng hoạt động tham mưu, tổng hợp, cung cấp thông tin, VPQH cũng đã tích cực phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Ngoài ra, VPQH còn cung cấp thông tin cho công chúng và báo chí về Quốc hội và các hoạt động của Quốc hội. Đây là hoạt động quan trọng nhằm bảo đảm sự minh bạch trong hoạt động của Quốc hội, cũng như tạo điều kiện cho cử tri giám sát hoạt động của đại biểu mà mình đã bầu ra.
Trong 65 năm qua, các thế hệ cán bộ VPQH đã trưởng thành. Nhiều người trong số họ đã trở thành đại biểu Quốc hội, đóng góp thiết thực vào hoạt động của cơ quan dân cử ở Việt Nam.
Một Quốc hội chuyên nghiệp và đổi mới, đòi hỏi bộ máy tham mưu, tổng hợp và giúp việc cũng phải chuyên nghiệp và đổi mới. Với tinh thần này, bộ máy tổ chức và nhân sự của VPQH đã không ngừng được kiện toàn và nâng cao chất lượng. Và thực tế đã cho thấy, Quốc hội mạnh khi có bộ máy giúp việc mạnh. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động VPQH luôn được ví như những người lính. Những người lính văn phòng dày dạn kinh nghiệm và làm việc chuyên nghiệp. Những người lính luôn luôn sẵn sàng xả thân vì công việc, vì một Quốc hội thật sự đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Trần Đình Đàn
Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH