Phiên họp Giải trình, cung cấp thông tin việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Cử tri kiến nghị tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế; thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, vướng mắc tỏng đấu thầu thuốc
Báo cáo giám sát tại Phiên họp Giải trình, cung cấp thông tin về việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức mới đây cho thấy, một số kiến nghị cử tri phản ánh những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực y tế cần phải được điều chỉnh kịp thời, mặc dù đã được các Bộ, ngành trả lời, tiếp thu nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Còn tình trạng chậm ban hành văn bản dưới luật
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, cử tri các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Định, An Giang tiếp tục phản ánh về những khó khăn trong công tác đấu thầu thuốc, vật tư y tế.
Trả lời cử tri, Bộ Y tế cho biết, đã ban hành 04 thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu. Đây là nỗ lực của ngành y tế để giải quyết tình trạng thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc tại các cơ sở y tế công lập do khó khăn từ công tác đấu thầu.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện còn một vướng mắc liên quan đến nhà thuốc bệnh viện. Vì vậy, dự kiến tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội luật sửa đổi 4 luật về đầu tư, trong đó Bộ Y tế cũng đã đề nghị đưa nội dung nhà thuốc vào dự thảo luật mới. Tuy vậy, để giải quyết vấn đề này cũng mất rất nhiều thời gian, từ việc đánh giá thực tiễn, lấy ý kiến sở y tế các địa phương. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận, do việc ban hành văn bản còn chậm nên có độ trễ trong quá trình áp dụng các quy định mới, trong khi quy định cũ còn nhiều vướng mắc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
“Đến thời điểm này, sau khi các thông tư của Bộ Y tế được ban hành liên quan đến Luật Đấu thầu, cơ bản những gói thầu mua sắm theo quy định mới đã được triển khai thực hiện, tháo gỡ được nhiều vướng mắc lớn về thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong thời gian qua với những điểm tiến bộ của Luật Đấu thầu”, Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.
Về vấn đề này, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, qua giám sát của Ban Dân nguyện cho thấy, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu thầu chưa kịp thời và chưa đồng bộ. Mặc dù Luật Đấu thầu năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024, nhưng ngày 27/02/2024, Nghị định số 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu mới được ban hành. 04 thông tư do Bộ Y tế ban hành hướng dẫn thi hành Nghị định số 24/2024/NĐ-CP đến tháng 4 và tháng 5/2024 mới được ban hành.
Ngày 15/02/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 01 hướng dẫn việc cung cấp, đăng tải thông tin về lựa chọn nhà thầu và mẫu hồ sơ đấu thầu trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Tuy nhiên, chỉ sau 02 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 06 để bãi bỏ Thông tư số 01.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà
Như vậy, sau gần nửa năm, từ ngày Luật Đấu thầu có hiệu lực, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành để làm cơ sở cho công tác đấu thầu. Mặt khác, trên thực tế, quy trình lựa chọn nhà thầu, các gói thầu mua thuốc tập trung theo quy định của Luật Đấu thầu thường kéo dài 7 - 8 tháng nên sẽ rất ảnh hưởng đến giá thuốc, vật tư tiêu hao tại các thời điểm khác nhau của quy trình đấu thầu và dẫn đến việc khó khăn trong tổ chức mua sắm tại các cơ sở khám chữa bệnh… Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đánh giá việc ban hành các quy định về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện của các địa phương, cơ sở khám, bệnh, chữa bệnh trong việc triển khai Luật Đấu thầu. Bộ Y tế cần nghiên cứu, ban hành quy định cụ thể về xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu trong việc mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế để đảm bảo quyền lợi cho người dân, đặc biệt là những người khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế.
Có giải pháp quyết liệt cung ứng đầy đủ vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cũng cho biết, cử tri nhiều địa phương phản ánh việc thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng tại các cơ sở y tế công lập, nên nhiều trẻ em không được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm đủ mũi nên có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Nhiều phụ huynh phải đưa con em mình đi tiêm vắc xin dịch vụ bên ngoài, ảnh hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Cử tri nhiều địa phương phản ánh tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, thời gian qua Bộ đã đã có nhiều giải pháp để đảm bảo cung ứng đầy đủ vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, như: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 13 năm 2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104 năm 2016 quy định về hoạt động tiêm chủng; hướng dẫn, chỉ đạo địa phương tổng hợp nhu cầu vắc xin trên cả nước; hoàn thành mua 10 loại vắc xin sản xuất trong nước… Đến ngày 10/6/2024, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1596 về Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024.
Qua giám sát, Ban Dân nguyện nhận thấy, mặc dù Nghị quyết số 98 của Chính phủ ban hành tháng 7 năm 2023 về việc bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng sau 7 tháng Bộ Y tế mới xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 13 (tháng 2/2024) sửa đổi Nghị định số 104 năm 2016. Theo đó, ngân sách trung ương được bố trí trong ngân sách chi thường xuyên của Bộ Y tế để đảm bảo kinh phí cho các hoạt động Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Đến tháng 6 năm 2024, Bộ Y tế mới ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2024 là quá chậm để các địa phương có thể triển khai thực hiện Kế hoạch tiêm chủng năm 2024. Đến tháng 7 năm 2024, Bộ Y tế lại tiếp tục ban hành Kế hoạch tiêm chủng mở rộng năm 2025, trong nội dung kế hoạch đã nêu kết quả tiêm chủng 5 tháng đầu năm 2024 có 8/11 loại vắc xin tiêm chủng mở rộng chưa đạt kế hoạch, trong đó có một số loại tỉ lệ thấp như vắc xin bại liệt, vắc xin viêm não Nhật Bản.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thị Nhị Hà
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thị Nhị Hà cho biết, Ban Dân nguyện đã đề nghị Đoàn ĐBQH các địa phương cung cấp thông tin về tình hình cung ứng vắc xin tại địa phương. Kết quả cho thấy, tại nhiều địa phương tình trạng thiếu vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã diễn ra từ cuối năm 2022, đến năm 2024 vẫn chưa được khắc phục triệt để, vẫn xảy ra tình trạng thiếu một số loại vắc xin trong Chương trình.
Khẩn trương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ khám chữa bệnh
Ngoài ra, cử tri các tỉnh Thái Nguyên và Lạng Sơn cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật để làm căn cứ tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 60 của Chính phủ năm 2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ đã ban hành 02 thông tư hướng dẫn thực hiện, gồm: Thông tư số 13 năm 2023 quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước cung cấp và Thông tư số 22 năm 2023 quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí, khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.
Bộ Y tế đã ban hành Thông tư quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng
Về vấn đề này, qua giám sát, Ban Dân nguyện nhận thấy, theo quy định tại Nghị định số 60 năm 2021 của Chính phủ, đến hết năm 2021 cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công lập. Theo quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bao gồm chi phí nhân công, chi phí trực tiếp, chi phí khấu hao, chi phí quản lý và cả tích lũy và lợi nhuận dự kiến. Theo thông tư số 22 năm 2023 của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư này được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chữa bệnh. Như vậy, chi phí quản lý và chi phí khấu hao tài sản chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 96 năm 2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, chỉ còn hơn 3 tháng để áp dụng giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh mới. Trong khi đó, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Bộ Y tế phải ban hành giá để làm cơ sở cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn quản lý thuộc phạm vi được phân quyền. Vì giá của các cơ sở khám chữa bệnh do cấp tỉnh quản lý không được vượt quá giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tương ứng do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
Do vậy, để có thể ban hành được giá dịch vụ khám chữa bệnh mới theo tiến độ được quy định tại Nghị định số 96 của Chính phủ, Bộ Y tế cần ban hành danh mục dịch vụ kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh và ban hành định mức kinh tế kỹ thuật của dịch vụ y tế; đồng thời quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.
Mặc dù chỉ còn 03 tháng nữa là thời hạn phải áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh mới nhưng khi trả lời cử tri, Bộ Y tế vẫn chỉ nêu Bộ đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện định mức kinh tế kỹ thuật, phương pháp tính giá dịch vụ khám chữa bệnh để các địa phương xây dựng phương án giá, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt giá khám bệnh, chữa bệnh mà chưa có lộ trình cụ thể. Bên cạnh đó, Bộ cũng chưa thực hiện ban hành Thông tư quy định về phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, Bộ Y tế cần khẩn trương ban hành định mức kinh tế kỹ thuật và giá dịch vụ khám chữa bệnh để áp dụng từ ngày 01/01/2025.